Thận trọng khi nhiễm tụ cầu khuẩn

ANTD.VN - Tụ cầu có thể gây nên một số bệnh nhiễm khuẩn cho người bất cứ lúc nào, mùa nào, đặc biệt trong mùa hè.

Ngộ độc thực phẩm là một trong những dấu hiệu nhiễm tụ cầu khuẩn

Tụ cầu (Staphylococcus) là một chủng vi khuẩn có thể gây ra rất nhiều bệnh nhiễm trùng trong cơ thể. Đây là chủng vi khuẩn thường gặp trên da người và trong điều kiện bình thường chúng không gây bệnh. Có hơn 30 chủng tụ cầu khuẩn có thể gây bệnh, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là tụ cầu vàng Staphylococcus aureus. Nếu vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể, thông qua các vết thương trên da hay qua đường hô hấp, chúng có thể gây ra các nhiễm trùng rất nghiêm trọng.

Các nhiễm trùng nông trên da như chốc lở hay viêm mô tế bào là phổ biến nhất. Những phụ nữ cho con bú có thể bị nhiễm một bệnh do tụ cầu gọi là chứng viêm vú, vi khuẩn có thể xâm nhập vào sữa mẹ. Tụ cầu khi vào phổi có thể gây viêm phổi. Khi vào xương nó có thể gây viêm tủy xương.

Nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng cũng có thể gây nhiễm trùng ở tim và van tim (viêm cơ tim). Nếu tụ cầu lưu thông trong máu, nó có thể đến rất nhiều hệ cơ quan trong cơ thể và gây các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, có thể nguy hiểm đến tính mạng (nhiễm khuẩn huyết). Nhiễm khuẩn huyết có thể dẫn tới sốc hay suy đa phủ tạng và gây tử vong.

Da bóng nước hoặc mụn mủ

Da nhiều mụn mủ hoặc da bị viêm là dấu hiệu của nhiễm khuẩn tụ cầu. Triệu chứng điển hình của nhiễm tụ cầu trên da đó là hình thành những ổ áp xe chứa đầy mủ, sưng đau và tấy đỏ tại vị trí nhiễm trùng cũng khá phổ biến kèm theo chảy mủ. Nếu tụ cầu xâm nhập vào máu (gây nhiễm khuẩn huyết), các triệu chứng sẽ gồm sốt, ớn lạnh và hạ huyết áp.

Ngộ độc thực phẩm

Khi thức ăn được tiếp xúc với tụ cầu khuẩn, vi khuẩn nhân lên và tạo ra độc tố. Đó chính là những độc tố có thể làm cho bạn bị bệnh, gây ra các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, đau dạ dày. Những triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng 6 giờ. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị sốt. Nhưng cần lưu ý: khi bị ngộ độc thực phẩm, sốt không hẳn liên quan đến tụ cầu. Những thực phẩm dễ bị nhiễm tụ cầu vàng nhất như trứng, thịt gia súc, gia cầm, cá ngừ, thịt gà, khoai tây, mỳ ống, các loại bánh nướng có kem và các sản phẩm từ sữa.

Sốt

Trong một số trường hợp, thường là khi ai đó tiếp xúc với tụ cầu tại bệnh viện, khuẩn tụ cầu có thể vào máu. Điều này có thể gây ra nhiễm trùng máu dẫn đến sốt và giảm huyết áp. Khi vào máu, tụ cầu khuẩn có thể lây lan đến tim, xương, các bộ phận cơ thể và dẫn đến một số bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong. Những bệnh có thể mắc như viêm phổi, viêm tủy xương, nhiễm trùng màng tim. Các triệu chứng gồm đau cơ và khớp, đổ mồ hôi đêm, sốt, da nhợt nhạt, buồn nôn và các triệu chứng khác, theo Viện Tim mạch Texas.

Hội chứng sốc nhiễm độc

Khi tụ cầu sản xuất độc tố tích lũy, chúng có thể gây ra một loại nhiễm độc máu được gọi là hội chứng sốc độc tố, theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ. Điều này có thể dẫn đến một cơn sốt đột ngột, nôn mửa hoặc tiêu chảy, cơ bắp đau nhức, đau đầu và phát ban giống như bị cháy nắng ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.

Biến chứng của nhiễm tụ cầu

Tụ cầu vàng có thể gây ra một loại nhiễm trùng nghiêm trọng gọi là hội chứng bỏng da do tụ cầu, chủ yếu gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể gặp ở người lớn. Nhiễm trùng gây hủy hoại những lớp da trên bề mặt tổn thương, gây phồng rộp và bong tróc da. Khi nhiễm trùng xảy ra trên một diện tích bề mặt cơ thể lớn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Hội chứng bỏng da do tụ cầu được điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch và bù dịch để phòng mất nước.

Phòng ngừa

Hiện chưa có vaccine đặc hiệu để phòng các bệnh do tụ cầu vàng gây ra. Tuy nhiên, có những biện pháp để phòng tránh lây lan vi khuẩn. Cần rửa tay sạch sẽ, tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh, cần làm sạch các vết xước, vết cắt và vết thương trên da để giảm thiểu nguy cơ tụ cầu vàng xâm nhập qua những vết thương hở này. Ngoài ra, cần tuân theo những quy tắc sơ chế và chế biến thực phẩm an toàn để phòng nguy cơ ngộ độc do tụ cầu gây ra.