Thận trọng dùng biện pháp dân gian : Dạ dày có thể khổ thêm

ANTD.VN - Đau dạ dày là một bệnh khá phổ biến trong cộng đồng và dễ tái phát. Có rất nhiều bệnh lý liên quan dến dạ dày, biểu hiện bằng triệu chứng đa dạng và phức tạp, từ nhẹ nhất là rối loạn tiêu hóa đến viêm dạ dày và viêm loét dạ dày - tá tràng, nặng hơn nữa là ung thư. Trong khi đó, việc lấy kinh nghiệm dân gian để điều trị dạ dày lại cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, cần phải hết sức cẩn trọng với phương pháp chữa bệnh kiểu này.

Bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị, bị tái nhiễm vi khuẩn HP sẽ khiến bệnh dạ dày dễ tái phát

Tỏi mặc dù có nhiều tác dụng phòng chống bệnh tật, nhưng cũng là thứ gia vị nên tránh khi dạ dày có vấn đề. Ăn tỏi, nhất là tỏi sống sẽ gây ra chứng ợ nóng ở một số người bị chứng trào ngược dạ dày. Hành cũng có thể “hành” mệt thêm dạ dày vì gây ợ hơi, ợ chua ở những bệnh nhân mắc bệnh dạ dày, nhất là khi kèm theo việc bạn ăn nhiều thức ăn trong một bữa. Trong khi đó, nếu dùng nhiều bạc hà dễ làm yếu cơ thắt giữa dạ dày và thực quản dẫn đến việc a xít từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng khó chịu. Các gia vị chua như chanh, quất, dấm chua… cũng thường được người Việt dùng để chế biến các món ăn, nhưng dùng nhiều cũng không có lợi cho người bệnh dạ dày.

Rượu tỏi cũng là loại đồ uống mà nhiều bệnh nhân áp dụng chữa đau dạ dày. Bởi trong tỏi có chứa hoạt chất như allicin, ajoen, liallyl sunfid…đem lại tác dụng kháng sinh, kháng khuẩn, tiêu diệt vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori).

Nhưng trong tỏi có chứa fructan – hợp chất gây ra nhiều vấn đề cho đường ruột và dạ dày. Bởi vậy, khi ăn quá nhiều tỏi, vượt quá 1.5g mỗi ngày có thể khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương. Thêm nữa, việc sử dụng rượu làm dung môi còn ức chế sự tạo thành của lớp màng nhày, gây tăng tiết acid dịch vị, khiến các triệu chứng ợ nóng, đầy hơi, cồn cào trở nên trầm trọng.

Dùng tỏi chữa dạ dày khi bụng đói có thể gây hại cho dạ dày (ẢNH: SHUTTERSTOCK)

Theo y học cổ truyền, cơm cháy cũng được coi là vị thuốc quý, vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ khí kiện tỳ, tiêu thực chỉ tả. Cơm cháy thường dùng chữa các chứng đau bụng do thức ăn chậm tiêu, chán ăn, tiêu chảy kéo dài... Có lẽ từ đây mà nhiều người đã tin rằng sử dụng cơm cháy lâu dài có thể chữa được chứng đau dạ dày kinh niên. Đặc biệt, cơm cháy càng nấu lâu, sậm màu thì càng chứa nhiều dược liệu tốt.

Thực chất, không thể phủ nhận rằng: ăn cơm cháy vàng sẽ có lợi ích nhất định cho hệ tiêu hóa. Nguyên nhân là khi ăn cơm cháy phải nhai thật kỹ, nước bọt sẽ được tiết ra nhiều hơn. Theo đó có thể trung hòa một phần axit dư thừa trong dạ dày.

Tuy nhiên, việc coi cơm cháy vàng sậm là phương thức chữa trị đau dạ dày là rất thiếu khoa học. Ở nhiệt độ cháy càng cao thì sự phân hủy các chất có trong cơm càng mạnh. Lúc này các protein bị bẻ gãy và phân huỷ, tạo ra các gốc hữu cơ độc. Bởi vậy việc ăn cơm cháy vàng sậm sẽ sinh ra các chất lạ khiến đường ruột bị ảnh hưởng tiêu cực.

Bột nghệ là nguyên liệu được rất nhiều người sử dụng để điều trị bệnh đau dạ dày. Với hàm lượng Curcumin cao, bột nghệ phần nào tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể, phòng chống tế bào ung thư, làm lành các vêt loét. Tuy nhiên, trong bột nghệ vẫn còn tồn tại hàm lượng lớn tinh dầu. Và điều này làm cho dạ dày của người bệnh dễ bị kích ứng . Vì vậy, tinh chất nghệ chỉ là sản phẩm hỗ trợ điều trị, làm giảm các triệu chứng bệnh chứ không phải là thuốc.

Ảnh minh họa 

Dĩ nhiên, không phải một số bài thuốc dân gian chữa bệnh dạ dày là không hay, không quý nhưng cần phải hiểu biết cặn kẽ và hết sức thận trọng khi dùng các bài thuốc dân gian chữa bệnh dạ dày. Chẳng hạn, người bị loét dạ dày ở giai đoạn cuối mà sử dụng rượu tỏi thì có thể ảnh hưởng xấu hơn cho dạ dày. Hoặc đang đau dạ dày mà sử dụng trà gừng lúc bụng đói là “sai sách”. Nhiều bài thuốc truyền miệng chữa bệnh dạ dày chưa được kiểm chứng cũng thận trọng.

Điều trị dạ dày đúng cách, là khi có các triệu chứng biểu hiện đau dạ dày cần được bác sĩ khám bệnh, làm các xét nghiệm lâm sàng như chụp X-quang, nội soi, xét nghiệm máu… để có hướng điều trị phù hợp nhất. Ngoài việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bị đau dạ dày cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống khoa học, không sử dụng các chất gây tổn thương niêm mạc dạ dày.