Thẩm mỹ viện làm chết người, ai chịu trách nhiệm?

ANTD.VN -Mới đây tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam, TP.HCM xảy ra vụ việc khá nghiêm trọng. Bệnh nhân C.T.L, Việt kiều Mỹ (ở quận Tân Phú) đến Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam để căng da mặt, song sau khi phẫu thuật đã đột ngột tử vong vào tối 14-10.

Từ biến chứng đến...mất mạng

 Liên quan đến sự việc xảy ra tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam, được biết Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế TP.HCM đề nghị khẩn trương kiểm tra, xác minh, làm rõ sự việc. Cục này cũng yêu cầu Sở Y tế xử lý vi phạm đối với người hành nghề và Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam (nếu có) theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Sau sự cố trên, nhiều người dân đặt câu hỏi, thời gian qua, số người bị biến chứng, thậm chí mất mạng do phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở làm đẹp không ngừng tăng lên. Đối với các trường hợp này, trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ đến đâu, hay chỉ có khách hàng vừa mất tiền, vừa mang tật?

Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hiện nay, nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng tăng. Để phục vụ khách hàng, nhiều cơ sở tự xưng danh là thẩm mỹ viện mọc lên như nấm và quảng cáo khá rầm rộ.

Người dân có nhu cầu làm đẹp cần đến cơ sở thẩm mỹ có uy tín (ảnh minh họa)

Theo Điều 29 - Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân, hành vi thực hiện các dịch vụ y tế ngoài giấy phép sẽ bị phạt hành chính từ 50- 70 triệu đồng.

Mặt khác, Khoản 2 Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP còn quy định, các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, chỉ những cơ sở làm đẹp được cơ quan chức năng cấp phép mới được thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ có dùng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người - Luật sư Nguyễn Tiến Hòa nhấn mạnh.

Có thể xử lý hình sự

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, trong trường hợp cơ sở thẩm mỹ làm chết người, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, những người trực tiếp tham gia phẫu thuật cho nạn nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (điều 129 BLHS 2015) hoặc tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (điều 315 BLHS 2015).

Theo đó, Điều 129 BLHS quy định, người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 5-12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Còn theo Điều 315 BLHS 2015, người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 1-5 năm: Làm chết 1 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100-dưới 500 triệu đồng...

Phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

“Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, Nhà nước cần siết chặt hơn nữa về điều kiện cấp phép hoạt động, tăng nặng chế tài xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phẫu thuật thẩm mỹ. Bên cạnh đó, người dân khi có nhu cầu làm đẹp nên đến những cơ sở thẩm mỹ uy tín, được công nhận và cấp phép, với đội ngũ y bác sĩ đảm bảo, có tay nghề cao để tránh tiền mất, tật mang” – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa khuyến cáo.