Tham gia bảo hiểm y tế giúp giảm gánh nặng chi phí khi ốm đau, tai nạn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, nhờ tham gia và có thẻ BHYT, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua được giai đoạn khó khăn khi có quỹ BHYT chi trả các chi phí khám và điều trị bệnh, thậm chí có những người bệnh có chi phí khám, chữa bệnh lên tới hàng tỷ đồng/đợt điều trị.

Tham gia bảo hiểm y tế giúp giảm gánh nặng chi phí khi ốm đau, tai nạn ảnh 1

Diện bao phủ ngày càng được mở rộng

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đã đạt gần 90% dân số; đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm tăng 48%, từ năm 2015-2019 tăng hơn 15 triệu người, đến hết năm 2019 đã có 85,636 triệu người tham gia BHYT.

Trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế, như: nhóm người lao động đã tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100% (khoảng 3,1 triệu người); nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ như hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên đạt xấp xỉ 100% và trên 17,5 triệu người tham gia theo hình thức hộ gia đình.

Đánh giá về những con số khả quan trên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, ngành Bảo hiểm xã hội và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động đề xuất với Chính phủ giao chỉ tiêu thực hiện BHYT cho từng địa phương; Tích cực phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và quyết liệt chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp để người dân tham gia BHYT thuận lợi nhất...

Bên cạnh đó, quyền lợi của người tham gia BHYT cũng ngày một nâng cao, nếu như năm 2014, mới có 2.111 cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH thì đến tháng 6 năm 2020 số cơ sở khám chữa bệnh BHYT là 2.571 cơ sở khám chữa bệnh.

Số chi khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ BHYT cũng ngày càng tăng, từ 15,5 nghìn tỷ (tương đương 970 triệu USD) của năm 2009, tăng lên đến hơn 100 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD) của năm 2019.

Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội như người nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi. 

Nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT trong năm lên đến hàng tỷ đồng.

Quản lý quỹ BHYT an toàn, hiệu quả

BHYT là chính sách xã hội quan trọng, là một trong các trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn để đảm bảo nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT được sử dụng công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo tính khách quan; gắn thực hiện nhiệm vụ thu, chi, giải quyết chính sách, quản lý quỹ và phát triển đối tượng tham gia BHYT.

Từ năm 2018, BHXH Việt Nam đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao dự toán chi khám chữa bệnh BHYT đến từng địa phương, đây là biện pháp góp phần tháo gỡ vướng mắc trong bối cảnh hầu hết các tỉnh bị bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT do điều chỉnh giá dịch vụ y tế  và mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.

Việc hướng dẫn các địa phương phân bổ và điều hành dự toán hàng năm cũng được chú trọng; đồng thời,thường xuyên theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện dự toán, tổng hợp dữ liệu giao dự toán khám chữa bệnh BHYT toàn quốc đến các cơ sở khám chữa bệnh nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2018, số thu từ đối tượng tham gia BHYT là 93.318 tỷ đồng; tổng số thu BHYT do với kế hoạch được giao đạt 105,8%. Tổng số chi khám chữa bệnh BHYT là 95.081 tỷ đồng bằng 104,3% so với dự toán Chính phủ giao.

Năm 2019, số thu (ước tính) từ đối tượng tham gia BHYT là 104.807 tỷ đồng; tổng số chi khám chữa bệnh BHYT ước là 104.443 tỷ đồng, ước tính vẫn đảm bảo cân đối thu - chi trong năm, không phải sử dụng đến nguồn quỹ dự phòng.