Thách nhau đấu võ dẫn tới thương tích cũng là vi phạm pháp luật

ANTD.VN - Ông Hoàng Đình T (SN 1975) cùng bạn bè tổ chức uống rượu. Lúc mọi người ngà ngà say thì Nguyễn Trọng H (SN 1985) nói: “Tôi vừa đi học võ về, trong bàn có ai giỏi thì ra đấu võ với tôi”. Có men rượu trong người, ông T hăng máu bước ra nhận lời thách đấu với H. Nguyễn Trọng H liền lao tới đấm, đá ông T tới tấp. 

Nội dung vụ việc

Thấy tình hình không ổn, những bạn nhậu vội vào can ngăn nhưng bị H đẩy ngã xuống mương và tiếp tục đuổi theo ông T, túm lấy chân trái của ông đưa lên cao rồi bẻ ngang. Thấy ông T ngất xỉu, H mới dừng tay. Gia đình ông Hoàng Đình T đã kịp thời đưa ông đi bệnh viện cấp cứu. Theo bệnh án thì ông T bị bong gân và căng cơ phía trước, phía sau tổn thương dây chằng chéo khớp gối do bị đánh. Kết quả giám định pháp y về thương tật của ông là 16%. Vụ việc ngay sau đó được thông báo đến cơ quan công an.

Vấn đề đặt ra là, với hành vi thách nhau đấu võ tay đôi dẫn tới gây thương tích của Nguyễn Trọng H có phạm tội không?

Ý kiến bạn đọc

Vô ý gây thương tích

Tôi cho rằng, trong vụ việc này giữa ông Hoàng Đình T và Nguyễn Trọng H trước đây chưa từng có mâu thuẫn. Việc ông H thách đấu với ông T chỉ là lời nói vui trong lúc đang cùng ngồi uống rượu. Ông T cũng đồng ý nhận lời thi đấu với H nên chứng tỏ rằng ông T cũng đã chấp nhận thương tích xảy ra với mình nếu có. Ngoài ra, đây là cuộc thi đấu võ (bằng tay chân) tự phát, không có yếu tố dùng hung khí nguy hiểm, không có yếu tố côn đồ. H chỉ lỡ tay làm ông T bị thương tật với tỷ lệ 16% nên theo tôi đây là hành vi vô ý gây thương tích. Tuy nhiên theo Điều 138 Bộ luật Hình sự thì mức độ thương tật phải từ 31% trở lên mới cấu thành tội vô ý gây thương tích. Do đó hành vi của Nguyễn Trọng H trong vụ việc này chưa cấu thành tội phạm.

Trần Lan Hoa (TP Nam Định - Nam Định)

Chỉ bị xử lý hành chính

Theo tôi, ở Việt Nam, hiện chưa có quy định cụ thể về các cuộc đấu võ nằm ngoài phạm vi của một giải đấu do cơ quan có chức năng tổ chức. Pháp luật Việt Nam cấm đánh nhau, cấm gây thương tích cho người khác, cho nên có thể thấy các cuộc tỉ thí võ đều là bất hợp pháp. Trong vụ việc này, do cả Nguyễn Trọng H và ông Hoàng Đình T đều tự nguyện tham gia cuộc thi đấu võ nên tôi cho rằng H sẽ không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, do đây là cuộc đấu bất hợp pháp nên trong trường hợp này H sẽ bị xử lý hành chính về hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau. Ngoài ra, nếu ông T có yêu cầu về dân sự thì H sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Phạm Thị Liễu (Ba Đình - Hà Nội)

Phạm tội cố ý gây thương tích

Theo tôi, hành vi của Nguyễn Trọng H trong vụ việc này đã phạm tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ, ngay sau khi ông Hoàng Đình T nhận lời thách đấu thì H đã lao vào đấm, đá ông T tới tấp. Khi có người can ngăn, bản thân ông T đã cố gắng thoát thân nhưng H vẫn đuổi theo tấn công. Như vậy, hành vi của H là cố ý thực hiện cho bằng được việc tấn công ông H, bất chấp hậu quả có thể xảy ra. Tuy nhiên tôi cho rằng, Nguyễn Trọng H cũng cần được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bởi khi thách nhau đấu võ cả H và ông T đều đã ngà ngà say. Việc H gây thương tích cho ông T là trong lúc tinh thần bị kích động, không làm chủ được hành vi của mình. Ngoài ra, ông T cũng có một phần lỗi khi đã nhận lời thách đấu của H.

Đậu Ngọc Duyệt (Diễn Châu - Nghệ An)

Bình luận của luật sư

Căn cứ vào nội dung vụ việc có thể thấy, đây không phải là cuộc đấu võ có tổ chức mà do uống rượu ngà ngà say nên một bên thách (Nguyễn Trọng H) và một bên chấp nhận lời thách (Hoàng Đình T). Cuộc đấu này giữa 2 người lại không có trọng tài. Ngay sau khi ông T bước ra chấp nhận lời thách đố thì H lập tức lao tới đấm đá tới tấp làm ông T không kịp trở tay.

Mặc dù đã được bạn nhậu can ngăn nhưng H không dừng lại mà lại đẩy họ ngã xuống mương nước. Sau đó H tiếp tục đuổi theo ông T, túm lấy chân của ông đưa lên cao rồi bẻ ngang. Chỉ đến khi thấy ông T ngất xỉu, H mới dừng tay. Trong trường hợp này, không thể nói H lỡ tay làm ông T bị thương mà hành vi của H là hành vi cố ý (có thể là cố ý không xác định).

Pháp luật có quy định rất rõ về hành vi nguy hiểm cho xã hội, chỉ bị coi là tội phạm khi có lỗi cố ý hoặc vô ý. Tức là hành vi đó phải là kết quả của sự lựa chọn của họ trong khi họ có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn và thực hiện cách ứng xử khác phù hợp với đòi hỏi của quy định pháp luật và xã hội. Lỗi cố ý có 2 hình thức là lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp.

Lỗi cố ý trực tiếp thì khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội luôn nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi và mong muốn xảy ra. Lỗi cố ý gián tiếp thì người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức mặc cho hậu quả xảy ra. 

Đối với lỗi vô ý gồm 2 hình thức vì quá tự tin và do cẩu thả. Vô ý do quá tự tin là người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả cho bị hại, xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa. Vô ý do cẩu thả là người phạm tội không thấy trước được hành vi của mình và có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước được hậu quả đó. Sự khác nhau giữa lỗi cố ý và vô ý là ở khả năng nhận thức, thái độ của người phạm tội đối với hành vi và hậu quả của hành vi phạm tội của mình. Thông thường, trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội với lỗi cố ý sẽ nghiêm khắc hơn so với lỗi vô ý.

Trở lại vụ việc, theo chúng tôi, đã gọi là thách đấu thì không thể coi là vô ý được, cho dù là vô ý vì quá tự tin. Thách đấu đồng nghĩa với việc thách đánh nhau, chấp nhận đánh nhau. Tuy nhiên, cần phân biệt thách đấu nhau trong đời thường với trường hợp thi đấu có tổ chức theo quy định của pháp luật như đấu vật, đấu võ. Ở các cuộc chơi hợp pháp, người có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác hoàn toàn không mong muốn hậu quả xảy ra, tức là ngay từ trước khi hành động đã không mong muốn cho đối thủ bị thương tích mà chẳng qua chỉ do vi phạm luật chơi.

Thực tiễn trong đời sống pháp luật cho thấy, các trường hợp gây thương tích khi thách đấu võ tự phát vẫn được coi là hành vi cố ý gây thương tích. Trong vụ việc này, mặc dù đã được các bạn nhậu can ngăn, ông T cũng đã bỏ chạy nhưng H không dừng lại mà tiếp tục đuổi theo để đánh, vì vậy hành vi của T không thể là lỡ tay hay vô ý được. Bản thân T cũng mong muốn cố ý đến cùng trong việc đánh và gây thương tích cho ông H.

Tỷ lệ thương tật 16% của nạn nhân đã thỏa mãn dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) khi có yêu cầu của bị hại. Do đó, nếu ông Nguyễn Trọng H không yêu cầu khởi tố và Hoàng Đình T đã bồi thường cho ông thì T sẽ không bị khởi tố.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng, Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh