Thả nổi chăn nuôi và hệ lụy "khủng hoảng thừa" thịt lợn

ANTD.VN - Cả nước đang “nóng” với cuộc giải cứu thịt lợn chưa từng có trong lịch sử ngành chăn nuôi. Đây được xem là hệ quả của một nền chăn nuôi manh mún, an toàn thực phẩm kém.

Ngành chăn nuôi lợn đang bị thả nổi và quá manh mún

Khoảng 4 tháng nay, giá thịt lợn hơi giảm liên tiếp, hiện duy trì phổ biến ở mức 16.000-20.000 đồng/kg, một số nơi thấp hơn. Hàng triệu hộ chăn nuôi thua lỗ, lợn đến kỳ xuất chuồng nhưng không thể bán được. Nhiều gia đình phải cầm cố tài sản, thậm chí thế chấp cả sổ đỏ để duy trì đàn lợn.

Mạnh ai nấy làm Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thông tin, năm 2016, tổng đàn lợn đã tăng lên tới 29 triệu con, cùng với hệ số quay vòng thì tổng số đầu lợn đưa vào giết mổ khoảng 51 triệu con, tính bình quân là trên 50kg lợn hơi/người/năm. Đây là số lượng thịt rất lớn. Đàn lợn phát triển nóng đã vượt quá sức tiêu thụ của thị trường trong nước, trong khi khả năng xuất khẩu chính thức thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ lợn còn gặp nhiều khó khăn. 

Nếu cứ để tồn tại một ngành chăn nuôi lợn với 3 triệu nông hộ nhỏ lẻ tham gia thì sẽ còn diễn ra những cuộc “giải cứu thịt lợn”.

Theo tính toán của ngành chăn nuôi, quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45% tổng đàn nuôi, 55% vẫn ở quy mô hộ nhỏ lẻ với xấp xỉ 3 triệu hộ. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giá thành chăn nuôi cao, khó kiểm soát theo chuỗi, các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ đều rời rạc nên dễ dẫn đến rủi ro. Chăn nuôi lợn hiện là chủ lực của ngành chăn nuôi, chiếm tới 70% trong tổng đàn gia súc, gia cầm cả nước nhưng lại không được tổ chức cẩn thận, được “thả nổi” theo kiểu mạnh ai nấy làm. Rõ ràng, tình trạng dư thừa thịt lợn hiện nay là hệ quả của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tổ chức.

Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020” trong đó nhấn mạnh định hướng chăn nuôi lợn tập trung theo hướng trang trại, công nghiệp ở những nơi có điều kiện về đất đai và duy trì ở quy mô nhất định. Chính phủ cũng giao các bộ, ngành phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tổ chức xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. Tuy vậy, do thiếu sự quan tâm sát sao trong việc rà soát, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch chăn nuôi từ Bộ NN&PTNT đến các địa phương đã dẫn đến sự cố “vỡ trận” ngành chăn nuôi lợn.

Yếu toàn diện

Ông Võ Việt Dũng, Tổng Giám đốc Công ty chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho biết, việc mở trang trại chăn nuôi hiện nay quá dễ dãi, gần như không phải chịu bất kỳ điều kiện ràng buộc nào nên các trang trại siêu nhỏ đến lớn mọc lên khắp nơi. “Bộ NN&PTNT nên xem xét việc mở trang trại chăn nuôi phải là ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Không thể cứ thích là mở tràn lan rồi không kiểm soát được thị trường, gây dư thừa như hiện nay”, ông Võ Việt Dũng nói.

Hệ quả nhãn tiền của một ngành chăn nuôi manh mún là tình trạng mất an toàn thực phẩm đã diễn ra nhiều năm nay. Người chăn nuôi lạm dụng kháng sinh, chất cấm tạo nạc, kích thích tăng trưởng khiến người tiêu dùng dần mất niềm tin, e dè và quay lưng với thịt lợn. Bộ NN&PTNT đánh giá, tình trạng lạm dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản... được đánh giá nguy hiểm hơn chất tạo nạc. Nếu lạm dụng, có thể gây phá vỡ hệ vi sinh đường ruột của vật nuôi, dẫn đến tình trạng tồn dư kháng sinh trong thực phẩm. Người sử dụng thực phẩm này sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe. 

Đó là chưa kể, khâu tiêu thụ, kết nối thị trường đối với các sản phẩm chăn nuôi hiện còn quá yếu và rời rạc. Tính đến nay, chăn nuôi lợn là thế mạnh của Việt Nam nhưng sản phẩm từ lợn xuất khẩu đi các nước gần như bằng không. Xuất khẩu sang Trung Quốc từ trước tới nay chỉ là tiểu ngạch nên rất thất thường. Ông Dương Tiến Thể, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) thông tin, cả năm 2016, tổng số lợn sống xuất bán qua Trung Quốc khoảng 4,17 triệu con (gồm 743.000 con lợn thịt và 3,427 triệu con lợn sữa). So với tổng đàn hiện nay chiếm chưa đến 10%. 

Thực trạng này đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn cần phải tái cơ cấu lại. “Bộ sẽ quyết liệt tổ chức lại ngành chăn nuôi, tiến tới xây dựng 1 ngành chăn nuôi lợn mang tính hiệu quả, bền vững”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, nếu cứ để tồn tại một ngành chăn nuôi lợn với 3 triệu nông hộ nhỏ lẻ tham gia thì sẽ còn diễn ra những cuộc giải cứu lợn.