Tên liệt sĩ đột nhiên bị "mất tích"?

ANTD.VN - Truyện “Quê ta vạn tuế” của Azit Nexin, nhà văn trào phúng người Thổ Nhĩ Kỳ kể rằng, do nhầm lẫn trong sổ đăng bạ, cậu bé Emin (12 tuổi) không thể xin đi học chỉ vì sổ ghi cậu đã chết khi đi lính năm… 19 tuổi. Câu chuyện của Liệt sĩ Quách Văn Ất dưới đây tuy không y hệt như vậy, nhưng nếu xét về sự tắc trách thì cũng chẳng khác nhau là mấy.

Hơn một năm nay, gia đình ông Nguyễn Khánh Hợi, ở số 14 phố Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội luôn sống trong day dứt bởi ngôi mộ của cha ông an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch đột nhiên… “mất tích”. Mặc dù đã rất nhiều lần khiếu nại trực tiếp rồi cả đơn từ các nơi, nhưng việc đòi lại danh tính cho cha của ông Nguyễn Khánh Hợi vẫn không biết bao giờ mới có kết quả?

Tên liệt sĩ đột nhiên bị "mất tích"?  ảnh 1Ngôi mộ Liệt sĩ Quách Văn Ất mà gia đình ông Nguyễn Khánh Hợi đã chăm sóc suốt 60 năm qua (Ảnh chụp năm 2015)

Mộ ông bỗng dưng biến thành… mộ bà? 

Đầu năm 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội có kế hoạch nâng cấp, tu bổ, tôn tạo lại Nghĩa trang Mai Dịch. Theo đó, những ngôi mộ của các Anh hùng Liệt sĩ đang an táng tại đây cũng được sửa sang, ốp đá và thay bia mới. Đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 năm ngoái, gia đình ông Nguyễn Khánh Hợi đến viếng nghĩa trang thì sửng sốt khi phát hiện ra ngôi mộ của cha mình - Liệt sĩ Quách Văn Ất, quê quán xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Tây (cũ) bỗng dưng biến mất, thay vào đó là mộ của bà Nguyễn Thị Ất, quê quán phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.  

Nghĩ rằng mộ cha mình vẫn ở nguyên vị trí (được đánh số 29, khu K3), chỉ có bia mộ là có thể bị Ban quản lý nghĩa trang khắc nhầm khi tu sửa, gia đình ông Nguyễn Khánh Hợi bèn gặp người quản trang để hỏi cho rõ ngọn nguồn. Tuy nhiên, sau khi tra sổ, Ban quản lý nghĩa trang khẳng định không hề di chuyển bất cứ ngôi mộ nào và tất cả các tấm bia đều khắc đúng và đây là mộ của bà Nguyễn Thị Ất (!) Quá bức xúc, ông Nguyễn Khánh Hợi bèn ghi lại kiến nghị của mình vào sổ theo dõi của Ban quản lý nghĩa trang, nội dung đề nghị chỉnh sửa và khẳng định nếu Ban quản lý nghĩa trang không chuyển mộ của cha ông đi nơi khác thì ngôi mộ mang tên Nguyễn Thị Ất kia chính là mộ của Liệt sĩ Quách Văn Ất. Tiếp thu kiến nghị, Ban quản lý nghĩa trang hứa sẽ kiểm tra và giải quyết.

Tuy nhiên 5 tháng sau, khi quay lại đây để tảo mộ cha vào dịp cuối năm, ông  Nguyễn Khánh Hợi bức xúc hơn khi mọi sự… vẫn y nguyên. Ban quản lý nghĩa trang cho biết, việc gắn bia mộ của các liệt sĩ là căn cứ vào các hồ sơ, giấy tờ quản lý từ Sở LĐ-TB&XH chuyển xuống. Sau khi gia đình ông kiến nghị, Ban quản lý nghĩa trang đã rà soát kỹ càng và khẳng định không có ai là Liệt sĩ Quách Văn Ất mà chỉ có mộ của bà Nguyễn Thị Ất nên việc gắn bia này là không thể nhầm lẫn. 

Thấy rằng kiến nghị với Ban quản lý nghĩa trang không có kết quả, ông Nguyễn Khánh Hợi bèn viết đơn gửi lên Sở LĐ-TB&XH, nhưng đến dịp 27-7 vừa qua, khi đến nghĩa trang viếng cha mình, gia đình ông vẫn phải ngậm ngùi làm lễ trước một tấm bia lạ hoắc. Những lần tiếp theo, khi lên gặp cán bộ tiếp dân của Sở này, ông Nguyễn Khánh Hợi chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Mọi việc đang được tìm hiểu…”. Đến nay đã hơn 1 năm trôi qua, việc này dường như hoàn toàn… bế tắc. 

Tên liệt sĩ đột nhiên bị "mất tích"?  ảnh 2Sau khi Sở LĐ-TB&XH tu bổ, mộ Liệt sĩ Quách Văn Ất bị đổi thành Nguyễn Thị Ất

Nhầm lẫn hay tắc trách?

Xót xa cho vong linh người cha liệt sĩ, gia đình ông Nguyễn Khánh Hợi đã đưa ra đề xuất: “Nếu các cơ quan chức năng cảm thấy phiền hà khi thay bia mộ cho cha tôi, thì gia đình xin được tự làm việc này”. Tuy nhiên, ý kiến trên không được chấp nhận. Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang Mai Dịch khẳng định: “Việc thay bia mộ chỉ được thực hiện nếu Sở LĐ-TB&XH đồng ý, bởi trên sổ quản lý của chúng tôi đây là mộ bà Nguyễn Thị Ất”.  

Phản bác lại quan điểm này, ông Nguyễn Khánh Hợi cho biết: “Nói vậy là cực kỳ vô lý. Gia đình tôi đã thăm viếng, chăm sóc ngôi mộ này suốt mấy chục năm nay, chưa bao giờ thấy người thân bà Nguyễn Thị Ất đến đây tranh mộ. Và cũng chừng ấy thời gian, mộ cha tôi có danh tính, bia đá mang tên Quách Văn Ất đàng hoàng. Vậy mà bây giờ, chỉ sau khi Sở LĐ-TB&XH tu bổ nghĩa trang thì họ lại khăng khăng cho rằng đây là mộ của một người khác. Cứ cho là sổ sách của Sở LĐ-TB&XH đúng thì mộ cha tôi hiện nay ở đâu?”. 

Theo ông Nguyễn Khánh Hợi, cha ông - Liệt sĩ Quách Văn Ất hy sinh trong trận đánh ngày 8-10-1949 (dương lịch) tức ngày 16-8-1949 (âm lịch) tại địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ). Tuy nhiên, ngày đó đất nước vẫn còn đang trong thời gian kháng chiến chống Pháp nên mãi đến năm 1958, đơn vị mới gửi giấy báo tử cho mẹ ông là cụ Nguyễn Thị Sín.

Cuối năm 1958, với sự giúp đỡ từ các đồng đội của chồng, cụ Sín đã bốc mộ Liệt sĩ Quách Văn Ất và đưa về quy tập tại Nghĩa trang Mai Dịch. Hôm đó cũng quy tập luôn những đồng đội của Liệt sĩ Quách Văn Ất hy sinh cùng trận đánh là các Liệt sĩ Tạ Duy Chung, Nguyễn Văn Thao, Tuấn Long. Vì thế, cả 4 liệt sĩ được an táng cạnh nhau ở Nghĩa trang Mai Dịch và bia mộ từ hồi đó đều ghi chung ngày hy sinh là 16-8-1949. Hiện mộ 3 liệt sĩ đồng đội của Liệt sĩ Quách Văn Ất thì vẫn còn đó, chỉ có mộ của cha ông Nguyễn Khánh Hợi là xảy ra rắc rối.    

Trước câu hỏi: “Nếu khẳng định đây là mộ bà Nguyễn Thị Ất thì tại sao suốt 60 năm qua, Ban quản lý nghĩa trang cứ để ngôi mộ mang tên Liệt sĩ Quách Văn Ất và đến bây giờ mới thay bằng tên người khác?”. Ông Nguyễn Ngọc Huấn cho biết: “Ban quản lý nghĩa trang chỉ thực hiện theo chỉ đạo từ Sở LĐ-TB&XH và Sở cũng quản lý theo hồ sơ. Giấy tờ ghi đây là mộ bà Nguyễn Thị Ất thì chúng tôi gắn bia như vậy”. Ông Nguyễn Ngọc Huấn cũng thừa nhận từ trước đến nay chưa bao giờ có thân nhân của bà Nguyễn Thị Ất đến đây tìm mộ hay thăm viếng. Tuy nhiên, hồ sơ ghi như vậy nên không thể làm khác được, còn mộ của Liệt sĩ Quách Văn Ất hiện ở đâu, chính ông Nguyễn Ngọc Huấn và Sở LĐ-TB&XH cũng không thể trả lời.  

Theo ông Nguyễn Khánh Hợi, cha ông - Liệt sĩ Quách Văn Ất hy sinh trong trận đánh ngày 8-10-1949 (dương lịch) tức ngày 16-8-1949 (âm lịch) tại địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ). Cuối năm 1958, mộ Liệt sĩ Quách Văn Ất đưa về quy tập tại Nghĩa trang Mai Dịch. Hôm đó cũng quy tập luôn những đồng đội của Liệt sĩ Quách Văn Ất hy sinh cùng trận đánh là các Liệt sĩ Tạ Duy Chung, Nguyễn Văn Thao, Tuấn Long. Vì thế, cả 4 liệt sĩ được an táng cạnh nhau ở Nghĩa trang Mai Dịch và bia mộ từ hồi đó đều ghi chung ngày hy sinh là 16-8-1949.