Tệ nạn nguy hiểm từ... thuốc ho

ANTĐ - Thời gian gần đây, giới trẻ truyền tai nhau về một vài loại thuốc tân dược uống vào là “lâng lâng, phê phê”, mà lại rất rẻ tiền, chẳng bị cấm. Thế là những “dân chơi ít tiền”, đặc biệt là  học sinh đã rủ nhau mua về sử dụng. Đã  có không ít hậu quả xảy ra, là lời cảnh tỉnh cho những bạn trẻ ham vui hoặc thích thể hiện bản thân. 

Uống thuốc ho dẫn đến giết người

Vụ việc mới đây nhất là 20 em học sinh tại trường THCS Bình An (quận 2, TP. HCM). Sau khi nghe các “anh chị” đi trước rỉ tai về một loại thuốc trị ho có tên Recotus, uống vào “phê” như dùng “hàng”, các học sinh này đã mua về cùng nhau uống để thử cảm giác lạ. Tuy nhiên sau khi uống khoảng 1 tiếng thì nhiều em trong số đó có biểu hiện nhồi tim, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, xây xẩm, run chân tay, toàn thân rũ rượi… và phải đưa đến bệnh viện cấp cứu, rất may hậu quả nghiêm trọng chưa xảy ra. 
Đây không phải lần đầu các em học sinh tại TP. HCM rủ nhau sử dụng loại thuốc này. Thông tin về thuốc Recotus đã được truyền tai khá lâu trong các nhà trường và không ít vụ việc tương tự cũng đã bị phát hiện tại các trường THCS như Ngô Sỹ Liên, Trần Quốc Tuấn, Khánh Hội A… Các học sinh sau khi sử dụng thuốc có biểu hiện mệt mỏi, gà gật... Nghiêm trọng nhất, hồi tháng 8, Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố Nguyễn Văn Tiến - hung thủ chém chết 1 người và làm bị thương 19 người khác ở thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong về tội “Giết người”. Tiến là một con nghiện ma túy lâu năm, do hết tiền nên thường xuyên mua Recotus về uống, và ngay trước khi gây án đối tượng này đã uống một lúc 10 viên…
Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), năm 2011 đã có hiện tượng lạm dụng Recotus trong học sinh ở TP.HCM. Recotus đã được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành, với ba  thành phần chính là Dextromethorphan HBr 30mg, Diprophillin 100mg và Lysozym HCl 20mg. Trong đó, Dextromethorphan HBr (một dẫn xuất của morphin) có thể gây buồn nôn, buồn ngủ, ảo giác, rung giật nhãn cầu, trạng thái đê mê, mất điều hòa... nếu sử dụng quá liều. Ở liều điều trị 4 viên/ngày và sử dụng dưới bảy ngày thuốc có tác dụng tốt trong điều trị ho, nhưng ở liều cao hơn có thể gây ảo giác, lạm dụng lâu ngày sẽ dẫn đến lệ thuộc thuốc (nghiện).

Nghiện thuốc ho, vì sao?

Dược sĩ Ma Văn Quý - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, Dextromethorphan HBr 30mg có tác dụng chống ho bằng cách ức chế trung tâm ho ở hành tủy, chất này tuy ít gây nghiện hơn heroin, morphin, ma túy tổng hợp (thuốc lắc), nhưng lạm dụng có thể gây hậu quả lâu dài dẫn đến lệ thuộc vào thuốc. Còn chất Diprophyllin HCl là dẫn xuất của Theophyllin có tác dụng làm giãn phế quản do làm giãn cơ trơn, chất này có thể kích thích thần kinh trung ương gây hưng phấn nhưng dùng quá liều sẽ gây loạn nhịp tim, tăng huyết áp rất nguy hiểm. 
Điều đáng nói, Recotus là loại thuốc được bán tự do và không cần kê đơn, với giá mỗi vỉ thuốc 10 viên nang mềm khoảng 8.000-10.000 đồng nên học sinh dễ mua. Vì thế mà từ một loại thuốc ho thông thường, khi bị lạm dụng không phải để điều trị ho, các sản phẩm này đã bị biến thành chất gây nghiện như ma túy với nhiều hệ luỵ khó lường nếu không được ngăn chặn. Khi sử dụng đến 4 hoặc 6 viên Recotus một lần, trẻ sẽ lâm vào trạng thái từ lạm dụng đến lệ thuộc thuốc với nhu cầu đòi hỏi ngày càng tăng. Học sinh ở lứa tuổi 10-12 vốn rất tò mò, hành động theo “tâm lý bầy đàn”. Ban đầu, trẻ có thể sử dụng thuốc để giả bệnh, trốn học vì sợ trả bài, sợ áp lực học hành, nhưng lâu dần, trẻ nghiện và phụ thuộc vào thuốc lúc nào không hay. Lúc đó, Recotus trở thành “ma túy” gây lệ thuộc thuốc và chính giai đoạn lơ mơ, nửa tỉnh nửa mê do “phê” thuốc quá liều, người nghiện dễ có những hành vi thiếu kiểm soát. 
PGS-TS Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược học bệnh viện - TPHCM, cũng cho rằng việc học sinh tùy tiện uống các thuốc bổ, thuốc kích thích thần kinh vô tội vạ, không có đơn của bác sĩ sẽ có tác dụng ngược, tác hại rất lớn. Nguy hiểm hơn, nếu dùng lâu ngày có thể gây rối loạn hành vi, hoang tưởng, suy gan, suy thận. Thậm chí dẫn đến tâm thần, không kiểm soát được hành vi.

Chế ma túy đá từ thuốc tân dược

Không chỉ Recotus mà một số loại thuốc ho khác cũng chứa những tiền chất ma túy hoặc những dẫn xuất của ma túy là thành phần ức chế trung tâm ho (như codein, dextromethorphan) hay ức chế thần kinh trung ương (cao opium). Trong thực tế, nhiều loại thuốc chữa bệnh có chứa một hàm lượng nhỏ các tiền chất ma túy mà nếu dùng quá liều hoặc lạm dụng với mục đích không phải chữa bệnh đều có thể gây độc hoặc gây nghiện. Nhiều chất “ma túy” hoặc các tiền chất ma túy ngày nay vẫn đang được ngành Y tế sử dụng để làm thuốc trị bệnh vì nó được dùng ở liều lượng thích hợp trong sự kiểm soát nghiêm ngặt của thầy thuốc. Nhiều loại thuốc giảm đau như morphin, heroin rất cần thiết cho bệnh nhân ung thư đang đau đớn. 
Tuy nhiên, dư luận cũng đã cảnh báo về việc “chế ma túy đá” từ thuốc tân dược có chứa tiền chất gây nghiện pseudoephedrine (PSE). Nhiều vụ việc lớn đã được cơ quan công an điều tra bắt giữ. Song điều đáng lo ngại là  không chỉ dân nghiện lợi dụng để chế ma túy mà những học sinh thích thể hiện đã ngấm ngầm mua các loại thuốc này về “tự chế” để sử dụng. Các loại thuốc này khá rẻ tiền, lại dễ mua, quá trình điều chế, rất đơn giản. Nhưng quan trọng và gây nguy hiểm hơn cả là các loại thuốc có chứa Pseudoephedrin (PSE) như các loại thuốc cảm cúm Tiffy, Glotifed , Decolgen, Ameflu… là một tiền chất ma túy được sử dụng trong nhiều loại thuốc ho cũng là chất cường giao cảm, có độc tính tương tự PPA nhưng thấp hơn. 
Một số tội phạm đang sử dụng thuốc ho có chứa PSE để chưng cất thành ma túy đá. Các bệnh viện tâm thần đã tiếp nhận một số trường hợp là học sinh cũng sử dụng thuốc cảm cúm Tiffy, Glotifed, Ameflu... quá liều.  Bác sĩ La Đức Cương - Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho rằng, việc sử dụng lâu ngày các sản phẩm thuốc tân dược như trên có thể dẫn đến nghiện, cảm giác bứt rứt thèm thuốc giống như nghiện ma túy, nguy hiểm hơn nó dễ trở thành bước đệm để dẫn giới trẻ đến việc nghiện những chất gây nghiện cấp độ cao hơn như heroin, ma túy. Việc sử dụng quá liều khi rơi vào trạng thái ảo giác có thể dẫn đến những hành động thiếu kiểm soát, nguy hiểm như cuồng sát… Khả năng này rất dễ xảy ra và càng nguy hiểm hơn nếu đối tượng cùng lúc nghiện game bạo lực hay phim sex…

Hà Nội ít bán Recotus

Từ tháng 11-2011 Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành quy định quản lý nghiêm ngặt việc sản xuất và bán các loại thuốc chữa bệnh có chứa tiền chất ma túy, đặc biệt hạn chế bán các loại thuốc này cho trẻ em. Ngày 19-1-2012 Sở Y tế TP.HCM cũng ban hành quy định cấm các cửa hàng thuốc chữa bệnh bán các loại thuốc có chứa tiền chất ma túy cho trẻ em, sau đó gần như tất cả các tỉnh thành trong cả nước đều có quy định tương tự. Rất tiếc việc quản lý chưa được thực hiện trên thực tiễn, vì vậy các vụ lạm dụng thuốc ho hoặc các loại thuốc có chứa tiền chất vẫn xảy ra. 
Còn riêng với thuốc ho Recotus do Công ty cổ phần SPM - Quận Bình Tân TP.HCM sản xuất được bày bán khá phổ biến tại TP.HCM với giá trên dưới 10.000 đồng/ vỉ 10 viên, người mua có thể dễ dàng mua mà không cần kê đơn của bác sĩ. Sau tình trạng nhiều học sinh sử dụng thuốc này, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã gửi văn bản đến Sở Y tế TP. HCM đề nghị phối hợp cùng các cơ quan liên quan tăng cường giáo dục trong học đường và truyền thông trong công chúng, để thuốc được sử dụng một cách an toàn, hợp lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc mua thuốc vẫn khá dễ dàng, bằng chứng là nhiều em học sinh vẫn mua được số lượng lớn thuốc.
Tại thị trường Hà Nội, theo khảo sát của chúng tôi thì thuốc Recotus hầu như không có trong danh mục của các nhà thuốc. Tại một nhà thuốc trên đường Phạm Ngọc Thạch, người bán thuốc cho biết loại thuốc này trước đây bán nhiều nhưng lâu rồi nhà thuốc không nhập nữa. Một nhà thuốc ở phố Ngọc Khánh khi nghe tên thuốc thì biết ngay đây là loại thuốc gây nghiện được nhiều học sinh trong TP.HCM sử dụng và cho biết hiện không bán loại thuốc này. Tương tự nhiều nhà thuốc khác cũng lắc đầu khi chúng tôi đưa tên thuốc nhưng đều cho biết các loại thuốc ho có chứa thành phần Dextromethorphan giống như Recotus hiện rất phổ biến.
Vì vậy các cơ quan quản lý dược cần phải quản lý thuốc cho tốt và yêu cầu nhà sản xuất cũng như phân phối thuốc có những biện pháp hướng dẫn người dân để tránh bị lạm dụng vào những mục đích phi y học, biến thuốc chữa bệnh thành chất gây nghiện như ma túy gây hại cho cộng đồng. Đối với cơ quan thực thi pháp luật, ngoài việc điều tra, xử lý các cơ sở sản xuất ma túy đá quy mô lớn, đồng thời cũng cần xem xét trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng bán thuốc có tiền chất ma túy sai quy định. Riêng đối với các bậc phụ huynh cũng cần phải có các biện pháp quản lý con em mình, nếu thấy có biểu hiện sử dụng thuốc ho, thuốc cảm cúm một cách không bình thường thì phải có biện pháp kiểm tra, can thiệp, tránh để con em mình bị lệ thuộc vào thuốc gây nghiện.

Đối tượng Nguyễn Văn Tiến

Tiền chất ma túy (TCMT) nếu được mua bán, sử dụng đúng quy chế thì đó là thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh, nhưng lại có thể bị lợi dụng vào việc sản xuất bất hợp pháp ma túy. Bộ Y tế đã ban hành danh mục TCMT gồm các chất sau: ephedrin, pseudoephedrin, ergometrin, ergotamin, phenylpropanolamin. Đây là những chất có cấu trúc hóa học gần như tương tự với cấu trúc nhóm ma túy có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương là amphetamin và dẫn chất amphetamin. Nếu việc quản lý dự trù mua bán thuốc chứa pseudoephedrin không chặt chẽ sẽ dẫn đến kẻ gian dùng thuốc này chiết xuất lấy pseudoephedrin ra khỏi thuốc và thực hiện một vài phản ứng hóa học để biến TCMT này thành thuốc lắc MDMA hay ma túy đá MA là 2 ma túy tổng hợp gây tác hại khá nghiêm trọng ở nước ta hiện nay.