Tất cả là tại người lớn
(ANTĐ) - Khi cuộc sống xã hội ngày một giàu có, các ông bố bà mẹ rất chiều “cục cưng”, chính bố mẹ đã tạo nên “cậu ấm cô chiêu” ngay trong gia đình.
Và vì vậy, không chỉ các trường PT tư thục, ngay các trường PT công lập, lớp học nào cũng có “cậu ấm cô chiêu”, hoặc như họ thường “tự hào” họ là các con nhà “đại gia”, “con ông cháu cha” “danh gia vọng tộc”... Gia đình họ giàu có vì bố mẹ là ông bà chủ lớn có cửa hàng giữa phố trung tâm thương mại, hoặc bố mẹ là Giám đốc Công ty TNHH, hoặc có chức, có quyền, có tiền ở các cơ quan Nhà nước.
Các “cậu ấm cô chiêu” trong một cộng đồng lớp học rất dễ nhận ra. Không chỉ vì họ “xài” xe sang, mặc bộ đồng phục “cách điệu” trang bị điện thoại di động “đời mới”, vàng nhẫn, đồng hồ “xịn” đeo đầy người, họ chơi với nhau như một “đẳng cấp” con nhà giàu, mà còn ở thái độ của họ với bạn bè, tập thể và tinh thần học tập thờ ơ, lười nhác. Bố mẹ “học” hộ cho họ. Ông bố, bà mẹ của họ mải mê công tác, buôn bán làm giàu, nghĩ rằng cứ cung cấp tiền bạc, vật chất đầy đủ cho con là tròn trách nhiệm. Ngày lễ, ngày Tết có quà đắt tiền biếu thầy cô. Thầy cô nể nang “chạy theo thành tích”, cứ “nống” điểm lên “đẩy” các cậu ấm cô chiêu “ngồi nhầm lớp”. Rõ ràng lỗi ấy trước hết thuộc về người lớn,
Sự hiện diện của các “cậu ấm cô chiêu” ở các lớp học là một thực tế, ngày càng nhiều lên. Chẳng lẽ thầy cô giáo đầu hàng? Hay cứ tiếp tay cho tiêu cực, tạo thành tích “giả” đánh lừa xã hội, tự lừa chính chúng ta, làm hỏng học trò?
Công bằng mà nói, gia đình có khả năng tạo điều kiện cho con cái yên tâm học tập là cần thiết, chẳng có gì sai trái. Song chiều con cho đúng, giáo dục chúng không ỷ vào cha mẹ. Điều kiện vật chất đầy đủ chỉ là phương tiện thuận lợi, các cháu phải có trách nhiệm phấn đấu vươn lên trong rèn luyện, học tập trở thành người công dân có nhân cách tốt, có tri thức, biết sống vì lý tưởng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Ngay như việc pháp luật cấm học sinh đi xe máy, nếu bố mẹ biết tôn trọng pháp luật, giáo dục con cái chấp hành pháp luật, không cung cấp xe máy cho con em, nhà trường, công an sẽ đỡ vất vả biết bao nhiêu. Rất tiếc, những việc “cần làm ngay”, bố mẹ lại không làm. Bố mẹ cứ “tiếp tay” cho “quý tử” phạm pháp, đến lúc “ngộ” ra, mọi việc đã quá muộn...
Quan hệ giữa gia đình với thầy cô giáo là để phối hợp, nắm bắt diễn biến tư tưởng, kết quả học tập của trò, cùng nhau có biện pháp tích cực, các cháu có biểu hiện tốt, động viên các cháu kịp thời, ngăn ngừa ngay những biểu hiện xấu. Thầy và cha mẹ, vô tình hay hữu ý tạo nên “liên minh ma quỷ” để trò phát hiện được, cả thầy lẫn cha mẹ đều không đủ uy tín tham gia vào quy trình giáo dục con em của mình. Nhiều vị phụ huynh tổ chức lớp học thêm, mời thầy đến tận nhà “kèm” cậu con trai, không phải để nâng cao chất lượng học, mà nhằm mục đích, để khi kiểm tra được thầy cho điểm cao. Việc làm “có đi có lại” ấy làm sao che mắt được bọn “nhất quỷ nhì ma”.
Lê Sĩ Tứ
(Nguyên giáo viên trường THPT Trần Phú, Hà Nội)