Tập huấn cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ cấp huyện

ANTD.VN - Ngày 11-1, Phòng Cảnh sát PCCC số 7 - huyện Thanh Trì đã tập huấn, tuyên truyền, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng và Trưởng các phòng, ban; Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 7, Thanh Trì cho biết: “Với thực trạng cơ sở hạ tầng hiện nay tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, nhất là vào mùa hanh khô, do đó, yêu cầu nhiệm vụ đối với công tác PCCC phải được đặt lên hàng đầu, nhất là đối với cán bộ các phòng - ban và Thủ trưởng các cơ quan thuộc huyện Thanh Trì cần nâng cao trình độ, kỹ năng để kịp thời xử lý khi sự cố cháy xảy ra”.

Các học viên thực hành chữa cháy

Tại buổi tập huấn, chuyên gia cứu nạn, cứu hộ, PCCC đã khái quát tình hình cháy nổ trên địa bàn; Đồng thời thông qua các hình ảnh, clip về những vụ cháy xảy ra để đưa ra những tình huống trao đổi các kỹ năng cho học viên. Sau gần 3 giờ trao đổi kinh nghiệm, lý thuyết, kỹ năng về cách thoát nạn, chữa cháy và các điều luật, quy định về an toàn PCCC đối với người đứng đầu cơ sở, các học viên tiếp tục được thực hành.

Giả định tình huống cháy xảy ra từ việc đốt các bình gas, các học viên lần lượt chữa cháy đồng thời cứu nạn, cứu tài sản. Qua buổi tập huấn, các học viên đã nâng cao kỹ năng thoát nạn, cách chữa cháy hiệu quả và các công tác phòng ngừa nhằm hạn chế cháy xảy ra.

Phòng Cảnh sát PCCC số 7 hướng dẫn các học viên sử dụng bình chữa cháy xách tay

Vừa qua, lực lượng Cảnh sát PCCC số 7 đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa cháy nổ. Ngoài công tác tăng cường kiểm tra, CBCS đã có kế hoạch cụ thể, chi tiết các chuyên đề, nội dung tuyên truyền. Trong đó đặc biệt chú trọng phương châm 4 tại chỗ và nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ sở đối với an toàn PCCC.

Đại úy Nguyễn Tuấn Dũng nhấn mạnh: “Để thực hiện được phương châm 4 tại chỗ, việc đầu tiên lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp phải thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, PCCC, cứu nạn, cứu hộ cho người đứng đầu cơ sở, đội chữa cháy cơ sở và tổ trưởng dân phố, đội viên dân phòng. Đây là lực lượng trực tiếp tại địa bàn, phối hợp hiệu quả với lực lượng chuyên nghiệp khi có cháy xảy ra. Chính vì thế, các đợt tập huấn vừa là cách thức “ôn bài” vừa để nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng này”.