Tạo cảm hứng cho giáo viên và học sinh

ANTD.VN - Đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu tự thân. Trước thềm năm học mới, Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Wellspring đã bàn về những tồn tại mà ngành giáo dục vẫn chưa đổi mới kịp yêu cầu thực tế.

- PV: Sắp đến Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường 5-9, theo ông, ngành giáo dục có nên xem xét lại việc lựa chọn ngày này để khai giảng trên toàn quốc trong khi nhiều nơi học sinh đã đi học được hơn  1 tháng?

- NGƯT Đặng Đình Đại: Theo quy định của Hà Nội, các trường bắt đầu tựu trường từ 1-8. Điều này là hợp lý vì học sinh đã nghỉ hơn 2 tháng hè, có thể đến trường để bắt nhịp với không khí học tập. Tuy nhiên, việc khai giảng năm học mới sau hơn 1 tháng đến trường thì theo tôi chỉ còn mang tính hình thức thay vì đem lại ý nghĩa thực sự. Tôi cho rằng ngành giáo dục nên xem xét lại quy định này.

- Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tổ chức thống nhất vào một ngày khai trường trên toàn quốc sẽ thể hiện đúng ý nghĩa của ngày hội và cũng là để tránh trùng lặp, rườm rà khi tổ chức ngày này vào nhiều thời điểm khác nhau?

- Trước đây, việc quy định ngày 5-9 là Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường bởi sau ngày Quốc khánh 2-9 thì cần một hai ngày để chuẩn bị rồi học sinh cả nước sẽ cùng khai giảng vào ngày 5-9. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, nhiều trường phổ thông, mầm non đã nhập học từ khá sớm vì thế  ngày khai giảng không còn mang ý nghĩa thực như tên gọi. Ngày khai giảng năm học mới chỉ thực sự có ý nghĩa khi tổ chức đúng vào tuần đầu tiên đến trường, tạo cảm hứng cho giáo viên và  học sinh ngay khi bắt đầu năm học.

Còn sau 1 tháng học rồi mới khai giảng, tôi nghĩ học sinh sẽ không thấy hào hứng gì. Việc tổ chức khai giảng vào ngày này chỉ như một thói quen, ngại thay đổi. Bởi vậy, để tránh tổ chức kiểu hình thức thì Bộ GD-ĐT nên lắng nghe và điều chỉnh thời gian khai giảng, giao tự chủ cho nhà trường. Bộ, Sở GD-ĐT chỉ cần quy định tổ chức khai giảng sao cho gọn gàng, không tốn kém, phù hợp với tâm lý học sinh…

- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét điều chỉnh ngày tựu trường, khai giảng và cả thời gian nghỉ hè để phù hợp thực tế. Vậy theo ông, quy định nghỉ hè 3 tháng có phù hợp với học sinh hiện nay?

- Rất nhiều người cho rằng việc nghỉ hoàn toàn ở nhà 3 tháng hè là không còn hợp lý. Thứ nhất, 9 tháng học ở trường, học sinh có quá nhiều kiến thức văn hóa phải học mà ít thời gian để dành cho kỹ năng sống, trải nghiệm hay luyện tập thể thao, học âm nhạc, mỹ thuật. Cứ đến dịp nghỉ hè là phụ huynh lại nháo nhác đi tìm các khóa học hè, học kỹ năng sống dù học phí khá cao do các đơn vị ngoài nhà trường tổ chức.

Vì vậy, tôi cho rằng hoàn toàn có thể mở rộng các hoạt động hè trong nhà trường. Học sinh đến trường không có nghĩa là không được nghỉ hè. Rất nhiều hoạt động giáo dục mở rộng cần thiết cho học sinh, bổ ích hơn nhiều so với việc nghỉ ở nhà chơi game, xem tivi. Bộ GD-ĐT nên điều chỉnh để kỳ nghỉ hè của học sinh và giáo viên thực sự có ý nghĩa thay vì quy định cứng nhắc, không phát huy hết hiệu quả của các cơ sở giáo dục mỗi dịp hè trong khi nhu cầu phụ huynh, học sinh rất đa dạng.

- Vào năm học mới, ngành giáo dục  có nhiều thay đổi. Ông tâm đắc nhất với những điểm mới gì?

- Năm học này, tôi tâm đắc nhất với chủ trương của Sở GD-ĐT Hà Nội về việc tăng cường thu hút học sinh tham gia trải nghiệm, sáng tạo. Điều này sẽ làm giảm bớt tính hàn lâm của các môn học, tạo hứng thú cho học sinh khi các em được học và hiểu theo năng lực và được trải nghiệm để thấy được những ứng dụng, hiệu quả thực tế từ các môn học.

Qua thực tế áp dụng trong trường, tôi thấy giáo dục theo hướng này rất phù hợp và đem lại thay đổi tích cực trong thái độ, phương pháp học tập, giảng dạy của cả học sinh lẫn giáo viên trong nhà trường. Bên cạnh đó, việc Hà Nội khuyến khích hợp tác quốc tế, đẩy mạnh dạy và học bằng tiếng Anh với môn Toán và các môn khoa học tự nhiên là một bước tiến quan trọng trước yêu cầu nâng cao trình độ tiếng Anh ứng dụng cũng như năng lực hội nhập của học sinh. 

Hiện nay, xu thế hội nhập đang phát triển rất nhanh, nếu giáo dục cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng không nhanh chóng đổi mới thì sẽ không theo kịp yêu cầu thực tế, đồng thời cũng không đáp ứng được mục tiêu giáo dục công dân toàn cầu trong tương lai.

- Xin cảm ơn ông!