Tăng năng suất, chất lượng nông sản Việt từ mô hình liên kết trực tiếp

ANTD.VN - Những năm gần đây, câu chuyện giải cứu nông sản Việt vẫn luôn tái diễn như một “điệp khúc” gây ảnh hưởng đến tâm lý của người nông dân và các doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu ngành nông nghiệp Việt Nam phải lọt vào top 10 thế giới, nông sản Việt cần phải làm gì, cải thiện chất lượng ra sao vẫn đang là một bài toán chưa có lời giải.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất siêu các mặt hàng nông sản, tuy nhiên chất lượng nông sản, sản lượng lại chưa tương xứng với nhu cầu, công sức mà các doanh nghệp, chính quyền địa phương kỳ vọng.

Tăng chất cho sản phẩm

Bài toán giá thành sản xuất luôn là vấn đề trăn trở của người sản xuất, doanh nghiệp và cả chính quyền địa phương nhưng thực tế, ngành nông nghiệp đã hao tốn bao nhiêu giấy mực và thời gian để bàn cãi về phương pháp tăng năng suất, tăng sản lượng, tăng chất lượng cho sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề làm thế nào để giúp người sản xuất hạ giá thành sản phẩm, giữ chất lượng tốt để tăng khả năng cạnh tranh lại ít thấy bàn đến.

Tăng năng suất, chất lượng nông sản Việt từ mô hình liên kết trực tiếp ảnh 1 

Nông dân thu hoạch hồ tiêu sạch theo tiêu chuẩn VietGap (Ảnh: TTXVN)

Theo thông tin trên TTXVN, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ: vấn đề hiện nay là các nhà khoa học và chính quyền địa phương có những đề án giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, thì sản xuất mới hiệu quả. Khi đó, nông dân không cần phải sản xuất thật nhiều mới kiếm lãi nhiều, mà làm ít, giá thành thấp cũng có thể kiếm lời nhiều.

Sản xuất vừa đủ, có nhiều điều lợi cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là, bảo dưỡng được môi trường sinh thái, không tận dụng triệt để tài nguyên đất, tài nguyên nước, không khí. Nông dân tiết kiệm kinh phí cho cải tạo đất, nước và môi trường sau sản xuất, tránh lãng phí khi hàng hóa phát sinh thừa, không mất chi phí giải cứu hay đổ bỏ khi khó tiêu thụ, nguồn kinh tế được xoay vòng sang các mục tiêu khác như dịch vụ kèm theo trong nông nghiệp sẽ hiệu quả hơn.

Giá thành sản xuất trên mỗi sản phẩm giảm, tăng cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng nội địa và cả người tiêu dùng quốc tế. Đây là một trong những chiến lược cạnh tranh, giữ thị trường nội địa trước cơn bão giảm giá bán, tăng chất lượng hiện nay của các tập đoàn kinh tế lớn. Khối lượng sản phẩm làm ra có chừng mực, khiến khách hàng cảm thấy Việt Nam không vi phạm quy tắc sản xuất của quốc tế, cũng là cách hạn chế các hàng rào thuế chống bán phá giá của thị trường khó tính.

Song song với việc giảm giá thành sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm thay vì chú trọng tăng năng suất, tăng số lượng cũng là điều các chuyên gia kinh tế thường nhắc đến.

Tăng năng suất, chất lượng nông sản Việt từ mô hình liên kết trực tiếp ảnh 2 

Theo các chuyên gia, việc giảm giá thành sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm vốn là một bài toán khó đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ, giảm giá thành sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm vốn là một bài toán khó đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Với đặc trưng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nông dân khó mua được vật tư nông nghiệp giá thấp.

Để giữ thế cạnh tranh, nông sản Việt không thể chạy theo số lượng như những doanh nghiệp nước ngoài mà phải tạo sự khác biệt trong sản phẩm. Đó là, đánh mạnh vào thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng trong nước. Tất cả các loại nông sản từ thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trái cây,… đều được dùng ở dạng tươi, ít tiêu thụ dạng chế biến.

Liên kết 4 nhà để tăng chất lượng nông sản

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua việc liên kết giữa 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước đã phát huy tác dụng và làm tăng hiệu quả sản xuất, chất lượng nông sản. Đặc biệt, thông qua việc liên hệ trực tiếp của doanh nghiệp và các đơn vị đại diện người sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân sản xuất quy mô lớn,…đã mang lại hiệu quả cao cho sản xuất và tiêu dùng.

Theo TTXVN, song song với việc được nhiều hỗ trợ từ phía hợp tác xã trong sản xuất, như vật tư đầu vào, kỹ thuật sản xuất, thu mua với giá cao hơn so với tự tiêu thụ qua thương lái từ 20% đến 35%,… người sản xuất có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin thị trường, thông tin các khách hàng có nhu cầu về sản phẩm khác biệt. Thông qua nguồn thông tin có được từ các hợp tác xã, người sản xuất chủ động hơn trong việc lập kế hoạch sản xuất. Cũng từ đây, sự kết nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp trở nên dễ dàng, không bị làm giá, phá vỡ hợp đồng, người sản xuất có cơ hội xây dựng uy tín và thương hiệu cho chính mình.

Tăng năng suất, chất lượng nông sản Việt từ mô hình liên kết trực tiếp ảnh 3 

Việc liên kết 4 nhà giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản Việt

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, nông dân muốn làm giàu phải tham gia vào một tập thể kinh tế như hợp tác xã, tổ hợp tác. Thông qua các tập thể này, quyền lợi của người sản xuất được nâng cao, đủ thông tin ứng phó với những tin giả của người thu mua, đội ngũ thương lái trong và ngoài nước.

Nhiều loại nông sản của Việt Nam như: hồ tiêu, điều, các loại trái cây, rau củ, cà phê, thịt lợn, thịt gà, các loại thủy sản,… được sản xuất, chế biến và xuất khẩu khắp thị trường thế giới, nhưng nông dân Việt Nam chưa đủ sức xử lý những “tiểu xảo” trong cạnh tranh thị trường.

Với việc sản xuất có kế hoạch cụ thể, nắm rõ nhu cầu thị trường và biết điều tiết sản xuất, sẽ giúp cho người sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng được hưởng lợi.

Ngày nay, nhu cầu tiêu thụ nông sản tại các nước trên thế giới ngày càng tăng, do vậy, ngay bản thân từng chủ thể sản xuất từ khi gieo trồng, canh tác, chế biến… phải hướng đến các tiêu chuẩn trong sản xuất. Đây cũng là yêu cầu của bất kỳ thị trường nào đối với sản phẩm nông sản Việt Nam.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung chỉ đạo các Viện nghiên cứu, cùng các doanh nghiệp phối hợp với dân làm từng bước cải thiện chất lượng sản phẩm cho đồng đều, tập trung các hộ nông sản sản xuất nhỏ thành một tập thể có diện tích sản xuất lớn. Hoàn thành bước chuẩn bị nguyên liệu, Bộ sẽ cùng các đơn vị thực hiệp tiếp giải pháp căn cơ lâu dài là đẩy mạnh chế biến, tăng cường xuất khẩu quả tươi, hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản được ổn định.

Bên cạnh việc thực hiện sản xuất tốt, sản phẩm cũng cần một giải pháp truyền thông tốt để tăng thêm hình ảnh và giá trị sản phẩm. Trong trường hợp chỉ cần một thông tin xấu đối với nông sản, thì hậu quả không thể nào lường trược. Do đó, chính người tiêu dùng, doanh nghiệp, người sản xuất phải tìm hiểu thông tin đa chiều để tranh gây thiệt hại kinh tế cho người sản xuất.