Tăng lương tối thiểu vùng năm 2020: Người lao động được lợi như thế nào?

ANTD.VN - Mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020. Điều người lao động quan tâm hiện nay là quyền lợi của người lao động sẽ thay đổi thế nào khi mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh?

Người lao động được tăng lương nếu dưới mức tối thiểu vùng

Theo Điều 90 Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động không được trả lương cho người lao động với mức thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

Trong khi đó kết luận của Hội đồng Tiền lương quốc gia về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ đề xuất trình Chính phủ với mức tăng 5,5%. Do vậy, người lao động tại các doanh nghiệp sẽ được trả lương với mức lương tối thiểu mới vào năm 2020. Cụ thể:

Vùng 1: 4,42 triệu đồng/tháng (tăng 240.000 đồng); Vùng 2: 3,92 triệu đồng/tháng (tăng 210.000 đồng); Vùng 3: 3,43 triệu đồng/tháng (tăng 180.000 đồng); Vùng 4: 3,07 triệu đồng/tháng (tăng 150.000 đồng).

Hàng loạt người lao động sẽ được hưởng lợi từ việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2020

Bên cạnh đó, Điều 90 Bộ luật Lao động 2012 cũng quy định, nếu người lao động phải ngừng việc vì sự cố điện, nước hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ… thì được trả lương với mức không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Vì vậy, từ năm 2020, với mức tối thiểu nêu trên, dù phải ngừng việc nhưng người lao động vẫn có khả năng đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của mình.

Ngoài ra, Điều 130 BLLĐ cũng nêu rõ, người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường.

Trường hợp gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì phải bồi thường nhiều nhất 3 tháng tiền lương và bị khấu trừ hàng tháng vào lương. Như vậy, từ năm 2020, nếu gây thiệt hại với giá trị lớn hơn thì người lao động mới phải bồi thường.

Lương tăng, phí cũng tăng

Theo khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH, mức lương tháng đóng BHXH không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đơn giản nhất trong điều kiện bình thường.

Với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua đào tạo, học nghề thì mức lương tháng đóng BHXH cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

Do đó, từ năm 2020, mức lương tháng thấp nhất tính đóng BHXH cũng sẽ bị điều chỉnh tăng. Cụ thể, vùng 1, mức lương tháng thấp nhất tính đóng BHXH 2019 đối với người đã qua học nghề là 4.472.600 đồng thì đến năm 2010 là 4.729.400 đồng

Ngoài ra, đối với tiền đóng đoàn phí công đoàn, hàng tháng, người lao động là đoàn viên công đoàn phải đóng đoàn phí bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Vì vậy, khi lương tối thiểu vùng tăng thì số tiền đóng BHXH hay đoàn phí công đoàn của người lao động sẽ cao hơn so với năm 2019.

Điều đáng nói là khi tăng lương tối thiểu vùng sẽ gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bởi tiền lương hàng tháng hay lương ngừng việc của người lao động đều tăng. Doanh nghiệp có số lượng lớn lao động thì chi phí trả lương tăng thêm so với năm 2019 càng cao. Bên cạnh đó, các khoản chi phí cho bảo hiểm, phí công đoàn… của doanh nghiệp đều tăng.

Để tồn tại trên thị trường, doanh nghiệp buộc phải cải tiến công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, thậm chí là cắt giảm lao động, đặc biệt là lao động phổ thông nên nguy cơ mất việc làm của người lao động cũng tăng lên.