Tăng giá điện từ 20-3: Tăng thu thêm hơn 20.000 tỷ đồng

ANTD.VN - Chiều nay (20-3), Bộ Công Thương đã tổ chức cung cấp thông tin tới báo chí về việc tăng giá điện 8,36%.

Tiền điện tăng tối thiểu 7.000 đồng/tháng

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính đã kiểm tra, rà soát các thông số đầu vào để tính toán giá điện năm 2019 theo quy định tại Quyết định số 24, bao gồm tất cả các khâu và phân bổ chênh lệch tỷ giá còn treo… và lựa chọn quyết định tăng giá điện thêm 8,36% từ ngày 20-3.

Bộ Công Thương cho biết, với giá điện tăng 8,36%, CPI năm 2019 sẽ tăng trong khoảng 3,3-3,9%. “Việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%”- đại diện Bộ Công Thương nói.

Giải thích cụ thể về các yếu tố đầu vào làm tăng chi phí đầu vào của giá điện, ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, từ 5-1-2019, giá than bán cho điện tăng từ 2,61% đến 7,67% tùy loại, làm tăng chi phí phát điện hơn 3.000 tỷ đồng.

Giá than cũng sẽ được điều chỉnh bước 2 đồng thời với giá điện (ngày 20-3) sẽ khiến chi phí mua than tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng nữa.

Bên cạnh đó, một số nhà máy điện đang sử dụng than trong nước trộn than nhập ngoại, ước tăng chi phí khoảng 1.921 tỷ đồng. Năm 2019, sẽ chính thức thực hiện Luật thuế Bảo vệ môi trường với than, đây là yếu tố chính tác động tăng giá ngành than.

Từ ngày 20-3, giá khí bán cho điện cũng tăng theo thị trường. Dự kiến giá khí làm tăng chi phí đầu vào của ngành điện hơn 5.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngành điện còn khoản lỗ treo do tỷ giá từ nhiều năm, chưa được tính toán vào giá thành điện.

Về sự minh bạch trong tính giá điện, định kỳ hàng quý Bộ Công Thương đều công bố công khai chi phí mua điện, chênh lệch tỷ giá… trên website. Giá thành khâu phát điện chiếm 75-80% giá điện nên đây là thông tin tham khảo.

“Mặt khác, hàng năm EVN đều phải thuê đơn vị kiểm toán độc lập, chỉ chi phí được tính toán mới được tính toán vào giá điện. Những yếu tố không nằm trong chi phí sản xuất kinh doanh điện không được tính toán. Sau đó, Bộ Công Thương thành lập đơn vị kiểm tra giá thành, mời đơn vị liên quan… giám sát.

Đối với lần tăng giá điện này, chúng tôi đã thực hiện đầy đủ theo quy định của Nhà nước”- ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Giá điện sinh hoạt hiện có 6 bậc thang cho khách hàng sinh hoạt. Khách hàng sử dụng dưới 50kWh/tháng, giá điện tăng 8,3%, nếu họ sử dụng chẵn 50kWh/tháng thì phải trả thêm 7.000 đồng/tháng; Khách hàng sử dụng đến 100kWh/tháng sẽ tăng thêm 14.000 đồng/tháng, tăng 8,4%; Khách hàng sử dụng đến 200kWh thì tăng 31.600 đồng/tháng; Khách hàng sử dụng đến 300kWh/tháng sẽ tăng chi phí 53.100 đồng/tháng, đến 400kWh thì trả 77.200 đồng/tháng.

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, khách hàng sử dụng điện ở mức thấp chiếm tỷ lệ cao. Trong số 25,8 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, khách hàng sử dụng điện dưới 100kWh chiếm 35,8%; Khách hàng sử dụng trên 300kWh chiếm chưa đến 15%; Trên 400kWh chiếm khoảng 7%.

“Việc tính giá điện bậc thang là cần thiết. Các hộ nghèo, hộ chính sách vẫn được hỗ trợ 50.340 đồng/tháng. Hiện cả nước có 2,11 triệu hộ nghèo, hộ chính sách, mỗi năm ngân sách đều hỗ trợ tiền điện cho các đối tượng này”- ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin.

Bên cạnh đó, với các hộ sản xuất (413 triệu hộ sản xuất), hộ bình quân trả 12,39 triệu đồng/tháng, tăng thêm 869.000 đồng/tháng với giá điện mới.

Bậc thang tính giá điện sinh hoạt (kWh)

Giá bán điện (đồng/kWh)

Bậc 1: 0-50

1.678

Bậc 2: 51-100

1.734

Bậc 3: 101-200

2.014

Bậc 4: 201-300

2.536

Bậc 5: 301-400

2.834

Bậc 6: 401 trở lên

2.927

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc, theo cách tính lũy tiến, bậc cao nhất có giá 2.927 đồng/kWh

Giá bán lẻ điện sinh hoạt dùng cho công tơ thẻ trả trước là 2.461 đồng/kWh

“Giá điện nhìn qua thì bất công”

Lý giải về các khoản lỗ do tỷ giá mang lại, ông Đinh Quang Tri- Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, chênh lệch từ các khoản vay nước ngoài như WB, ADB và chênh lệch từ các nhà máy điện độc lập.

“Đầu năm 2018, EVN rất khó khăn. Mặc dù năm 2018 không tăng giá điện nhưng EVN đã có lãi. EVN đã xử lý 4.500 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của EVN còn tồn trước đây, không đưa vào giá điện, làm giảm bớt gánh nặng điều chỉnh điện do thực hiện tiết kiệm trong các công ty.

Chênh lệch tỷ giá năm 2018 của các nhà đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng còn treo, chưa đưa vào tính toán tăng giá điện lần này. Nếu năm 2019, EVN vận hành hiệu quả hơn thì EVN sẽ trình Bộ Công Thương để tính toán, ngược lại sẽ treo tính toán sau.

Chênh lệch tỷ giá là hoàn toàn khách quan do thị trường ngoại tệ. Thị trường ổn định thì chênh lệch tỷ giá ít. Ta vẫn phải vay vốn nước ngoài thì vay dài, lãi suất thấp hơn. Hai là nguồn vốn trong nước không đủ”- đại diện EVN nói.

Về ý kiến giá điện sinh hoạt đang “cõng” điện sản xuất, ông Đinh Quang Tri cho biết: “Nghe qua thì bất công nhưng khách hàng sản xuất tổn thất điện năng thấp hơn, điện sinh hoạt cao hơn, chi phí cung cấp điện hạ áp cao hơn. Hai là có giá bậc thang chủ yếu bảo vệ người có thu nhập ít, người tiêu dùng nhiều hỗ trợ người tiêu dùng ít, khuyến khích tiết kiệm điện. Để xử lý minh bạch hết thì đưa ra thị trường hết”!

Dự kiến, việc tăng thu giá điện từ 20-3 sẽ tăng thu thêm hơn 20.000 tỷ đồng.

Số tiền này sẽ được dùng để chi trả cho chi phí đầu vào tăng thêm, trong đó chi than hơn 7.000 tỷ đồng, giá khí trong bao tiêu hơn 6.000 tỷ đồng; chênh lệch tỷ giá bên ngoài EVN 3.825 tỷ, trả tiền quyền khai thác tài nguyên nước, chi phí chênh lệch mua điện… Tổng chi phí phải trả khoảng 21.000 tỷ đồng.