Tăng giá điện từ 1/12: Ai sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất?

ANTD.VN - Từ ngày 1-12, giá bán lẻ điện bình quân năm 2017 sẽ tăng thêm 6,08%, tương đương 1.720,65 đồng/kWh. Nhiều bà nội trợ không khỏi lo lắng trước thông tin này.

Tăng giá điện từ 1/12: Ai sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất? ảnh 1

Giá bán lẻ điện bình quân năm 2017 là 1.720 đồng/kWh

Tăng chi phí, bà nội trợ thêm gánh nặng

Là nhân viên văn phòng của một doanh nghiệp tư nhân với lương tháng chưa đến 10 triệu đông/tháng,  thông tin giá điện tăng đã khiến chị Trần Minh Hà (Hoàng Mai- Hà Nội) không khỏi lo lắng.

"Chi tiêu hàng tháng của gia đình 4 người chúng tôi trông cả vào lương của hai vợ chồng, chưa đến 20 triệu đồng/tháng. Giờ giá điện tăng một thì các chi phí khác tăng bốn năm lần. Chẳng nói đâu xa, có khi từ hôm nay, đi rửa cái xe máy cũng bị tăng giá vì giá điện tăng, chi phí giá điện nước đều tăng theo"- chị Minh Hà nói.

Cùng nỗi lo này, bà Nguyễn Thị Hồng (Đống Đa- Hà Nội) than thở: "Tết đến nơi rồi mà điện tăng giá, không biết có bao nhiêu thứ hàng hóa tăng giá tiếp nữa? Lâu nay nhiều loại chi phí đã tăng, gia đình tôi đã phải tiết kiệm hết sức, giờ tăng giá thấy lo".

Theo anh Nguyễn Đức Thắng (Cầu Giấy- Hà Nội), hơn 2 năm rồi, giá điện giữ ổn định nên đến giờ, điện tăng giá đương nhiên người tiêu dùng thấy sốc. "Trước kia, khi giá xăng dầu chưa được điều chỉnh định kỳ 15 ngày/lần thì cứ mỗi đợt tăng giá, người tiêu dùng đều hoang mang. Giờ giá xăng tăng định kỳ rồi, người tiêu dùng ít "sốc" hơn. Nói chung tâm lý người dân không ai muốn hàng hóa dịch vụ tăng giá, nhưng nếu việc tăng này được lý giải hợp lý, minh bạch, thuyết phục thì chúng tôi đồng tình thôi"- anh Nguyễn Đức Thắng chia sẻ.

Tăng chi gần 5.000 đồng/tháng?

Bộ Công Thương cho biết, với việc điều chỉnh giá điện lần này, mức giá cho từng nhóm khách hàng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ. 

Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn được chia làm 6 bậc. Bậc 1 từ 0-50kWh, bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân, tương đương 1.582,99 đồng/kWh; Bậc 2 từ 51- 100 kWh bằng 95%, tương đương 1.634,62 đồng/kWh;

Bậc 3 từ 101-200 kWh, bằng 110% giá bán lẻ điện bình quân, tương ứng 1.892,72 đồng/kWh; Bậc 4 từ 201- 300 kWh, bằng 138% giá điện bình quân, tương ứng 2.374,5 đồng/kWh.

Bậc 5 từ 301-400 kWh, bằng 154% giá bán điện bình quân, tương ứng 2.649,8 đồng/kWh; Bậc 6 từ 400 kWh trở lên, bằng 159% giá bán điện bình quân, tương ứng 2.735,83 đồng/kWh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, với đợt tăng giá điện này, hộ thuộc nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ, mức tăng khoảng 5,7%; Khách hàng sản xuất tăng từ 1,4-6,4%; Đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp, mức tăng là 4,97%. 

Nhóm khách hàng sinh hoạt đang áp dụng 6 bậc thang nên áp dụng đến khách hàng sinh hoạt ở mức khác nhau. Cụ thể, với hộ tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng thì tiền điện tăng 3.250 đồng/tháng; Hộ tiêu thụ đến 100kWh/tháng thì mức tăng là 6.600 đồng/tháng; Hộ tiêu thụ tới 200kWh/tháng là tăng thêm 13.800 đồng/tháng; Hộ tiêu thụ tới 300 kWh là 23.600 đồng/tháng và hộ tiêu thụ tới 400 kWh là chi phí thêm cao nhất, là 34.800 đồng/tháng.

Theo thống kê chính thức, năm 2016, cả nước có khoảng 5,4 triệu khách hàng chiếm 22,7% có lượng tiêu thụ điện từ 50-100kWh; 4,1tr hộ, chiếm 17% tiêu thụ dưới 50kWh. Đối với hộ tới 200 kWh/tháng là 5,2 triệu hộ.

Cũng theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách vẫn được hỗ trợ tiền điện hàng tháng.