Tăng cường kiểm tra, phát hiện vi phạm để giảm thiểu các vụ cháy, nổ mùa nắng nóng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ trong một thời gian ngắn đầu mùa nắng nóng năm 2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra hàng chục vụ cháy nhà xưởng, đặc biệt là vụ cháy xảy ra tại Công ty TNHH Song Ngân, trong Khu công nghiệp Phú Thị (huyện Gia Lâm) ngày 6-5-2020, đã làm 3 người tử vong…  

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội tiếp cận, xử lý cháy tại vụ cháy nhà xưởng thuộc Công ty TNHH Song Nhân

Những hậu quả nêu trên là hồi chuông báo động về tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, nhưng ý thức cảnh giác tự phòng ngừa và vì lợi nhuận, nên người dân đã bỏ qua những quy định nghiêm ngặt về an toàn phòng cháy.

Hậu quả khó lường

Hai vụ cháy lớn vừa xảy ra gần đây là hậu quả của sự thiếu ý thức chấp hành các quy định về an toàn PCCC của chủ cơ sở. Đó là vụ cháy rụi hơn 800m2 nhà kho của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cường Việt tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên) sáng 30-6, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến môi trường. 

Để lại hậu quả nặng nề không kém là vụ cháy xưởng sản xuất của Công ty TNHH Song Ngân, nằm trong Khu công nghiệp Phú Thị (huyện Gia Lâm) ngày 6-5-2020, đã làm 3 người tử vong… 

Điều đáng nói, cả hai vụ cháy xảy ra đều là những nhà xưởng đã vi phạm và lực lượng chức năng ra quyết định đình chỉ hoạt động. Thế nhưng, các cơ sở nói trên đã không chấp hành thực hiện quyết định đình chỉ, mà lén lút hoạt động dẫn đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

Trao đổi với chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, phóng viên được biết tình trạng cơ sở vi phạm các quy định về PCCC bị đình chỉ, nhưng vẫn lén lút hoạt động thường xảy ra với một số doanh nghiệp, nhà xưởng tại khu, cụm công nghiệp. Sở dĩ các cơ sở này hoạt động là vì lợi nhuận và tiếc các công đoạn đang dở dang. Hơn nữa, ngay sau khi đình chỉ thì phân cấp cho lực lượng chính quyền, công an cơ sở giám sát việc hoạt động, song với lực lượng mỏng nên cũng khó giám sát 24/24h và không cho họ hoạt động được, mà chủ yếu trông vào ý thức chấp hành của cơ sở mà thôi”.

Không thể đổ tại cho lực lượng phòng cháy cơ sở và công an phụ trách địa bàn khi các cơ sở này đã bị quyết định đình chỉ hoạt động. Một khi đã ban hành quy định pháp luật thì cơ sở phải chấp hành, chứ không thể chỉ chấp hành khi có mặt lực lượng công an, còn vắng bóng lực lượng chức năng lại lén lút hoạt động. 

Đã có nhiều cơ sở vi phạm an toàn phòng cháy chấp nhận bị phạt, nhưng sau đó vẫn tiếp tục hoạt động. Bởi số tiền nộp phạt có cao cũng chỉ đến vài chục triệu đồng, nên so với số lời họ thu được thì không đáng kể. Do vậy, vì lợi ích kinh tế họ vẫn lén lút làm và chấp nhận hoạt động trong điều kiện vi phạm an toàn PCCC.

Tại sao kho xưởng dễ cháy, nổ

Thống kê của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 22 vụ cháy nhà kho, xưởng sản xuất, đứng thứ hai trong các loại hình cơ sở xảy ra cháy. Cháy nhà kho, xưởng sản xuất cũng chiếm khoảng 60 - 70% thiệt hại về tài sản trong tổng số các vụ cháy. 

Điều đáng nói, những kho, xưởng sản xuất không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố vẫn mọc lên. Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực đường Nguyễn Cảnh Dị, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, có nhiều nhà xưởng tạm bợ dựng khung thép, lợp mái và bao quanh bằng tôn, hàng hóa xếp lấn chiếm lối đi, trong khi đó đối với cơ sở như thế này thì thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hầu như không có… 

Tại đường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, khu vực Cảng Hà Nội là “thiên la địa võng” nhà xưởng, kho hàng không đủ điều kiện an toàn PCCC. Cũng tại khu vực này từng xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản. Tuy nhiên, cho đến nay, những kho xưởng tại đây vẫn luôn trong tình trạng tạm bợ và vi phạm nghiêm trọng về an toàn PCCC. Ngoài ra, trên địa bàn các quận Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy, Tây Hồ… vẫn tồn tại nhà kho, xưởng sản xuất luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Theo Thượng tá Nguyễn Đức Thắng, Phó trưởng CAQ Hai Bà Trưng: “Để hạn chế tối đa cháy, nổ xảy ra, lực lượng Cảnh sát PCCC đã chủ động nhiều biện pháp trong đó  tăng cường kiểm tra, xử lý tồn tại. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, kỹ năng PCCC. Thực hiện kế hoạch của Công an thành phố về mở đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC đối với các cơ sở trong khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trong khu dân cư trên địa bàn, lực lượng chức năng đã  phát hiện xử lý 425 tồn tại, thiếu sót về PCCC”.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp cận khống chế cháy tại khu xưởng Đức Giang

Giải pháp khắc phục

Rút kinh nghiệm từ vụ cháy tại phố Đại Linh, quận Nam Từ Liêm khiến 8 người tử vong. Đây là nhà xưởng cũng đã bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động, nhưng chủ cơ sở đã không chấp hành, lén lút hoạt động nên đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Ngay sau khi xảy ra vụ cháy này, lực lượng Cảnh sát PCCC đã rà soát, đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp về phòng cháy nhà xưởng.

Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP Hà Nội: “Cần có cơ chế quản lý chặt chẽ ngay từ khi nhà kho, xưởng sản xuất được cấp phép, hình thành và hoạt động. Dù khó khăn về lực lượng thì chính quyền địa phương vẫn cần siết chặt công tác quản lý PCCC theo thẩm quyền và kiên quyết xử lý tình trạng xây dựng, cải tạo nhà kho, xưởng sản xuất trái phép. Bên cạnh đó, việc nâng cao kiến thức PCCC của chủ các cơ sở cũng là vấn đề cần được thường xuyên quan tâm, thực hiện”.

Tại cuộc họp về công tác PCCC mới đây, Đại tá Trần Ngọc Dương phát biểu: Trong những tháng đầu năm 2020, CATP đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra liên ngành 406 lượt cơ sở; chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã kiểm tra an toàn về PCCC 26.488 lượt cơ sở, lập 26.488 biên bản, phát hiện 10.249 tồn tại vi phạm về PCCC. 

Điều đáng nói là số vi phạm giảm 31.111 tồn tại so với cùng kỳ năm 2019. Qua đó lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã ra quyết định xử phạt 1.561 trường hợp với số tiền phạt gần 10 tỷ đồng; tạm đình chỉ 179 lượt cơ sở, đình chỉ 98 lượt cơ sở; ban hành 2.846 công văn kiến nghị, yêu cầu cơ sở khắc phục.

Đồng chí Phó Giám đốc cũng thẳng thắn chỉ ra công tác tham mưu phục vụ cấp ủy, chính quyền chỉ đạo công tác PCCC ở cơ sở mới dừng lại ở ban hành văn bản chỉ đạo; việc kiểm tra đôn đốc, sơ, tổng kết đánh giá còn yếu nên hiệu quả thực hiện tại cơ sở nhất là cấp phường, xã, thị trấn còn hạn chế. 

Trong 6 tháng đầu năm 2020, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể theo chương trình như: tổ chức hội thảo về ứng dụng khoa học công nghệ đối với công tác PCCC và CNCH; tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị, sẵn sàng “bốn tại chỗ” về PCCC và CNCH tại một số địa phương và cơ quan doanh nghiệp trọng điểm về cháy nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội; tập huấn về trách nhiệm, thẩm quyền trong việc thực hiện công tác PCCC và CNCH của người đứng đầu UBND cấp xã... 

 “Cho đến thời điểm hiện nay, để giảm thiểu các vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, biện pháp hiệu quả nhất vẫn phải là yếu tố con người quyết định. Lực lượng Cảnh sát PCCC thì tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý vi phạm, đồng thời vẫn đa dạng các hình thức tuyên truyền kiểu “mưa dầm thấm lâu”, để người dân, chủ cơ sở tự ý thức chấp hành các quy định về an toàn PCCC và thực hiện tốt các mặt công tác này thì mới là cái gốc để giải quyết vấn đề an toàn PCCC”- Đại tá Trần Ngọc Dương quả quyết.