Tâm và tầm trong nghề

ANTĐ - Ông Muller là một nghệ nhân chế tác đá quý nổi tiếng trong vùng, ông có rất nhiều học trò theo học ở khắp nơi, có nhiều người cũng thành nghề và nổi tiếng sau khi được ông dạy dỗ. 

Khi biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa, ông Muller muốn tìm một người học trò vừa có tài vừa có đức để truyền lại những bí kíp của nghề trước khi nhắm mắt xuôi tay. Ông vẫn bảo rằng làm nghề này cần phải có đức thì tâm mới sáng, mới không bị mờ mắt bởi những cám dỗ vật chất.

Qua nhiều bài tập đánh giá, ông Muller đã tìm ra một người giỏi nhất trong số các học trò đang theo học mình. Đó là một chàng trai trẻ nhà nghèo quyết tâm học thành tài để có cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng ông phải làm một bài kiểm tra nữa để biết chàng trai này có tầm nhìn và có tâm hay không.

Sáng hôm ấy, ông Muller cho gọi người học trò tới phòng của mình, ông đưa ra 3 viên đá quý sáng lấp lánh, 1 viên hình dáng như một viên kim cương, tỏa sắc chói lóa, đẹp không tì vết, 2 viên còn lại thì đều ở dạng đá thô, màu sắc không được sáng, nhiều vết xước, một viên lớn và một viên nhỏ, rồi bảo chàng trai nếu được tặng, anh sẽ chọn viên nào.

Chàng trai trẻ nhìn kỹ 3 viên đá, cầm lên xem rồi bảo rằng anh chọn viên đá thô nhỏ, ông Muller ngạc nhiên hỏi: “tại sao con lại chọn viên xấu nhất và bé nhất như vậy?”. Chàng trai chỉ vào viên đá sáng lấp lánh và trả lời: “Thưa thầy, viên đá lung linh đẹp không tì vết này là viên đẹp nhất. Vẻ đẹp của nó là hoàn mỹ, có được nhờ trải qua quá trình mài giũa, đánh bóng tỉ mỉ của một nghệ nhân cao tay. Nó có giá trị với một nhà sưu tầm đá quý hay với những người giàu có mang về để trưng bày nhưng với một người làm nghề chế tác thì nó chẳng có giá trị gì cả”.

Rồi chàng trai nhìn xuống viên đá nhỏ thô ráp mình đang cầm nói tiếp: “Con chọn viên này vì tuy hiện giờ nó rất xấu xí nhưng con tin với khả năng của mình, con có thể biến nó thành một viên đá hoàn hảo mà bất cứ nhà sưu tầm nào cũng muốn sở hữu nó”. Ông Muller gật gù rồi hỏi tiếp: “Nhưng ở đây có 2 viên thô, viên kia to hơn sao con không chọn?”.

Chàng trai ôn hòa đáp: “Thưa thầy, là vì bản chất của nó khác nhau. Hai viên đá có kích thước khác nhau nhưng khi cầm lên lại có trọng lượng tương đương, có nghĩa rằng độ rỗng của viên đá lớn là cao hơn, có khả năng đất cát đã lọt vào trong những kẽ hở, các lỗ hổng trên bề mặt viên đá. Vì thế con chọn viên nhỏ vì nó tuy nhỏ nhưng kết cấu vững chắc hơn nhiều”.

Ông Muller nở nụ cười mãn nguyện, đây đích thực sẽ là người ông truyền lại những bí kíp nghề của mình. Ông vỗ vai người học trò bảo: “Con tuy trẻ nhưng rất có tầm nhìn. Thói đời thông thường bỏ viên đẹp chọn viên xấu đã khó, con lại còn có thể bỏ viên to chọn viên nhỏ thì quả thật con xứng đáng để ta truyền những bí kíp nghề”.