Tâm tư về "nỗi lo nhà trẻ"

ANTĐ - Trẻ bị đánh đập, bị nhốt ở ngoài cửa phải nhặt rác ăn, bị trói tay, bị tát, bị ngã, bị bạn cào cấu… Liên tiếp những sự việc chấn động dư luận được đưa lên mặt báo, rồi thì ở khắp các cơ quan công sở, trên các diễn đàn mạng, các phụ huynh truyền tai nhau về những “chiêu” mà các cô trông trẻ phạt, “dằn mặt” để cho trẻ nghe lời. Dư luận lên án, những người làm cha, làm mẹ như lửa đốt trong lòng.

Tâm tư về "nỗi lo nhà trẻ" ảnh 1Ảnh: Internet

Ai cũng nói, làm nghề nuôi dạy trẻ thì ngoài việc được đào tạo bài bản còn phải có cái tâm, phải yêu trẻ. Điều đó là đúng, là cần thiết, vì lứa tuổi nhà trẻ là lứa tuổi non nớt, bắt đầu hình thành nhân cách và bị tác động rất lớn từ những ứng xử bên ngoài. Qua những vụ việc trên, rất nhiều người đặt dấu hỏi về “cái tâm” của các cô trông trẻ. Liệu họ có phải là những người không yêu trẻ, không có cái tâm, là người ác?

Thật ra sẽ rất khó có câu trả lời chung, vì mỗi cá nhân, mỗi vụ việc sẽ có cách nhìn nhận khác nhau. Có hành vi diễn ra thường xuyên, người bảo mẫu thực sự đáng lên án. Nhưng cũng có những hoàn cảnh vì một phút mệt mỏi, nóng giận. Để nói thông cảm cho các cô thật khó, nhưng chúng ta cũng cần có cái nhìn khách quan. 

Có thể nhìn thấy một thực trạng chung ngành mầm non hiện nay là thiếu trầm trọng cả về trường lẫn giáo viên, nhất là những giáo viên được đào tạo bài bản. Trường công thì thiếu, mỗi lớp 50-60 học sinh mà vẫn có cháu không có chỗ. Trường tư chất lượng cao thì quá đắt. Vậy là những gia đình khó khăn buộc phải gửi con em mình vào những trường tư, những nhóm trẻ “bình dân”, thậm chí là tự phát không có bất kỳ giấy tờ gì.

Với trường công thì không nói, nhưng với những trường tư hiện nay, có không ít trường mỗi lớp thường chỉ có một cô giáo được đào tạo cơ bản còn lại là các cô tay ngang. Nguyên nhân một mặt do đào tạo không đủ nhu cầu, mặt khác do nghề chăm trẻ con quá cực, không phải ai cũng gắn bó được lâu. Nếu thử có mặt tại một trường mầm non trong một ngày, hẳn nhiều người sẽ phải lắc đầu với sự vất vả của các cô. Mỗi ngày, họ phải đến trường từ 6h30 sáng và rời trường sớm nhất vào lúc 17h. Mỗi cô có thể phải phụ trách 10-15 trẻ, thậm chí hơn. Họ phải làm rất nhiều việc, như: dọn dẹp vệ sinh trong lớp; chăm sóc cho trẻ ăn, uống, vệ sinh; dạy trẻ; can thiệp không cho trẻ giành giật, đánh nhau; chưa kể có trẻ quấy khóc, nôn ói thì các cô còn vất vả hơn nhiều… Đã thế, lương giáo viên mầm non lại rất hạn chế, có cô chưa đầy 2 triệu đồng mỗi tháng.

Nói cặn kẽ ra, trong lỗi của các cô, có một phần lỗi của chúng ta. Liệu trong chúng ta - những người cha, người mẹ của đứa trẻ - có ai chưa từng phạt con. Chúng ta có những lúc “nổi điên” và la mắng, thậm chí là đánh con không? Với cha mẹ, đó có thể là điều bình thường, nhưng với các cô, đó là điều không thể xảy ra. Vậy chúng ta đang dạy con theo cách nào, đã đúng chưa, đã hình thành thói quen tốt cho trẻ chưa? Hay chỉ đến khi con đi học mới yêu cầu các cô phải giáo dục con mình theo một cách hoàn hảo nhất?

Và, quan trọng nhất, vẫn phải nói đến chính sách. Nhà nước đã đầu tư cho giáo dục mầm non xứng đáng với vai trò mà người ta đặt lên vai của ngành giáo dục này chưa? Để tất cả giáo viên đều được đào tạo bài bản, được giáo dục và thực hành tốt những yêu cầu của một giáo viên mầm non.