Tâm sự bất ngờ của người chuyển giới ở Thái Lan

ANTD.VN - Thái Lan được coi là thiên đường của người chuyển giới. Nhưng thực tế cuộc sống của người mang giới tính thứ ba hay đàn ông chuyển giới (ladyboy) không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Hãy nghe trò chuyện của 3 thành viên cộng đồng người chuyển giới ở đây để có được một bức tranh rõ ràng hơn. 

Có lẽ không đâu như Thái Lan người đồng tính lại dễ gặp như vậy, trên xe buýt, tàu điện, các cửa hàng làm tóc đến ngành công nghiệp du lịch. Họ là đàn ông trong dáng hình phụ nữ và đôi khi không còn nét nào của đàn ông cả. Chương trình truyền hình cũng đầy thành viên của cộng đồng người chuyển giới. Thậm chí, Bộ Du lịch nước này gần đây còn quảng bá về một đất nước luôn chào đón cộng đồng LGBT với đủ loại dịch vụ đi kèm. Nhưng với “người trong cuộc”, sự thực cuộc sống của họ ra sao?

Tâm sự bất ngờ của người chuyển giới ở Thái Lan ảnh 1Ba nhân vật chính trong câu chuyện, từ trái qua: Tanwarin Sukkhapisit, Padthai Pattaya và Worawalun Taweekarn

Gia đình: Khó chấp nhận sai lạc giới tính

Nếu cha Thanaporn Phromphron nhìn thấy con gái mình tại nơi làm việc, mặc chiếc váy gợi cảm, đeo đôi hoa tai lớn và đôi môi đỏ tươi, có thể ông sẽ bị sốc. Thanaporn, 37 tuổi đang làm cho một quán bar không xa Phố đi bộ ở Pattaya - điểm tập trung của gái mại dâm chuyển giới. 

Thanaporn là con út trong gia đình làm nông nghiệp có 5 người con ở miền Tây Thái Lan. Lần đầu tiên cô nhận ra rằng mình là con gái từ lúc lên 5-6 tuổi. Nhưng chỉ đến khi 19 tuổi, Thanaporn rời nhà đi học đại học, cô bắt đầu mặc váy và dùng hormone. Ban đầu, người cha không chấp nhận giới tính của cô, sau đó ông cũng nguôi ngoai.

Tốt nghiệp đại học, Thanaporn làm quanh quẩn ở nhà nhưng không đủ tiền trả các khoản vay từ thời sinh viên. Thanaporn quyết định chuyển đến Pattaya, làm tiếp viên như rất nhiều người chuyển giới khác. Những tháng thu nhập tốt, cô có thể kiếm được số tiền gấp 6 lần lương của một giáo viên trường tư. 

Câu chuyện của Thanaporn tương tự như câu chuyện mà nhiều người chuyển giới (kathoey) kể. Người Thái có xu hướng lịch sự với các thành viên của cộng đồng người chuyển giới nhưng nếu ai đó trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết của họ như vậy, họ khó chấp nhận. Nguyên nhân sâu xa, văn hóa của người Thái luôn muốn tránh xung đột ở mức độ có thể nên họ không muốn chống lại người chuyển giới. Bên cạnh đó, người dân chủ yếu là theo Phật giáo, người ta quan niệm người chuyển giới đã mắc tội ở kiếp trước và bị trừng phạt nên mới tái sinh nhầm trong thân xác ở kiếp này nên cần thương hại họ hơn là xúc phạm.

Tuy nhiên, ở góc độ riêng tư, khoảng 60% các ông bố và hơn 30% số bà mẹ người Thái không tán thành việc xác định lại giới tính con cái họ, theo một khảo sát của Đại học Hồng Kông. Những người chuyển giới ở đây thường xuyên chuyển đến thành phố lớn hơn sau khi họ hoàn thành việc học.

Thanaporn đã sử dụng số tiền đầu tiên cô kiếm được trong vai nữ giới để nâng ngực. Hiện cô chưa phẫu thuật chuyển giới hoàn toàn vì quá tốn kém. Ngoài ra, Thanaporn không thích làm nghề mua vui mãi mãi và đang tiết kiệm tiền để mở một cửa hàng mỹ phẩm nhỏ, dự kiến mở ở Pattaya sau tuổi 40. Kể từ khi Thanaporn bắt đầu gửi tiền về nhà để giúp đỡ bố mẹ, giới tính của cô đã không còn là vấn đề vướng mắc nữa.

Công việc: Quá xinh để lên lớp dạy học

Worawalun Taweekarn luôn muốn trở thành một giáo viên toán và cô đã hoàn thành bằng đại học cần thiết cách đây hai năm. Tuy nhiên, vẫn còn một thứ cản trở công việc mơ ước của cô: Giới tính của cô.

Mỗi khi ra phố, trang điểm nhẹ một chút, cô gái 25 tuổi Worawalun khiến đàn ông liên tục quay lại nhìn. Nhưng đó cũng là rắc rối trong cuộc phỏng vấn xin việc đầu tiên của cô. “Bạn quá hấp dẫn, các học sinh nam sẽ liên tục tán tỉnh bạn”, một giáo viên nói với Worawalu. “Tôi có thể đối phó với tình huống đó. Xin hãy cho tôi cơ hội thể hiện những gì tôi có thể làm một cách chuyên nghiệp”, cô trả lời, nhưng kết quả là cô không được tuyển.

Năm học đó, Worawalun đã làm gia sư và cũng quyết định tham gia Miss Tiffany's Universe, một cuộc thi sắc đẹp nổi tiếng dành cho phụ nữ chuyển giới ở Thái Lan và dừng ở vị trí thứ 11. Khi ban giám khảo phỏng vấn về cuộc sống riêng, Warawalun kể về sự phân biệt đối xử, rằng kỳ thực tập ở đại học, cô phải đội tóc giả là nam. Video về cuộc phỏng vấn lập tức lan truyền và gây ra làn sóng tranh cãi. 

Nhà hoạt động vì người chuyển giới Prempreeda Pramoj cho biết, những phản ứng như vậy rất phổ biến. “Trong lĩnh vực làm đẹp, giải trí hay thậm chí là ngành công nghiệp tình dục, phụ nữ chuyển giới rất dễ kiếm việc, nhưng các lĩnh vực nghề nghiệp khác khá hạn chế. Người Thái, kể cả người chuyển giới cũng có quan điểm cứng nhắc liên quan đến công việc phù hợp với phụ nữ chuyển giới”.

Ở Thái Lan, cũng như những nơi khác, nhiều công ty không muốn tuyển dụng các thành viên của cộng đồng người chuyển giới. Đầu năm 2018, Worawalun xin làm giáo viên một lần nữa. Hiệu trưởng một trường nói với cô: “Bạn gần như đã giành ngôi vị Hoa hậu Tiffany. Bạn sẽ trở nên giàu có hơn với tư cách là một nữ hoàng giải trí hơn là làm việc cho chúng tôi”. Người đứng đầu một trường nữ sinh khác nói với Worawalun rằng cô có thể được chấp nhận nếu đến trường trong hình dạng một nam nhân.

Tháng 5-2019, Worawalun đã đệ đơn kiến nghị lên Ủy ban về Xác định phân biệt giới tính không công bằng. “Tôi không muốn ép buộc ai thuê tôi cả, mà chỉ muốn có cơ hội tương tự như mọi người khác trong khi xin việc”, đơn kiến nghị của cô nêu rõ.

Chính trị: Mong một xã hội trung lập về giới tính

Slogan được Bộ Du lịch Thái Lan quảng bá là: Đi Thái, thoải mái. Nhưng với Tanwarin Sukkhapisit, còn một vế khác: Là người Thái, không thoải mái lắm. Đó là những gì đã truyền cảm hứng cho Tanwarin tranh cử vào Quốc hội hồi tháng 2-2019 và trở thành nghị sĩ đầu tiên chuyển giới và là 1 trong 4 nghị sỹ thuộc cộng đồng LGBT.

Bà Tanwarin, 45 tuổi tự xác định mình là người phi giới tính. Từ dáng vẻ bề ngoài, thời trang, hành vi, kỹ năng của bà đều trung tính về mặt giới tính. Chính quê nhà Nakhon Ratchasima, cách Bangkok 4 giờ xe chạy  là nơi nuôi dưỡng, giúp bà trở thành một trong những nhà lập pháp tiến bộ nhất trên thế giới khi nói về giới tính và khuynh hướng tình dục. Bà quyết định tập trung vào những bất lợi pháp lý là các thành viên của cộng đồng người chuyển giới phải đối mặt.

Theo luật pháp Thái Lan, công dân không được phép thay đổi giới tính về mặt giấy tờ chính thức, ngay cả sau khi đã phẫu thuật chuyển giới. Bản thân Tanwarin cũng từng trải qua những điều bất cập của luật pháp hiện tại. Sinh ra là nam giới, bà đã đi nghĩa vụ quân sự và ở trong đơn vị toàn là nam. Có những hôm một số đồng đội tò mò kéo áo phông xem bà có ngực hay không. Bất cập nữa là những người sinh ra là nam, nhưng sau khi chuyển giới, vào tù họ vẫn bị nhốt với các phạm nhân nam. Ngay cả hôn nhân với người đồng tính chưa được công nhận là hợp pháp ở Thái Lan. “Luật pháp nên chỉ đơn giản là cho phép kết hôn giữa hai người, không có giới hạn”, nghị sỹ Tanwarin mong một ngày như thế.

Cơ hội thành công với những đề xuất như vậy của Tanwarin không lớn bởi không phải tất cả mọi nghị sĩ đều ủng hộ các luật tiến bộ như vậy. Tuy nhiên, Tanwarin nói, chỉ riêng việc bà trúng cử Quốc hội đã gửi đến một thông điệp rằng mọi người đều cần được đối xử bình đẳng. Và vào ngày 13-5, trong phiên họp toàn thể đầu tiên của Quốc hội mới, nghị sỹ Tanwarin Sukkhapisit mặc một chiếc áo khoác màu cam cùng chiếc váy sặc sỡ. Bà thừa nhận đã cố tình khiêu khích. “Tôi trông giống như vậy đó. Và chúng ta phải giải quyết mối quan tâm của những người như tôi”, bà nói về thông điệp của mình.

Có lẽ không đâu như Thái Lan người đồng tính lại dễ gặp như vậy, trên xe buýt, tàu điện, các cửa hàng làm tóc đến ngành công nghiệp du lịch. Thậm chí, Bộ Du lịch nước này gần đây còn quảng bá về một đất nước luôn chào đón cộng đồng LGBT với đủ loại dịch vụ đi kèm. Nhưng với “người trong cuộc”, sự thực cuộc sống của họ ra sao?