Tai nạn thương tâm thác Hang Cọp (Đà Lạt) do tổ chức tour "chui"?

ANTD.VN - Vụ tai nạn xảy ra tại khu vực thác Hang Cọp (xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) khiến 1 du khách nước ngoài và 1 hướng dẫn viên tử nạn làm dư luận dấy lên câu hỏi “có hay không việc đơn vị tổ chức tour đã cố ý đưa khách vào khu vực nguy hiểm bất chấp cảnh báo?”. 

Tai nạn thương tâm thác Hang Cọp (Đà Lạt) do tổ chức tour "chui"? ảnh 1Tại khu vực thác Hang Cọp đã có biển báo nguy hiểm, tuy nhiên nhiều du khách vẫn phớt lờ

Liên tiếp nhiều tai nạn đau lòng 

Theo thông tin từ Sở VH-TT&DL Lâm Đồng, nạn nhân tử vong là 1 du khách quốc tịch Ba Lan có tên Cwiakala Rafal (33 tuổi) và hướng dẫn viên người Việt Nam - Nguyễn Quốc Khánh (24 tuổi, trú tại xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).

Vào khoảng 8h ngày 23-2, thông qua Công ty TNHH Giấc Mơ Vàng (số 18 Trương Công Định, TP Đà Lạt), hai người này cùng một nhóm du khách ngoài nước ngoài (tổng cộng 8 du khách quốc tế và 2 hướng dẫn viên người Việt Nam) tổ chức tham quan tại khu du lịch thác Hang Cọp. Trong quá trình đu dây vượt thác mạo hiểm, 2 người đã bị trượt tay rơi xuống, dẫn đến tử vong.

Vào thời điểm 1 năm về trước, tại Lâm Đồng cũng xảy ra 2 vụ tai nạn liên tiếp gây ra cái chết thương tâm của 4 du khách. Tối 28-2-2016, một thi thể du khách người Belarus được phát hiện tại khu vực thác Pongour (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Nguyên nhân dẫn tới cái chết của du khách được cho là đuối nước.

Trước đó, ngày  26-2-2016, 3 du khách người Anh đã tử vong do trượt chân khi đi tắm tại thác Datanla, TP Đà Lạt. Công ty Cổ phần Du lịch Lâm Đồng (Dalat Tourist), đơn vị quản lý thác Datanla đã ra thông báo dừng các hoạt động du lịch mạo hiểm tại thác Datanla. 

Tai nạn thương tâm thác Hang Cọp (Đà Lạt) do tổ chức tour "chui"? ảnh 2Các loại hình du lịch mạo hiểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được tổ chức và giám sát chặt chẽ 

Thác hoang, không ai quản lý?

Thác Hang Cọp nằm trên địa phận thôn Túy Sơn, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt. Thác có độ cao khoảng 50m, rộng hơn 10m, cách khu dân cư sinh sống khoảng 3km. Thác này từng được UBND tỉnh Lâm Đồng xếp hạng di tích, đồng thời cấp phép cho doanh nghiệp tư nhân Hoàng Tâm đầu tư, bảo vệ, tôn tạo nhằm phục vụ du lịch. Tuy nhiên, những năm gần đây, thác Hang Cọp đã rơi vào tình trạng bỏ hoang, do cảnh quan môi trường và nhiều hạng mục bị xuống cấp. 

Ngày 30-3-2016, sau khi xảy ra 2 vụ tai nạn khiến du khách tử vong, Sở VH-TT&DL Lâm Đồng đã tiến hành tổng kiểm tra, rà soát một loạt những điểm du lịch trên địa bàn, sau đó đã lập biên bản yêu cầu ngừng khai thác các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm tại một số điểm du lịch, trong đó có thác Hang Cọp.

Và cho đến thời điểm này, khu vực thác Hang Cọp vẫn trong quá trình… nâng cấp. Tại khu vực chân thác cũng lắp đặt biển cảnh báo du khách không trèo lên đầu thác, không leo lên các mỏm đá trơn trượt, không lội xuống thác… 

Tuy nhiên, không hiểu dựa trên cơ sở nào, Công ty TNHH Giấc Mơ Vàng vẫn tổ chức tour du lịch mạo hiểm cho du khách, mặc dù chưa được phép của Sở VH-TT&DL Lâm Đồng. Được biết, 2 hướng dẫn viên dẫn đoàn cũng không có thẻ hướng dẫn viên.

Điều này cho thấy, việc tổ chức tour du lịch mạo hiểm của công ty trên tại thác Hang Cọp là hoàn toàn trái phép. Câu hỏi đặt ra là liệu cơ quan quản lý có rút được thêm kinh nghiệm gì mới sau vụ việc này, để tránh những tai nạn thương tâm, đáng tiếc xảy ra, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Đà Lạt và niềm tin của du khách.

Phải làm rõ bản chất vụ tai nạn

Ngày 24-2-2017, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung đã ký ban hành công văn hỏa tốc số 177/TCDL-LH gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc xử lý vụ tai nạn tại thác Hang Cọp.

Trong đó, Tổng cục Du lịch đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng, khẩn trương xác minh, điều tra, làm rõ bản chất vụ tai nạn xảy ra tại khu du lịch thác Hang Cọp, có kết luận chính thức về các vi phạm pháp luật của các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. 

Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở VH-TT&DL Lâm Đồng phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá nghiêm túc tình hình kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt trong việc tổ chức các chương trình du lịch có tính chất mạo hiểm phục vụ khách du lịch là người nước ngoài; các điều kiện tổ chức, khai thác và vận hành kinh doanh tại các khu, điểm du lịch nơi có các hoạt động du lịch mạo hiểm, có nguy cơ rủi ro cao trong quá trình thực hiện.