Tai nạn liên hoàn trên phố Tôn Đức Thắng: Tài xế nên làm gì khi gây tai nạn?

ANTD.VN - Thời gian qua, ở nước ta đã xảy ra không ít những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Từ thực tế cho thấy, trong lúc hoảng loạn, nhiều tài xế vẫn chưa biết cách xử lý tình huống sau khi gây tai nạn.

Một thông tin trên ANTĐ cho biết, vụ tai nạn liên hoàn xảy ra trên phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội chiều 28-9, giữa 7 phương tiện đã khiến ít nhất 3 người bị thương.

Chiếc xe máy bị kẹt dưới gầm xe taxi

Sự việc xảy ra vào khoảng 15h30, trên chiều đường hướng từ phố Xã Đàn đi Nguyễn Thái Học, đoạn qua số nhà 281. Hiện trường vụ tai nạn là 2 ô tô, 4 xe máy và 1 xe buýt.

Theo một số nhân chứng, chiếc xe ô tô Huyndai đâm vào 2 xe máy và xe taxi lưu thông phía trước. Cùng lúc đó, 2 chiếc xe máy đi phía sau đã va vào xe buýt chạy tuyến Bác Cổ - Yên Nghĩa. Hậu quả khiến ít nhất 3 người bị thương, và đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Các phương tiện nằm ngổn ngang tại hiện trường

Theo ghi nhận, cả 7 phương tiện đều bị hư hỏng. Vụ tai nạn khiến giao thông trên phố Tôn Đức Thắng bị ùn tắc cục bộ; và đến khoảng 17h, lực lượng chức năng đã thông tuyến, sau khi di chuyển các xe bị tai nạn khỏi hiện trường.

Vụ tai nạn liên hoàn xảy ra trên phố Tôn Đức Thắng đã “nối dài” thêm danh sách những vụ tai nạn nghiêm trọng ở nước ta trong thời gian qua.

Vụ việc này tuy chưa xác định chính xác nguyên nhân, nhưng trên thực tế, đã từng có nhiều trường hợp xảy ra xô xát giữa các bên liên quan, thậm chí là hành hung do hiểu lầm và mâu thuẫn. Lúc này, có một số tài xế tìm cách rời khỏi hiện trường.

Tài xế rời khỏi hiện trường có bị coi là bỏ trốn không?

Khi gây tai nạn giao thông thì tài xế phải kịp thời xử lý, ứng cứu với người bị tai nạn. Cụ thể, pháp luật hiện hành có những quy định như sau:

Theo quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008 23/2008/QH12 về nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ thì, người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Khoản 17 Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm cũng nêu rõ việc bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là một hành vi bị ngăn cấm.

Tuy nhiên có nhiều trường hợp sau khi gây ra tai nạn giao thông, bản thân người điều khiển phương tiện ý thức được trách nhiệm của mình đối với người bị thiệt hại nhưng do vì những lý do khách quan như là nếu ở lại hiện trường thì rất có thể sẽ bị người dân hoặc người thân của nạn nhân hành hung hoặc có hành động quá khích. Trong những trường hợp này, pháp luật cho phép người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan trực tiếp tới vụ tai nạn được phép rời khỏi hiện trường. Nhưng việc rời khỏi chỉ là tạm thời và sau đó phải đến trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất, còn việc bỏ trốn khỏi hiện trường và trốn tránh luôn cả trách nhiệm là hành vi vi phạm pháp luật.

Tài xế nên làm gì khi gây tai nạn?

Về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông thì Điều 38 Luật giao thông đường bộ 2008 có quy định như sau:

Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;

c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp, nếu lái xe là đối tượng gây ra hậu quả nghiêm trọng mà bỏ trốn thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, mức phạt từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng hoặc nếu hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Còn khi tìm hiểu vụ việc, mà nguyên nhân chính không phải do lái xe thì sẽ do các bên thỏa thuận giải quyết nhưng về nguyên tắc lái xe không được bỏ hiện trường mà không trình báo.