Tái lập trình tế bào não - bước đột phá mới

ANTĐ - Từ  rất lâu, các nhà khoa học đã nhận định, bộ não là một loại “hộp đen”, những hoạt động bên trong hộp đen này phần lớn là bí ẩn. Nhưng gần đây, cơ quan đặc biệt này đã bắt đầu được khám phá, một phần nhờ vào các bước tiến đạt được trong lĩnh vực di truyền học. 

Tái lập trình tế bào não chữa được nhiều bệnh nguy hiểm

Các nhà thần kinh học làm việc tại trường Đại học Geneva, Thụy Sĩ đã đạt được một bước đột phá có thể mở ra một cái nhìn rộng lớn hơn trong việc “sửa chữa” những phần não bị tổn hại. Các nhà nghiên cứu đã mở hộp sọ của chuột, sao cho chúng vẫn còn sống và tái lập trình một số tế bào thần kinh. Nói cách khác, các nhà nghiên cứu đã thay đổi chức năng ban đầu của các tế bào não chuột.

Chúng ta đã từng biết, vỏ não có 6 lớp riêng biệt, mỗi lớp có những tế bào thần kinh đặc trưng. Jabaudon giải thích rằng: “Trong số đó, các dây thần kinh đồi não nhận tín hiệu từ bên ngoài trước tiên. Trong lớp võ não khác, có thể tìm thấy dây thần kinh tủy sống chịu trách nhiệm về phản ứng vận động với bên ngoài và kết nối vỏ não với tủy sống”. Nếu so sánh ẩn dụ bộ não với hộp đen thì đầu tiên là lối vào, nơi bộ não tiếp nhận thông tin và sau đó là cửa ra.

Jabaudon khẳng định rằng, nhóm nghiên cứu của ông sử dụng chuột mới sinh, từ khi vỏ não của chúng còn chưa phát triển hoàn chỉnh, linh hoạt hơn chuột trưởng thành. Thực tế là, hai loại tế bào thần kinh được kết hợp lại để tạo nên sự biến đổi trong não về cơ bản có “quan hệ họ hàng với nhau” về mặt di truyền học. Điểm quan trọng nhất là đảm bảo những tế bào thần kinh cuối cùng không phải là tế bào lại vừa làm chức năng của tế bào gốc, vừa đảm nhận chức năng của tế bào mới. Jabaudon cho biết: “Đó là sự biến đổi hoàn toàn khả năng của các tế bào gốc”.

Những ứng dụng tiềm năng này có thể áp dụng được trong rất nhiều trường hợp: “Có thể tái lập trình các tế bào thần kinh ở võ não của con người khi những tế bào thần kinh này không hoạt động được nữa. Những bệnh nhân điển hình có thể là những người bị ảnh hưởng bởi bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS)”. Cầu thủ bóng chày người Mỹ - Lou Gehrig và nhà vật lý thiên văn người Anh - Stephen Hawking từng mắc phải căn bệnh thoái hóa thần kinh này, dần dần căn bệnh này làm tê liệt toàn bộ hệ thống cơ bắp tứ chi.

Các nhà nghiên cứu ở Geneva khẳng định rằng “sẽ tiếp tục thí nghiệm này trên tế bào thần kinh của một cơ thể hoàn toàn trưởng thành”.