"Sức nóng" giành vé vào lớp 10 công lập không "hạ nhiệt"

ANTD.VN - Chỉ còn tháng rưỡi nữa hơn 100.000 học sinh lớp 9 Hà Nội sẽ bước vào kỳ tuyển sinh cạnh tranh khốc liệt giành 60.000 suất vào lớp 10 THPT công lập. Việc ôn thi càng căng thẳng hơn khi số phận của các thí sinh hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả 4 môn thay vì được hưởng điểm cộng từ học bạ như các năm học trước.

* 100.000 học sinh cạnh tranh 60.000 suất 

"Sức nóng" giành vé vào lớp 10 công lập không "hạ nhiệt" ảnh 1Hơn 100.000 học sinh lớp 9 Hà Nội sẽ bước vào kỳ tuyển sinh cạnh giành khốc liệt tranh 60.000 suất vào lớp 10 THPT công lập. Ảnh: Thanh Hải

Giảm 4.000 học sinh nhưng căng thẳng không bớt

Theo Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, số học sinh lớp 9 xét tốt nghiệp THCS năm nay đã giảm khoảng 4.000 em so với năm 2018. Lượng thí sinh giảm nhưng số lượng tuyển vào trường công lập dự kiến cũng giảm nhẹ do các trường đã đẩy hết công suất phòng học cho năm 2018 nên “sức nóng” trong cuộc đua giành tấm vé vào lớp 10 công lập vẫn không hề “hạ nhiệt”.

Cùng với đó, bà Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, 2019-2020 là năm học đầu tiên thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10. Kỳ thi năm nay, bài thi sẽ quyết định toàn bộ số phận của thí sinh. Theo đó, thay vì kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển học bạ 4 năm ở bậc THCS như năm học trước, kỳ thi vào 10 tại Hà Nội năm nay chỉ dựa vào kết quả thi tuyển của học sinh.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng quy định không áp dụng việc cộng điểm khuyến khích chứng chỉ nghề... trừ một số trường hợp thuộc diện ưu tiên. Như vậy, học sinh sẽ không được điểm cộng khuyến khích hay điểm học bạ trong kỳ thi năm nay. Chính vì những thay đổi như vậy, nếu không nghiêm túc ôn luyện, học sinh lập tức bị loại khỏi cuộc chạy đua tuyển sinh vào lớp 10.

Điều khiến phụ huynh căng thẳng là trong số hơn 100 trường công lập thì các trường nội thành đang giảm mức chênh lệch điểm giữa các tốp đầu và giữa. Điều này khiến cho học sinh có thể bị trượt công lập dù điểm không thấp nếu đăng ký không phù hợp với 2 nguyện vọng của mình. Trong khi đó, việc trượt công lập đồng nghĩa với việc phụ huynh sẽ phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ để cho con theo  học trường ngoài công lập mà chưa chắc chắn về chất lượng dạy và học. 

“Năm trước nhìn các vị phụ huynh hốt hoảng chạy sô từ trường này sang trường khác rút hồ sơ mà không được lại còn mất các loại tiền đặt cọc, nhìn mà thấy lo lắng cho con mình. Không biết đến bao giờ học sinh mới bớt áp lực tìm chỗ học như hiện tại” - chị Nguyễn Thúy Hằng, phụ huynh học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, Cầu Giấy chia sẻ.

Kín đặc lịch học thêm để đối phó 4 môn thi

Nếu như năm trước học sinh cầm chắc số điểm quy đổi từ học bạ 4 năm THCS và chỉ phải thi 2 môn Văn, Toán thì năm nay, kết quả đỗ hay trượt chỉ phụ thuộc vào 4 môn thi, trong đó, lần đầu tiên thí sinh phải thi Ngoại ngữ và Lịch sử.

Chia sẻ về lịch học thêm của mình, Nguyễn Minh Hằng, trường THCS Đống Đa cho biết, sắp tới nhà trường sẽ bố trí tập trung ôn 4 môn thi cho cả ngày. Còn hiện giờ ngoài giờ chính khóa, trung bình học sinh lớp 9 như Hằng phải học thêm 2 ca nữa buổi chiều cho Toán hoặc Văn, tối vẫn phải tranh thủ một ca tiếng Anh còn Lịch sử chủ yếu là phải tự ôn. Em và các bạn hiện rất căng thẳng và mệt mỏi vì nếu chỉ sơ suất, làm bài thi không tốt sẽ mất cơ hội vào trường công lập trong cả 3 năm THPT.

Không chỉ “căng mình” với môn Toán, Văn, Anh, nhiều em khác cũng đang “lo sốt vó” với môn Lịch sử. “Chương trình Lịch sử lớp 9 khá nặng, trong khi năm nay thi trắc nghiệm, nội dung kiến thức trải rộng nên các thầy cô yêu cầu không được bỏ qua bất cứ nội dung gì trong chương trình học” - Nguyễn Tuấn Minh, học sinh THCS Lê Quý Đôn cho biết. 

Được biết, năm nay trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT học sinh có thể chọn một ngoại ngữ bất kỳ để dự thi. Sở GD-ĐT Hà Nội quy định, học sinh có thể đăng ký ngoại ngữ thi bất kỳ (tiếng Anh, Pháp, Nhật, Đức - tùy theo khả năng, không bắt buộc phải là môn ngoại ngữ được học ở cấp THCS). Trừ những học sinh thi vào lớp tiếng Đức (hệ 7 năm) của trường THPT Việt - Đức thì ngoại ngữ thi bắt buộc phải là tiếng Đức.

“2019-2020 là năm học đầu tiên thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10. Kỳ thi năm nay, bài thi sẽ quyết định toàn bộ số phận của thí sinh. Theo đó, thay vì kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển học bạ 4 năm ở bậc THCS như năm học trước, kỳ thi vào 10 tại Hà Nội năm nay chỉ dựa vào kết quả thi tuyển của học sinh”.

Bà Nguyễn Thu Hà (Phó trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội)