Sử dụng giấy tờ giả, thuê người "đóng thế" đi công chứng

ANTD.VN -Thời gian gần đây, tình trạng giả mạo giấy tờ, người khác khi đi công chứng đang là vấn đề nghiêm trọng tại Hà Nội và nhiều địa phương. Số vụ việc đã bị phát hiện ngày càng tăng với thủ đoạn tinh vi, phức tạp khiến nhiều người dân lo lắng, cơ quan chứng thực và các công chứng viên (CCV) cảm thấy bất an, tác động xấu đến việc bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính.

Làm giả giấy tờ nhà đất, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng

Cách đây không lâu, CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Quang Huy (34 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Nguyễn Quang Huy đã sử dụng giấy tờ giả “qua mặt” các văn phòng công chứng để làm thủ tục chuyển nhượng 5 căn hộ mà đối tượng này thuê dài hạn. Với thủ đoạn này, Huy đã bán trót lọt nhiều căn hộ và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khoảng 10 tỷ đồng.

Với hành vi tương tự, Cơ quan CSĐT - CAT Hải Dương đã khởi tố bị can, ra lệnh truy nã Lê Thị Hạnh (45 tuổi, ở thôn Đồng Bửa, xã Thanh Bính, Thanh Hà) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, đơn vị.

Bằng mắt thường rất khó phân biệt đâu là "Sổ đỏ" giả, đâu là "Sổ đỏ" thật (ảnh minh họa)

Lê Thị Hạnh đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng 2 thửa đất ở xã Thanh Bính rồi bán với giá 400 triệu đồng, đồng thời làm giả giấy cam kết và khế ước nhận nợ của một ngân hàng thương mại tại Hải Dương để lừa vay đáo hạn 3,4 tỷ đồng rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

Còn tại TP. HCM, tháng 8/2018, bị cáo Trần Văn Lắm (49 tuổi, ở huyện Củ Chi) đã bị TAND TP.HCM tuyên phạt 10 năm tù vì đóng giả chủ đất để bán đất.

Chủ đất thực sự là ông Trần Văn Dinh (54 tuổi) có mảnh đất gần 2.000m2, muốn chuyển mục đích từ đất vườn thành đất ở nên đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ủy quyền cho một người để thực hiện các thủ tục.

Một thời gian sau, ông Dinh không thấy người này thực hiện thỏa thuận và cũng không liên lạc được nên đã làm đơn xin cấp lại “Sổ đỏ”thì mới biết thửa đất của ông đã được chuyển nhượng cho một người tên Nguyễn Đông Cung. Sau khi xác minh, Công an TP.HCM đã xác định Trần Văn Lắm là người đóng giả ông Dinh ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất nêu trên.

Thủ đoạn tinh vi

Có thể nói, hành vi giả mạo phổ biến nhất diễn ra trong thời gian qua là giả mạo giấy tờ, hồ sơ để mang đi công chứng, chứng thực. Các loại giấy tờ làm giả rất đa dạng, từ bằng tốt nghiệp cấp 3, tốt nghiệp đại học, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất; hợp đồng mua bán căn hộ, đăng ký ô tô, xe máy...

Bà N.T.T - một CCV có thâm niên 10 năm hành nghề công chứng tại Hà Nội cho biết, một số đối tượng làm giấy giả thường đóng vai "cò" đất hoặc người mua đi tìm nhà, đất để đầu tư. Khi gặp chủ đất thật, đối tượng này thường xin chụp, photo giấy tờ rồi lấy các thông tin có trên giấy thật như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, vị trí đất… in lên giấy giả. Có đối tượng còn vào website mua bán BĐS lấy thông tin để làm giấy tờ giả.

Bên cạnh việc làm giả giấy tờ, nhiều đối tượng còn sử dụng người “đóng thế” khi công chứng. Như trường hợp một bên vợ hoặc chồng muốn bán tài sản mà bên kia không đồng ý, người còn lại đã bí mật nhờ người khác đóng thế đi ký tên mua bán. Nghiêm trọng hơn, nhiều kẻ lừa đảo còn đóng giả cả bên mua lẫn bên bán, sử dụng giấy tờ nhà đất giả giao dịch, qua mặt CCV,  Văn phòng đăng ký đất đai.

Thậm chí, có đối tượng mang giấy tờ thật nhưng không có giá trị pháp lý ở thời điểm sử dụng đi công chứng như công chứng hợp đồng cho người đã chết; công chứng hợp đồng mua bán nhà đất đối với “Sổ đỏ” không còn giá trị; công chứng hợp đồng mua bán nhà đối với tài sản đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn giao dịch…

Đặc biệt, có những trường hợp giấy tờ giả được làm bằng phôi thật, chữ ký và con dấu giả nhưng thông tin trong giấy tờ hoàn toàn trùng hợp với thông tin giao dịch trước đó. Điều này kiến các CCV già dặn kinh nghiệm cũng khó có thể phát hiện. Đặc biệt là các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp. Ngoài ra, một số đối tượng khi đi công chứng giấy tờ giả để tránh bị phát hiện thường đến VPCC ở địa phương khác để công chứng.

"Hậu quả của các hành vi lừa đảo nêu trên là khá nghiêm trọng. Không ít tổ chức, cá nhân bị lừa, bị chiếm đoạt hàng tỉ đồng, còn CCV thì bị xử lý hình sự do sai sót về nghiệp vụ, không phát hiện được giấy tờ giả. Tuy vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người yêu cầu công chứng vi phạm còn hạn chế. Chế tài xử lý đã có song dường như còn quá nhẹ chưa đủ mức phòng ngừa, răn đe" - bà T nhận định.

(còn tiếp)