Khủng hoảng kinh tế và mâu thuẫn gia đình:

Số vụ tự tử tăng chóng mặt

ANTĐ - Chưa bao giờ số vụ tự tử được ghi nhận ở nước ta lại tăng chóng mặt như hiện nay, nhất là các đối tượng trẻ tuổi, thanh thiếu niên và phụ nữ. Các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này cảnh báo, đây là một thực trạng đáng buồn, xu hướng chung của các nước đang phát triển nhưng hoàn toàn có thể ngăn chặn, hạn chế được.

Những câu chuyện đau lòng

Hơn 10 năm làm việc phân luồng giao thông trên cầu Chương Dương, Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông - CATP Hà Nội giờ được rất nhiều người dân Thủ đô biết đến như một người hùng vì ngăn chặn thành công rất nhiều vụ nhảy cầu tự tử. Tâm sự với chúng tôi, ông Đoàn cho biết bản thân ông hiện cũng không nhớ nổi số vụ tự tử trên cầu Chương Dương mà ông ngăn được là 15, 20 hay nhiều hơn nữa. Thế nhưng điều khiến ông day dứt, trăn trở nhất là trong hàng chục năm làm việc ở khu vực này, tần suất số vụ tự tử mà ông phải chứng kiến mỗi năm lại xảy ra dày đặc hơn. 

Thượng tá Đoàn kể: “Cuối tháng 6-2012, tôi cùng đồng đội ngăn chặn thành công vụ một người mẹ trẻ vì bực tức gia đình đã cố ý đẩy đứa con ruột của mình mới chưa đầy 10 tuổi xuống sông, định sau khi đẩy con sẽ nhảy xuống tự tử theo. Vụ việc này còn chưa kịp lắng xuống thì đến giữa tháng 8 vừa qua, trong lúc đang làm việc, chúng tôi lại nhận được tin báo của người dân có một phụ nữ trẻ đang trèo qua lan can cầu định nhảy xuống tự tử. Người phụ nữ đó 28 tuổi, vừa mới sinh con được 10 tháng, bị khủng hoảng tâm lý nặng do mâu thuẫn với gia đình. Chỉ vì đồng tiền kiếm được khó khăn mà chồng chị đối xử tệ bạc với vợ con, thậm chí đánh cả mẹ vợ lặn lội từ miền Nam ra chăm sóc cháu ngoại. Lập tức có mặt tại hiện trường, chứng kiến đôi mắt người phụ nữ trẻ đờ đẫn, tê dại, đứng trên ống dẫn nước ngoài lan can cầu, phía dưới là dòng sông Hồng chảy xiết, phải khéo léo lắm, chúng tôi mới kéo được cô ấy từ cái chết trở về...”.

Giống như Thượng tá Đoàn, bác sĩ Nguyễn Hương Xuân, nguyên Trưởng khoa Tâm thần Nhi – BV Tâm thần trung ương 1 đã từng chứng kiến khoảng hơn 30 ca tự tử, có ý định tự tử ngay trong khoa mà bà làm việc. Bà Xuân kể, tại BV Tâm thần trung ương, ngoại trừ các bệnh nhân bị tâm thần bẩm sinh hoặc sau các tai nạn thì đa phần là những đối tượng bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tâm thần nhưng phần lớn là do mâu thuẫn gia đình, lý do khủng hoảng kinh tế, thu nhập thấp, áp lực công việc, thi cử, phụ nữ bị xâm hại tình dục… Rất nhiều trong số những người này từng có ý định tự tử. Bác sĩ Xuân chia sẻ, “với những bệnh nhân nảy sinh hành vi tự tử trong lúc lên cơn thần kinh thì có thể can thiệp, ngăn cản được nhưng nếu người ta tỉnh táo mà có ý định tự tử thì rất khó phòng ngừa. Có những bệnh nhân đã tỉnh táo, được cho ra viện nhưng trước khi ra viện thì tự tử. Có những bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn, được cho xuất viện nhưng sau khi chồng đón về nhà thì lại tìm đến cái chết”. 

Một thanh niên nhảy cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) tự tử

Xã hội ngày càng vô cảm

 Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ thực tế, qua tiếp xúc và ngăn chặn thành công nhiều vụ tự tử hoặc ý định tự tử trong những năm qua, Thượng tá Lê Đức Đoàn và bác sĩ Nguyễn Hương Xuân đúc kết được một kinh nghiệm quý báu rằng, những người có ý định tự tử, trước khi thực hiện hành vi thường rơi vào 1 trong 2 trạng thái cảm xúc, hoặc là đờ đẫn, ngây dại, không làm chủ được bản thân, hoặc là tâm thần cực kỳ hoảng loạn.

Muốn ngăn chặn được tự tử, tất nhiên phải giải quyết được gốc rễ, nguyên nhân khiến người bệnh nảy sinh ý định tự tử nhưng đây là điều bất khả thi. Dù vậy, bác sĩ Xuân hay Thượng tá Đoàn đều tin rằng, chính lối sống công nghiệp ngày càng vô cảm, con người chỉ quan tâm đến bản thân mình và gia đình, thờ ơ, vô cảm với cộng đồng đã góp phần khiến số vụ tự tử xảy ra nhiều hơn. Thực tế, nếu xã hội không vô cảm, mỗi người dân khi chứng kiến các hành vi tự tử xảy ra ở nơi công cộng không thờ ơ đứng nhìn mà cố gắng tìm biện pháp giúp đỡ, cứu vớt họ… thì sẽ hạn chế được rất nhiều.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP) cho biết, cũng giống như các nước đang phát triển, số vụ tự tử được ghi nhận ở nước ta đang gia tăng nhanh chóng. Tổng hợp 5 nghiên cứu về vấn đề tự tử ở Việt Nam từ năm 2001 đến nay cho thấy, có khoảng 2,6 đến 25,4% người dân từng có ý định tự tử, khoảng 1,1-15,6% số người từng có kế hoạch tự tử, trong đó số người thực hiện hành vi tự tử là 0,4-4,2% (tùy theo từng nghiên cứu, từng thời điểm nghiên cứu khác nhau).

Đáng chú ý, những nghiên cứu này đều chỉ ra một điểm chung là phần lớn người tự tử không có vấn đề bệnh lý về tâm thần trước đó. Độ tuổi tự tử nhiều nhất là 15-30 tuổi. Một đặc điểm nữa là ý nghĩ tự tử có mối liên hệ rõ ràng với tình trạng hôn nhân, thu nhập thấp, lối sống. Vì vậy, dễ hiểu khi nền kinh tế biến động, khủng hoảng hay sau mỗi đợt thi cao đẳng-đại học… thì số vụ tự tử lại tăng đột biến. Theo bà Vân Anh, tự tử là hiện tượng có thể phòng ngừa, ngăn chặn được nhưng đáng tiếc là hiện ở nước ta chưa có sự quan tâm thỏa đáng đền điều này.