Sơ cứu đúng cách khi trẻ uống nhầm hóa chất

ANTD.VN - Ngay lập tức móc họng gây nôn hay vội vàng hô hấp khi thấy con uống nhầm hóa chất là phản ứng thường thấy ở các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, trên thực tế, hành động này hại nhiều hơn lợi.

Cha mẹ sơ suất, con gặp họa

Cuối tháng 10-2016, một bé trai 4 tuổi ở Bình Dương đã phải nhập viện cấp cứu vì uống nhầm dung dịch Aceton - loại dùng để rửa móng tay. Người mẹ đã đựng Aceton vào chai trà xanh không độ và để trên bàn. Do tưởng nhầm là nước ngọt, bé đã với lấy để uống, sau đó nôn ói và kêu khóc. Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định cháu bé bị bỏng nước ở vùng miệng, cũng may, tổn thương không quá nghiêm trọng nên đã được xuất viện sau đó 2 ngày.

Trường hợp của bé trai trên không phải là đầu tiên và duy nhất phải cấp cứu vì uống nhầm hóa chất. Trong những năm gần đây, ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng do sự bất cẩn của người lớn. Đa phần, các hóa chất đều được đựng trong vỏ chai nước ngọt khiến trẻ nhầm tưởng nên khi uống phải đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. 

Cách đây không lâu, tại TP.HCM, một bé trai 2 tuổi rưỡi cũng đã phải nhập viện Nhi đồng 1 với biểu hiện lừ đừ, nhiều đàm nhớt, đồng tử co nhỏ 1mm. Nguyên nhân cũng bởi gia đình đã để thuốc sâu trong chai nước ngọt khiến bé tưởng nhầm và uống phải. Rất may mắn, nhờ điều trị tích cực, cháu bé này cũng đã được xuất viện. Qua đó có thể thấy, chỉ một chút bất cẩn có thể khiến các bậc cha mẹ phải ân hận suốt đời. 

Đa phần, khi uống phải hóa chất, trẻ thường có biểu hiện như: đau họng, đau miệng, đau bụng; môi lưỡi phồng rộp, khó thở; cánh mũi phập phồng, co hõm ức; nặng hơn là cơ thể tím tái, mạch đập nhanh… Trên thực tế, do sơ cứu không đúng cách cũng như không kịp thời mà nhiều trẻ đã phải gánh chịu những tổn thương nặng nề, thậm chí là tử vong.

Năm 2015, 4 bé trai ở Hưng Yên uống nhầm bột thông cống do tưởng là đường đã phải nhập viện trong tình trạng sốt cao, môi tím, loét sâu vùng miệng và hạ họng, kèm theo nhiễm trùng, đau bụng, không nuốt được. Có cháu với tiên lượng xấu được chỉ định phải cắt bỏ thực quản vì những tổn thương quá nặng.

Mỗi loại hóa chất một kiểu sơ cứu

Khi thấy con uống nhầm hóa chất, hầu hết cha mẹ đều cảm thấy vô cùng hoảng sợ. Nhiều người thậm chí còn vội vàng hô hấp nhân tạo hay móc họng gây nôn cho con. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), nếu không biết hóa chất trẻ uống nhầm là gì thì việc này vô cùng nguy hiểm. Bởi lẽ, với các chất có tính kiềm, axit, xăng dầu… khi kích thích gây nôn sẽ khiến hóa chất tràn vào khí quản, gia tăng mức độ ngộ độc. Mặt khác, các chất này dễ bay hơi nên nếu hô hấp nhân tạo, chúng ta sẽ vô tình hít phải khí này và bị ngộ độc.

Thế nên, khi thấy trẻ bị ngộ độc, theo bác sĩ Thường, điều đầu tiên cha mẹ phải thật sự bình tĩnh, xem đó là loại chất nào. Với các loại axit (nước tẩy bồn cầu, acetone…), bazo (xà phòng tắm, nước rửa bát, dầu gội…) bạn hãy cho trẻ uống từng ngụm nước nhỏ để có thể trung hòa lượng hóa chất đã đưa vào cơ thể. Chỉ cần cho trẻ uống nước lọc, không phải là nước chanh, nước muối hay dung dịch điện giải. Khi cho trẻ uống, bạn phải thật cẩn thận, tránh tình trạng bị sặc vì khi đó sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm hơn.

Với trường hợp ngộ độc thuốc trừ sâu, bố mẹ cần móc họng gây nôn cho trẻ. Tuy nhiên, việc gây nôn chỉ nên tiến hành khi trẻ còn tỉnh táo. Trường hợp trẻ lơ mơ hay đã ngất lịm, tuyệt đối không móc họng gây nôn. Lúc này, bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tiến hành rửa ruột.

Khi thấy con uống nhầm hóa chất, nhiều cha mẹ thường đổ lỗi do trẻ quá nghịch ngợm, tuy nhiên, sự thật là tất cả các hậu quả này đều do lỗi bất cẩn của người lớn gây nên. Do đó, để không phải nói “giá như” một cách đầy tiếc nuối, bạn cần để các hóa chất tránh xa tầm với của trẻ. Nếu đựng chúng trong các chai nước ngọt, cần xé nhãn mác và vẽ hình đầu người nguy hiểm vào đó để cảnh báo.