Sinh chuyện cũng vì "chủ nghĩa lý lịch" nặng nề

ANTD.VN - Tuần trước, dư luận cả nước xôn xao vì 2 vụ việc liên quan tới việc chính quyền xác nhận sơ yếu lý lịch của người đi xin việc và tân sinh viên nhập học ở Hải Dương và Hà Nội. 

Những thứ tưởng chừng rất đơn giản, đã được pháp luật quy định rõ ràng, từng triển khai qua nhiều năm nhưng vẫn bị thực hiện sai lệch hoặc làm cho phức tạp lên.

Những vụ việc gây bức xúc như thế này có phần trách nhiệm của nhiều cơ quan, từ Trung ương tới địa phương. Cán bộ xã, phường vì muốn được việc của mình, không cần biết tới hệ lụy cho công dân, lại thêm yếu kém về nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật hạn chế nên cứ “mạnh dạn” bút phê ẩu vào sơ yếu lý lịch của công dân.

Ngành Tư pháp với trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật cũng lơi lỏng trách nhiệm để xảy ra sự mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống quy định do các bộ, ngành ban hành; dù đã có nhắc nhở (từ năm 2014) nhưng không thường xuyên theo dõi, kiểm tra dẫn tới việc làm sai, làm ẩu của cán bộ địa phương. 

Ngành GD-ĐT cũng không “quản” hết các văn bản pháp luật đã ban hành, để lưu hành cùng lúc 2 quy định khác nhau về một sự việc khiến học sinh, sinh viên cũng như chính quyền địa phương ở vào thế “mắc kẹt”: Xác nhận thì bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” mà không xác nhận thì công dân lại nói là trường sẽ không nhận hồ sơ nhập học! 

Trả lời báo chí, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT thanh minh là từ năm 2017, tân sinh viên không phải nộp sơ yếu lý lịch nữa vì Quy chế tuyển sinh đã điều chỉnh từ đầu năm 2017. Kỳ thực, Quy chế tuyển sinh được ban hành từ năm 2008 (sau đó nhiều lần được ban hành lại vào các năm 2010, 2012, 2015) đều không yêu cầu phải nộp sơ yếu lý lịch khi nhập học. Quy định buộc các tân sinh viên phải làm điều này lại nằm ở một quyết định do Bộ GD-ĐT ban hành từ năm 2007 và tới nay vẫn chưa bị bãi bỏ.

Phải chăng, hệ thống quy định pháp luật ở Bộ này quá nhiều và phức tạp nên ngay cả cơ quan đã ban hành ra nó cũng không thể nhớ hết? Hay như giải thích của vị phó chủ tịch xã ở huyện Nam Sách, Hải Dương - người đã bút phê sai quy định vào hồ sơ xin việc - là do ông mới nhậm chức hơn 1 năm nên không nắm được lời nhắc nhở của Bộ Tư pháp từ năm 2014?

Đằng sau tất cả, dường như “chủ nghĩa lý lịch” vẫn còn nặng nề. Đi làm, đi học... đều phải nộp sơ yếu lý lịch với xác nhận của địa phương nơi cư trú (thực chất chỉ là xác nhận chữ ký). Thói quen đòi hỏi, muốn được biết tỏ tường về nhân thân, lịch sử của một con người vẫn còn ám ảnh khá sâu, thậm chí bị lạm dụng tới mức không cần thiết. Có vị đại biểu Quốc hội từng kêu gọi: “Phải bỏ qua chủ nghĩa lý lịch đi, hãy tập trung vào bản thân cá nhân đó, xem họ có đúng chuẩn không...” nhưng xem ra không mấy ai nghe lọt.