"Siêu vi khuẩn" kháng thuốc kháng sinh - nỗi đau xót của các bác sĩ

ANTD.VN - PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có tới 30% trẻ vào điều trị tại bệnh viện này có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
 

88% nhà thuốc ở thành thị vẫn bán thuốc kháng sinh mà  không cần kê đơn (Ảnh minh họa)

Lãnh đạo nhiều bệnh viện thừa nhận, vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh đang xuất hiện tại tất cả bệnh viện, thậm chí đã ghi nhận nhiều “siêu vi khuẩn” kháng hầu hết các loại kháng sinh hiện có. Điều này khiến cho việc điều trị rất khó khăn.

Tuyến dưới lạm dụng kháng sinh

Ngày 21-9, Bộ Y tế cho biết, tình trạng gia tăng các loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc kháng sinh đang trở lên rất báo động. Theo đó, càng ở bệnh viện tuyến dưới tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh càng cao. Bệnh viện bộ, ngành và bệnh viện thuộc các trường Đại học có tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh thấp nhất. Tại các bệnh viện tuyến trên, đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương… đều thừa nhận bệnh viện mình đã có các loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.000-4.000 trẻ nhỏ, đa phần là bệnh nhi rất nặng và được chuyển từ nhiều bệnh viện tuyến dưới lên, do đó tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở mức cao, kéo theo tình trạng kháng thuốc cao. “Có tới 30% bệnh nhi nhập viện có vi khuẩn kháng thuốc” - ông Trần Minh Điển cho biết. 

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, bệnh viện đã có những bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc đến mức bác sĩ cho dùng loại kháng sinh thế hệ mới nhất cũng không hiệu quả. Thậm chí đã xuất hiện những “siêu vi khuẩn” kháng hầu hết các loại thuốc kháng sinh hiện có nên bác sĩ phải kết hợp nhiều loại thuốc kháng sinh khác nhau. 

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê lý giải, việc bệnh viện tuyến huyện có tỷ lệ sử dụng kháng sinh cao nhất chủ yếu vì ở tuyến này chưa có kháng sinh đồ, bác sĩ thường điều trị bao vây bằng nhiều loại thuốc, nhiều loại kháng sinh khác nhau.

Tuy vậy, theo TS Nguyễn Văn Kính, thực trạng này còn có nguyên nhân do chất lượng thuốc kháng sinh chưa tốt, do kinh nghiệm của bác sĩ, do tâm lý và cả lợi ích nhóm khi kê đơn. Thực tế vẫn có những bác sĩ còn lạm dụng việc kê đơn kháng sinh, thậm chí chỉ định sử dụng kháng sinh theo yêu cầu của... người bệnh.

Thí điểm dùng camera giám sát nhà thuốc 

Phân tích về hậu quả do tình trạng kháng thuốc kháng sinh gia tăng, PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, hậu quả nhãn tiền là hiệu quả điều trị giảm, người bệnh phải kéo dài thời gian nằm viện, phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, thậm chí tử vong. Với các bác sĩ, việc xử lý bệnh nhân có tình trạng kháng thuốc cũng rất khó khăn.

“Ở bệnh viện chúng tôi, khi có các ca kháng thuốc kháng sinh nặng, chúng tôi phải họp bàn phối hợp giữa các bác sĩ để đưa ra phác đồ điều trị kháng sinh hiệu quả nhất; đồng thời phải kết hợp theo dõi kháng sinh trong điều trị, xác định nồng độ thuốc kháng sinh trong máu của bệnh nhân thì mới có thể đạt được hiệu quả” - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ.

PGS. TS Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh, có những bệnh mà trước đây chỉ cần một liều kháng sinh nhẹ đã đủ điều trị khỏi thì nay dù bác sĩ đã tăng liều cao nhất mà vẫn bất lực. “Nhìn người bệnh đau đớn mà không có thuốc chữa do các loại thuốc kháng sinh đều đã bị vi khuẩn kháng hết, đó là nỗi đau xót của các bác sĩ” - PGS. TS Lương Ngọc Khuê bình luận.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, nếu không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, với sự gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh như hiện nay, có thể trong 10 đến 20 năm nữa chúng ta sẽ không còn loại thuốc kháng sinh nào hiệu quả để chữa các bệnh nhiễm trùng.

Đáng chú ý, hiện nay, phần lớn kháng sinh được bán ở các hiệu thuốc nước ta không có đơn của bác sĩ, tỷ lệ này ở thành thị là 88% và 91% ở nông thôn. Mặc dù Bộ Y tế đã có thông tư quy định về bắt buộc mua thuốc kháng sinh phải có kê đơn nhưng việc xử phạt không khả thi.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tới đây, Bộ sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP). “Cần thí điểm việc ứng dụng camera, công nghệ thông tin để giám sát việc bán kháng sinh theo đơn của các nhà thuốc tại một số nơi, đặc biệt là tại thành phố lớn” - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.