Siết lại các mức xử lý vi phạm trước khi giao quyền tự chủ cho các trường đại học

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh trách nhiệm giải trình kèm với quyền tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Luật GDĐH sửa đổi (Luật 34) có một quy định được cho là tác động trực tiếp đến hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, những việc trước đây do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hay bộ chủ quản chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp thì nay phân cho cơ sở ĐH thông qua cơ chế giao quyền cho hội đồng trường, chính thức giao tự chủ cho các đơn vị.

Theo GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đặt vấn đề tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH phải bảo đảm chuẩn mực nếu không sẽ làm giảm chất lượng đào tạo ĐH.

Trước băn khoăn về chất lượng đầu vào của các trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, theo quy định, năng lực tự chủ thấp mà thực hiện quyền cao hơn thì sẽ bị siết lại. Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo sửa đổi bổ sung để trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Bộ GD-ĐT cũng đang rà soát xây dựng các văn bản, trong đó có quy chế đào tạo theo tinh thần Luật 34; Quy chế tuyển sinh, quy chế quản lý ĐH; quy chế tuyển sinh thạc sĩ và tiến sĩ.

Mục tiêu là bớt quy định mang tính hành chính, riêng lẻ từng vấn đề. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Luật số 34 mở rộng quyền tự chủ của các trường rất cao, trong đó gắn chặt trách nhiệm giải trình.

Các cơ sở giáo dục đại học cần sớm kiện toàn hội đồng trường để thực hiện quyền tự chủ theo quy định của luật

Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng của Bộ hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chuẩn về giáo dục đại học quốc gia. Tất cả các chỉ số của một cơ sở giáo dục đại học phải được công khai trên cơ sở dữ liệu này, qua đó, xã hội và các bên liên quan sẽ giám sát.

Các trường cần tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, trong đó khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học kiện toàn bộ phận thanh tra, pháp chế, tăng cường năng lực cho thanh tra đủ mạnh để chủ động rà soát, khắc phục các vấn đề của nhà trường.

Với các cơ quan chủ quản, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chủ quản trước đây nặng về tính hành chính, áp các quy định về tổ chức bộ máy, nhân sự, các chế độ khác… Với Luật GDĐH sửa đổi, các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc bộ ngành, hay địa phương phải thực hiện theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99. Vì vậy, các cơ quan chủ quản phải chủ động, minh bạch, sòng phẳng, trách nhiệm đến đâu thực hiện đúng đến đó.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng lưu ý, việc trước tiên cần làm là phổ biến, hướng dẫn, quán triệt sâu rộng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, Nghị định 99 và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, của cơ quan chủ quản, cũng như các văn bản khác đến từng giảng viên, người lao động trong nhà trường.

Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải có kế hoạch chỉ đạo kiện toàn Hội đồng trường theo lộ trình quy định, tuyệt đối không vì năng lực hay trách nhiệm còn hạn chế mà để trễ quy định này. Người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm với cơ quan chủ quản về tiến độ, chất lượng kiện toàn Hội đồng trường.