Siết chặt du lịch mạo hiểm

ANTD.VN - Du lịch mạo hiểm ở Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều du khách cũng như giới trẻ. Tuy nhiên, loại hình này tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được quản lý chặt. Tại Hội nghị triển khai kế hoạch tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch, quản lý điểm du lịch, phóng viên ANTĐ đã có cuộc trao đổi cùng ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về vấn đề này.

PV: Dự thảo về Thông tư quản lý về du lịch mạo hiểm đang được tiến hành như thế nào, thưa ông?

Ông Ngô Hoài Chung: Du lịch mạo hiểm là hình thức du lịch mới, có sức cuốn hút rất cao. Trong các loại hình du lịch, tốc độ phát triển của du lịch mạo hiểm là nhanh nhất, trong khi đó nước ta có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch mạo hiểm, về điều kiện địa hình có cả rừng cả núi, thiên nhiên hùng vĩ, cảnh quan tuyệt vời…

Do đó, phát triển hình thức du lịch mạo hiểm đã trở thành chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam. Vì điều kiện ban đầu của chúng ta còn nhiều khó khăn, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý mô hình du lịch mạo hiểm, nên đã xảy ra một số vụ tai nạn đáng tiếc ở Lâm Đồng và Lào Cai. Chính vì vậy, chúng ta nhất thiết phải có bộ công cụ để quản lý loại hình du lịch này.

Chúng tôi đang tiến hành soạn thảo, cuối tuần này sẽ đưa ra thảo luận tại Ban soạn thảo. Dự kiến đầu tháng 5, chúng tôi sẽ đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ VH-TT&DL, cổng thông tin của Tổng cục Du lịch để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp du lịch cũng như các doanh nghiệp chịu sự chi phối của ngành du lịch mạo hiểm trước khi Bộ trưởng ký quyết định ban hành.

Thông tư nhằm hướng tới những đối tượng nào, thưa ông?

Thông tư hướng tới 3 đối tượng: một là khách tham gia du lịch mạo hiểm, hai là ban quản lý khu du lịch nơi có loại hình du lịch mạo hiểm và ba là doanh nghiệp lữ hành được phép tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm.

Ba đối tượng này phải đảm bảo yêu cầu mới được tham gia vào tổ chức du lịch mạo hiểm. Đây là một loại hình du lịch rất hấp dẫn, nhưng cũng có nhiều rủi ro, chính vì thế chúng tôi khuyến cáo du khách khi tham gia phải chọn những doanh nghiệp lữ hành có thương hiệu, có kinh nghiệm tổ chức tốt để có thể đảm bảo an toàn tối đa cho du khách trong quá trình trải nghiệm. Khi tham gia du lịch mạo hiểm chúng ta phải thực hiện đúng quy trình, quy phạm của du lịch mạo hiểm, cũng như phải tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của hướng dẫn viên du lịch.

Siết chặt du lịch mạo hiểm ảnh 2Thú vị, mới mẻ nhưng du lịch mạo hiểm cần phải được quản lý chặt chẽ

Lâu nay, việc xử phạt hành chính được cho là còn nhẹ, với sự ra đời của thông tư, mức phạt với các vi phạm có được nâng lên, thưa ông?

Muốn hoạt động kinh doanh lữ hành phải có giấy phép. Lữ hành quốc tế do Tổng cục Du lịch cấp, Lữ hành nội địa do các Sở VH-TT&DL cấp. Việc tổ chức tour chui, hoạt động chui là hoàn toàn trái quy định pháp luật. Những trường hợp như vậy chúng tôi sẽ kiên quyết xử phạt, thậm chí cấm hoạt động. Trường hợp quá thời hạn giấy phép, hoặc giấy phép không đảm bảo yêu cầu, hoặc doanh nghiệp du lịch hoạt động ngoài nội dung của giấy phép thì sẽ xử phạt tùy mức độ.

Ông kỳ vọng như thế nào về việc thông tư ra đời, liệu các hoạt động kinh doanh du lịch mạo hiểm vốn đang được thực hiện khá “mạo hiểm” ở Việt Nam có được siết chặt?

Trên cơ sở thông tư được ban hành và việc xây dựng quy chế hoạt động du lịch mạo hiểm ở các địa phương, chúng ta sẽ có một hành lang pháp lý rất thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành tham gia tổ chức các tour du lịch mạo hiểm, họ sẽ biết mình được làm gì, không được làm gì. Trên cơ sở đấy, các doanh nghiệp lữ hành cũng như các điểm đến du lịch sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp, phát huy thế mạnh của địa phương mình. Về khách du lịch, khi thấy các sản phẩm du lịch mạo hiểm tại Việt Nam đảm bảo an toàn, an ninh tốt hơn, họ sẽ yên tâm hơn, khách tham gia trải nghiệm cũng tăng lên. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!