Shisha dễ nghiện như ma túy

ANTĐ - Shisha được biết đến như thú tiêu khiển “sành điệu” của bộ phận giới trẻ hiện nay. Song, nếu người hút sử dụng thường xuyên sẽ hình thành thói quen khó bỏ, thậm chí có thể gây nghiện không kém gì ma túy…

Hút là lên mây…

Lượng khí CO mà người hút shisha hít vào cao gấp ít nhất 4-5 lần so với một điếu thuốc lá

Lan Phương, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết: “Chơi shisha khá thú vị và tương đối lành mạnh. Hơn nữa, shisha có rất nhiều hương vị như dâu, táo, nho, cà phê... nên con gái bọn em rất mê. Cuối tuần nào em và một nhóm bạn thân cũng tổ chức đi hút shisha, mỗi “ca” kéo dài cả tiếng đồng hồ. Đây cũng là cách để em quên đi cơn nghiện thuốc lá của mình”. Mặc dù xuất hiện ở Việt Nam chưa lâu, nhưng đến nay shisha đã trở nên quen thuộc với những bạn trẻ ở Hà Nội. Tuy nhiên, Lan Phương cũng tâm sự: “Ai chưa từng hút shisha thì cho rằng chơi shisha không tốn kém nhưng một khi đã trở thành tín đồ của nó thì cháy túi là chuyện bình thường. Từ ngày hút shisha tháng nào tiền tiêu vặt của em cũng hết 1-2 triệu đồng. Chưa kể việc đêm nào cũng lang thang ở các quán shisha trong khu vực phố cổ khiến việc học hành của em bị ảnh hưởng”.

 Hiện nay, ở khu vực phố cổ như Nguyễn Thượng Hiền, Mã Mây… có khá nhiều quán shisha mang phong cách Ả rập, được nhiều bạn trẻ thường xuyên lui tới vào các ngày cuối tuần. Shisha là kiểu hút thuốc qua ống nước, thịnh hành ở nhiều quốc gia.

Trong đó những loại thảo mộc tạo mùi thơm được đốt cách nhiệt bằng than, qua một ống nước và người dùng hút khí vào bằng ống. Cách hút này đã phổ biến đến nhiều nước châu Á và các nước phương Tây. Chính vì shisha mang hương vị trái cây nên mặc dù nhiều người có cảm giác “phê thuốc” sau khi hít nhưng ai cũng nghĩ nó vô hại. “Có lần vì quá buồn, em tìm đến một quán shisha trên phố Hàng Bạc để giải khuây. Vừa rít được vài hơi thì cảm thấy buồn ngủ vô cùng. Chẳng biết họ có pha thêm loại thuốc nào khác vào bình hút hay không nhưng phải mất mấy ngày sau cảm giác đó mới hết. Từ lần đó, mỗi lần bạn bè rủ đi hút shisha em đều từ chối”, Tuấn Anh, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Kiến trúc thổ lộ. Theo Tuấn Anh, chơi shisha rất đa năng, người chơi có thể thiên biến, vạn hoá cho vào bình hút bất cứ thứ gì mình muốn, thích “nặng đô” lên một chút thì cho thêm rượu vào, mà thích “phê” nữa thì đổi thuốc hương liệu bằng Marujiana (tài mà), dân chơi ma tuý gọi đó là quất pin. 

Là tín đồ của shisha, Mai Lam, học sinh lớp 12, một trường THPT trên địa bàn quận Hoàn Kiếm kể lại: “Cách đây 2 tuần do lấy hết tiền đóng học thêm để đi hút shisha, nên em đã mang chiếc laptop bố mẹ mới mua cho đem đi cầm đồ. Khi bị phát hiện, bố mẹ tưởng em là nghiện ma túy nên bắt em đi thử nước tiểu. Thấy kết quả âm tính, bố mẹ em mới thở phào, nhưng từ đó đến nay em đã bị bố mẹ “cấm vận” và bắt em không được hút shisha nữa. Mặc dù vậy, thi thoảng em vẫn đi hút trộm cùng đám bạn… Em có cảm giác rất dễ chịu và thoải mái khi hút shisha. Đó cũng là lý do em không thể từ bỏ nó…”.

Nguy hại cho sức khoẻ

Một bình hút shisha có giá khoảng 110.000-150.000 đồng dành cho 5-6 người. Nhưng nếu trót “nghiện”, đi hút shisha một mình và ngày nào cũng làm bạn với nó thì chi phí hàng tháng cũng đến bạc triệu. Song không ít bạn trẻ thuộc diện con nhà có điều kiện sẵn sàng mua hẳn bộ hút shisha với giá xấp xỉ 100 USD, cùng các loại hương liệu như Alfakher, Nkahala với giá khoảng 1  triệu đồng/kg, về hút tại gia cho tiện.

Những bộ hút shisha cũng được bày bán tràn lan bên ngoài các cửa hàng, bên ngoài có ghi tiếng Trung Quốc, Thái Lan. Cụ thể, bình chứa có tác dụng giữ than và thuốc, theo quy tắc, bắt buộc phải được làm bằng đất sét hoặc cẩm thạch thì nhiều bình được bày bán bên ngoài chỉ có một lớp nhựa trong suốt, van làm sạch để khử khói đọng lại bên trong cũng không có. Tuấn Hùng, sinh viên Học viện Ngân hàng từng rất mê shisha kể về một lần bị ngộ độc: “Thấy bạn bè mua bộ hút shisha về thi thoảng hút chơi, nên em cũng mua một bộ về dùng thử. Sau vài lần sử dụng em thấy có dấu hiệu đau cổ, nhức đầu. Đến khi đi khám thì em được bác sĩ cho biết bị ngộ độc nhựa do ống shisha không chịu được nhiệt độ nóng nên bị chảy”.

Theo tiết lộ của dân chơi shisha chuyên nghiệp, 1 gói shisha loại xịn có giá từ 150.000 - 350.000 đồng, song với shisha loại bình dân chỉ từ 50.000 - 90.000 đồng. Thành phần chủ yếu của “shisha giá bèo” là dược liệu thiên nhiên nghiền nhuyễn, nhưng để tiết kiệm chi phí, loại này chỉ có lớp vỏ bên ngoài, trộn thêm bột hương cam, chanh, bạc hà, cappuchino, gum buble... xuất xứ từ Trung Quốc. Gần đây, để “làm mới” trào lưu, nhiều nơi còn kinh doanh kiểu biến tướng shisha như pha thêm rượu mạnh thay nước đun để tăng độ “phê”. Hình thức kinh doanh này, người hút có thể bị dị ứng, cổ họng bị đắng chát, cay xè, lưỡi tê dại. Nếu rít lâu, môi người hút sẽ bị bỏng do độ cồn quá cao của rượu. Chưa kể đến trường hợp người hút dùng phải rượu giả hay rượu không thích hợp dẫn đến bị ngạt thở, suy hô hấp, rồi tử vong.

Tuy shisha không thuộc mặt hàng cấm, nhưng một nghiên cứu mới nhất của Anh cho thấy, kiểu hút này sản ra lượng khói độc CO cao hơn cả thuốc lá. Dù có thành phần là thảo dược, mật ong... nhưng nếu một người hút hết một mẻ shisha thì lượng khí CO mà họ hít phải cao gấp ít nhất 4-5 lần so với một điếu thuốc lá. Hàm lượng CO cao có thể dẫn đến hư hại não và bất tỉnh. Tiến sĩ  Richard D. Hurt, người Mỹ còn cho rằng nước trong bình shisha không lọc được các thành phần độc hại trong khói thuốc. Người hút shisha hít độc chất từ hắc ín gồm monoxide carbon (CO), các kim loại nặng và các hoá chất gây ung thư (carcinogen) gấp 100 lần so với hút thuốc lá. Khí CO làm giảm lượng oxy đến phổi và gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng như hẹp mạch máu, ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Bình nước trong shisha còn là nơi tiềm ẩn rất nhiều vi trùng có thể gây bệnh lao, nhất là khi nhiều người sử dụng chung.