Hồi âm bài báo: “Sống cạnh mỏ đá, nơm nớp lo sập nhà”:

Sẽ khắc phục cho người dân nếu ảnh hưởng do mỏ đá gây ra

ANTĐ - Báo An ninh Thủ đô số ra ngày 30-5-2016, có bài “Sống cạnh mỏ đá, nơm nớp lo sập nhà”, trong đó nêu một số phản ánh của người dân thôn Trán Voi và Làng Trên, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai về việc bị ảnh hưởng ô nhiễm bụi và dư chấn nổ mìn từ các mỏ đá trên địa bàn. Ngay sau khi báo ra, chúng tôi đã nhận được phản hồi từ đại diện các doanh nghiệp có trách nhiệm.

Khu vực khai thác của Mỏ đá 3 Phú Mãn

“Lý” của doanh nghiệp

Trong buổi làm việc với PV Báo An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Đình Hoan - Giám đốc Mỏ đá 3 Phú Mãn, thuộc Công ty CP Vimeco cho biết: Năm 2004, công ty được UBND tỉnh Hà Tây cấp phép cho hoạt động tại khu vực Mỏ đá 3 và có đầy đủ giấy tờ hợp lệ cũng như tuân thủ quy trình khai thác.

Xung quanh việc người dân phản ảnh về dư chấn trong việc nổ mìn phá đá và bị đá văng, ông Hoan khẳng định: “Theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 02/2008 của Bộ Công Thương quy định về sử dụng vật liệu nổ trong khai thác mỏ, thì yêu cầu bán kính khu vực nổ mìn phải cách khu vực nhà dân là 300m. Trong khi đó, vị trí khai thác của Mỏ đá 3 là ở hướng Tây, còn các hộ dân nằm ở hướng Đông và khoảng cách xa là gần 1.000m thì dư chấn cũng như đá văng rất khó gây ảnh hưởng cho bà con”.

Ông Hoàng Văn Hùng - Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Mỏ đá 3 cũng phân tích: “Bản thân chúng tôi cũng đã xuống gặp gỡ các hộ dân để ghi nhận thực tế. Về logic, cứ đặt giả thuyết là có dư chấn đi chăng nữa thì tường nhà sẽ xuất hiện các vết nứt nằm ngang. Tuy nhiên, tất cả các nhà dân chúng tôi kiểm tra đều có những vết nứt dọc và rất nhỏ”.

Đối với việc phản ánh bị nứt nhà của gia đình ông Bùi Văn Hiển ở thôn Làng Trê, nằm giáp khu vực Mỏ đá 2 của Công ty TNHH MTV khai thác, ông Khổng Văn Hậu - Giám đốc công ty này cho biết: “Khu vực nổ mìn của chúng tôi cách nhà ông Hiển 800m theo đường chim bay, do đó nói việc dư chấn nổ mìn làm ảnh hưởng là không đúng. Cũng cần lưu ý là nhà ông Hiển nằm giữa con suối. Khi lũ về, nước cuốn rất mạnh và thường xuyên ngập ngang nhà nên cũng không loại trừ đây là nguyên nhân chính”. 

Về tình trạng bụi gây ảnh hưởng tới người dân, ông Hậu thừa nhận có xảy ra do xe vận tải chuyên chở đá.

“Việc xe tải chạy tạo ra bụi là điều khó tránh khỏi và chúng tôi cũng đã khắc phục bằng cách phun nước mặt đường. Tuy nhiên cũng có lúc do thời tiết nắng nóng, đường nhanh khô nên bụi vẫn còn. Chúng tôi sẽ tăng mật độ tưới nước nhằm hạn chế triệt để tình trạng bụi ảnh hưởng tới bà con. Bên cạnh đó, Mỏ đá 2 cũng có hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng mỗi gia đình từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng” - ông Hậu nói.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Trước phản ánh của người dân, các Sở Công Thương, LĐ-TB&XH và CATP Hà Nội đã vào cuộc. Cụ thể tháng 5-2016, đoàn kiểm tra liên ngành đã có biên bản kiểm tra Mỏ đá 3 thuộc địa bàn xã Phú Mãn, trong đó tại phần kiểm tra khai trường nêu rõ: Công ty chưa thực hiện công tác giám sát ảnh hưởng nổ mìn và thực hiện quy trình ứng phó khẩn cấp quản lý vật liệu nổ theo quy định. Yêu cầu công ty phải rà soát lại toàn bộ công tác này theo quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh khu vực sử dụng, lưu giữ vật liệu nổ công nghiệp.

Mặt khác đoàn kiểm tra cũng yêu cầu mỏ đá bổ sung biển báo, biển cấm về an toàn lao động tại khu vực khai thác sản xuất theo quy định, đảm bảo phương án giao thông cho các phương tiện chữa cháy tiếp cận khi có sự cố xảy ra.

“Chúng tôi đang lập hợp đồng thuê đơn vị thực hiện giám sát để sớm có kết luận về việc ảnh hưởng tới môi trường xung quanh từ việc khai thác của mỏ. Nếu những ảnh hưởng đến người dân là do mỏ đá gây ra, chúng tôi sẽ có trách nhiệm khắc phục cho người dân” - ông Hoàng Văn Hùng cho biết.

Thực trạng đang diễn ra ở khu vực xã Phú Mãn cần sớm có sự vào cuộc xác minh, kết luận của cơ quan chức năng và quan trọng nhất là đảm bảo ổn định, sự an toàn đối với sinh hoạt, cuộc sống của người dân.