Sẽ có nhân viên y tế tham gia cùng tour mạo hiểm

ANTD.VN - Bộ VH-TT&DL vừa công bố dự thảo “Thông tư quy định về hoạt động du lịch mạo hiểm” gồm 11 điều. Dự thảo đưa ra nhằm lấy ý kiến góp ý rộng rãi, công khai của nhân dân, trước khi chỉnh sửa và ban hành.

Dự thảo thông tư nhằm quy định việc tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các khu, điểm du lịch có hoạt động du lịch mạo hiểm, các doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch, tổ chức cá nhân tham gia vào các hoạt động liên quan.

Dự thảo liệt kê một số hoạt động khi được đưa vào phục vụ du lịch buộc phải công nhận là mạo hiểm, bao gồm: Lái ca nô; lái ca nô kéo dù bay; chèo thuyền kayak; cưỡi ngựa; đi xe đạp địa hình núi; đi trên dây; đu dây vượt thác; săn bắn; lái bè; lặn biển; leo núi; thám hiểm hang động; trượt cát; trượt cỏ; trượt băng nhân tạo; trượt tuyết nhân tạo; thám hiểm rừng rậm; trò chơi trượt máng nước; đi mô tô nước, lướt ván và những hoạt động thể thao mạo hiểm khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL. 

Sẽ có nhân viên y tế tham gia cùng tour mạo hiểm ảnh 1  Vượt sông Lá Ba bằng xuồng, tour du lịch ăn khách ở Đà Lạt

Quy định chặt về điều kiện sức khỏe

Ngoài việc quy định về các trò chơi mạo hiểm, tại dự thảo này cũng quy định chi tiết về du khách không được tham gia chương trình có tính chất mạo hiểm, gồm: Khách du lịch có tiền sử bị bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh về đường hô hấp và một số bệnh khác theo khuyến cáo của bác sỹ không được tham gia các hoạt động du lịch mạo hiểm; những người đã uống rượu, bia hoặc sử dụng chất kích thích. Khách phải ký cam kết về đảm bảo điều kiện sức khỏe, độ tuổi phù hợp, đồng thời tự chịu trách nhiệm nếu xảy ra bất cứ sự cố nào liên quan tới việc cung cấp thông tin sai về độ tuổi, điều kiện sức khỏe cá nhân hoặc do không tuân thủ hướng dẫn của hướng dẫn viên. 

Bên cạnh đó, du khách cần phải được huấn luyện về kỹ năng, thao tác cần thiết trước khi tham gia các trò chơi, chương trình mạo hiểm, đồng thời đảm bảo được trang bị đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng cần thiết và có hướng dẫn viên theo dõi, giám sát khi tham gia hoạt động du lịch mạo hiểm.

Sẽ có nhân viên y tế tham gia cùng tour mạo hiểm ảnh 2Khách du lịch khám phá không trung bằng hình thức đu dây, một loại hình du lịch mạo hiểm ở Đà Lạt 

Quy chuẩn cho hướng dẫn viên

Tại điều 5 của dự thảo thông tư đã đưa ra một số yêu cầu bắt buộc đối với hướng dẫn viên, ngoài việc phải tham gia, vận động cùng khách trong suốt quá trình, còn phải giữ thông suốt liên lạc với khách, có điều kiện hành nghề hướng dẫn viên theo quy định của pháp luật, có giấy chứng nhận chuyên môn tương ứng với môn thể thao phục vụ khách du lịch trong chương trình du lịch mạo hiểm do Tổng cục Thể dục Thể thao hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao cấp hoặc công nhận; Có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo về công tác sơ cứu, cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức.

Đặc biệt, trong suốt hành trình tour mạo hiểm, thông tư quy định việc phải có nhân viên y tế tham gia, phục vụ căn cứ vào quy mô đoàn khách và đặc thù của hoạt động mà khách du lịch tham gia. 

Đối với các tổ chức quản lý, điểm du lịch nơi tổ chức các hoạt động du lịch mạo hiểm, ngoài việc tuyên truyền hướng dẫn đảm bảo an toàn phải có sổ theo dõi, nội dung chủ yếu gồm họ và tên người tham gia, số chứng minh nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân, số hộ chiếu, tình trạng sức khỏe, địa chỉ và số điện thoại liên hệ khi cần thiết. Bố trí các tổ cấp cứu, trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ cần thiết; bố trí đội ngũ nhân viên được tập huấn về kỹ năng cứu hộ, cứu nạn. Xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn đảm bảo an toàn cho khách du lịch; bố trí lực lượng cứu hộ trực thường xuyên tại những khu vực nguy hiểm khi có khách du lịch tham gia hoạt động du lịch mạo hiểm để can thiệp, ứng cứu kịp thời khi các sự cố, tai nạn, rủi ro xảy ra.

Thông tư cũng nhấn mạnh việc sử dụng trang thiết bị đảm bảo an toàn cho khách. Trang thiết bị có xuất xứ, chứng nhận, thời hạn sử dụng, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thẩm định và cấp chứng nhận về chất lượng, an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật; Trang bị hệ thống thông tin liên lạc, dụng cụ y tế, túi thuốc cấp cứu và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Nội dung chương trình du lịch mạo hiểm và giá bán được niêm yết công khai tại văn phòng, địa điểm giao dịch của doanh nghiệp tổ chức chương trình. Trong trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn, hướng dẫn viên phải tiến hành sơ cứu tại chỗ và liên hệ ngay với lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại các địa điểm, tổ chức hoặc lực lượng cứu hộ, cứu nạn của các cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

Sau khi công bố rộng rãi nội dung của dự thảo thông tư trên các trang web của Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch… nhằm lấy ý kiến rộng rãi của người dân, dự kiến, Bộ VH-TT&DL sẽ tiến hành chỉnh sửa, hoàn thiện và ban hành trong năm 2017. Việc ra đời của “Thông tư quy định về hoạt động du lịch mạo hiểm” được cho là đặc biệt cần thiết khi trong thời gian gần đây xảy ra một số vụ tai nạn đáng tiếc xuất phát từ các tour mạo hiểm.