Say rượu mở van hồ chứa nước, phạm tội gì?

ANTD.VN - Rạng sáng 15-3, Ban Quản lý hồ chứa nước Suối Vực (thuộc Công ty THHH MTV Đồng Cam, Phú Yên) phát hiện mực nước hồ tụt mất 2m, khoảng 2 triệu m3 nước tuôn tự do về hạ lưu. 

Nội dung vụ án

Các công nhân trực hồ Suối Vực đã kêu gọi người dân trong vùng khắc phục được sự cố vào sáng cùng ngày. Khoanh vùng điều tra, cơ quan công an xác định 3 thanh niên là Mang Tân (26 tuổi, ở huyện Đồng Xuân, Phú Yên), Y Bình và Sô Y Thành (đều 20 tuổi, ở xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa) đã tự ý vào công trình Suối Vực ăn nhậu và gây ra vụ việc. Các đối tượng khai nhận, chiều tối 14-3, sau khi bốc mía thuê, cả ba rủ nhau lên cầu thang trèo qua hàng rào B40 vào bên trong khu vực tháp vận hành xả lũ hồ Suối Vực để ngồi uống rượu.

Khi rượu ngà ngà, Tân đi vệ sinh rồi phát hiện một hộp sắt ở gần đó nên tò mò mở tủ ra xem và dùng tay ấn vào một trong các nút đó thì thấy hệ thống dây cáp chuyển động. Tân hoảng sợ, không biết cách tắt hệ thống, bèn quay ra thúc giục Bình và Thành ra về. Khi cả ba ra khỏi khu vực hồ Suối Vực thì nghe tiếng nước tuôn ầm ầm nhưng Tân không nói gì và cùng bạn về nhà ngủ.

Thống kê ban đầu của UBND huyện Sơn Hòa, vụ xả lũ bất ngờ trên trong đêm 14-3 đến rạng sáng 15-3 đã gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân ở các xã Suối Bạc, Sơn Nguyên và Sơn Hà (Sơn Hòa). Hậu quả, nước đã cuốn trôi 2 con bò, 13 máy bơm, 150m ống nước, 15 tấn mía cây đã chặt, hư hại 5,5ha hoa màu... Ước tính thiệt hại trên 300 triệu đồng.

Vấn đề đặt ra là, người mở van hồ chứa nước, phạm tội gì và xử lý thế nào?

 Ý kiến bạn đọc 

Vi phạm hành chính

Trong vụ việc này, mục đích ban đầu của các thanh niên trên là vào khu vực tháp vận hành xả lũ hồ Suối Vực để ngồi uống rượu. Việc hồ Suối Vực bị xả lũ bất ngờ chỉ là do 1 trong 3 thanh niên này trong lúc đi vệ sinh đã tò mò mở hộp tủ kỹ thuật ra xem rồi dùng tay ấn vào một trong các nút đó chứ không phải có động cơ phá hoại.

Thêm vào đó, vì do trước đó những thanh niên này đã uống rượu say nên mới dẫn đến hành động bột phát, “nghịch dại” là vô tình mở van hồ chứa nước. Do đó, theo tôi chỉ nên xử phạt vi phạm hành chính đối với những thanh niên này theo quy định tại khoản 2, Điều 15, Nghị định 167/2013.

Hoàng Tuấn Tú (Sầm Sơn - Thanh Hóa)

Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản

Trong vụ việc này có thể thấy Mang Tân do tò mò về hệ thống van xả lũ nên đã “nghịch” các nút trong hệ thống điều khiển và gây ra thiệt hại. Hành vi này theo tôi đã phạm vào tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản theo Điều 145, Bộ luật Hình sự. Sở dĩ có thể coi là vô ý bởi hành vi này ban đầu xuất phát từ việc Mang Tân sau khi uống rượu ngà ngà đã tìm chỗ đi vệ sinh rồi phát hiện một hộp sắt ở gần đó nên đã mở tủ ra xem và ấn vào.

Do không biết hộp sắt này là bộ điều khiển của cửa xả lũ nên Mang Tân mới có hành động như vậy. Hơn nữa, hành động của Mang Tân xảy ra khi anh này vào khu vực hồ Suối Vực là nhằm mục đích để uống rượu với bạn chứ không phải là có ý định xả lũ từ ban đầu. Do đó, tôi cho rằng hành vi dẫn đến hậu quả xả lũ gây thiệt hại cho bà con nông dân của Mang Tân là hành vi vô ý. 

        Nguyễn Thị Thu Hà (Yên Minh - Hà Giang)

Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

Có thể thấy, hậu quả của hành vi xả lũ hồ Suối Vực gây ra là rất lớn. Cụ thể, lũ đã cuốn trôi 2 con bò, 13 máy bơm, 150m ống nước, 15 tấn mía cây đã chặt, hư hại 5,5ha hoa màu... ước tính thiệt hại trên 300 triệu đồng. Đây đều là những tài sản có giá trị của người nông dân ở các xã Suối Bạc, Sơn Nguyên và Sơn Hà huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.

Hồ chứa nước Suối Vực theo tôi là một công trình quan trọng, do đó chỉ riêng hành vi rủ nhau trèo qua hàng rào B40 vào bên trong khu vực tháp vận hành xả lũ để ngồi uống rượu của 3 đối tượng trên cũng đã là vi phạm pháp luật.

Sau đó, việc Mang Tân ấn nút mở cửa xả lũ đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng khiến hậu quả là tài sản của người dân bị hủy hoại và hư hỏng. Do đó cần phải xử lý các đối tượng này về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143, Bộ luật Hình sự.

Hoàng Thu Hà (Tiền Hải - Thái Bình)

 Bình luận của luật sư 

Trong vụ việc này, trước hết cần làm rõ mục đích hành vi của đối tượng phạm tội mới có cơ sở để xem xét tội danh. Theo quy định của pháp luật, say rượu không phải là một trong các căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự. Điều 14, Bộ luật Hình sự quy định: “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Về ý kiến cho rằng 3 thanh niên trong vụ việc này phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, trong tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, theo quy định của pháp luật hành vi gây thiệt hại là do cố ý. Tuy nhiên, trong vụ việc này, người phạm tội chỉ vô tình đi vệ sinh rồi phát hiện một hộp sắt ở gần đó nên tò mò mở tủ ra xem và dùng tay ấn vào một trong các nút đó.

Hành vi này không cố ý hướng tới mục đích hủy hoại tài sản mà chỉ do tò mò và sau đó khi hậu quả xảy ra do không biết cách tắt hệ thống nên đã hoảng sợ và tìm cách bỏ về nhà để ngủ. Do đó, hành vi này không cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143, Bộ luật Hình sự.

Căn cứ vào nội dung vụ việc trên, có cơ sở để khẳng định 3 thanh niên trên đã phạm tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản. Trước hết, theo các quy định của pháp luật và khoa học luật hình sự thì: Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản là hành vi của một người tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhưng cho rằng thiệt hại đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, hoặc không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước.

Điều 145. Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản 

1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.

Ở tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, người phạm tội không có nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản bị thiệt hại và tài sản bị thiệt hại là tài sản của công dân, của tổ chức xã hội, tổ chức nước ngoài... không phải là tài sản của Nhà nước. 

Xét về các dấu hiệu cơ bản của tội phạm có thể thấy: Về chủ thể của tội phạm, 3 thanh niên trong vụ việc này là Mang Tân (26 tuổi), Y Bình và Sô Y Thành (đều 20 tuổi) đều đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Về khách thể của tội phạm, theo quy định của pháp luật, khách thể của tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản cũng tương tự như các tội xâm phạm sở hữu khác nhưng tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu.

Khác với các tội có tính chất chiếm đoạt, người phạm tội không chiếm đoạt tài sản mà chỉ làm mất, làm hỏng tài sản. Trong vụ việc này, thống kê ban đầu của UBND huyện Sơn Hòa, vụ xả lũ bất ngờ do 3 thanh niên trên gây ra thiệt hại về tài sản của người dân gồm 2 con bò, 13 máy bơm, 150m ống nước, 15 tấn mía cây đã chặt; hư hại 5,5ha hoa màu... Đây đều là những tài sản thuộc sở hữu của người dân ở các xã Suối Bạc, Sơn Nguyên và Sơn Hà (Sơn Hòa) bị thiệt hại do hành vi của 3 thanh niên này.

Về mặt khách quan của tội phạm, hành vi của Mang Tân là vô ý, tuy không có mục đích phá hoại nhưng lại gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng. Về mặt chủ quan, hành vi của Mang Tân trong vụ việc này được thực hiện do vô ý vì cẩu thả. Đây là lỗi trong trường hợp người phạm tội đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng do cẩu thả nên không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả đó mặc dù điều kiện khách quan buộc họ phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Mang Tân tuy nhận thức được mặt thực tế hành vi mở tủ ra xem và dùng tay ấn vào một trong các nút, tuy nhiên trong thời điểm đó Mang Tân lại hoàn toàn không nhận thức được khả năng gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội của việc làm này. Căn cứ vào tất cả các yếu tố này có thể thấy Mang Tân đã vi phạm Điều 145, Bộ luật Hình sự, tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản.

Về vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân, theo Điều 601, Bộ luật Dân sự, về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hồ Suối Vực là “nguồn nguy hiểm cao độ”, vì vậy trước mắt, đơn vị quản lý (Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam) phải có trách nhiệm bồi thường kịp thời, toàn bộ thiệt hại cho người bị hại (trường hợp trên, chủ yếu là nông dân). Về sau này, nếu không thỏa thuận được, tùy mức độ lỗi của các bên liên quan gây nên thiệt hại, tòa án sẽ quyết định cụ thể số tiền bồi thường cho mỗi người.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)