Sau vụ người thuê nhà "tố" bị đuổi ra khỏi nhà ở Hoàng Mai, Hà Nội: Bên thuê nhà và nguy cơ bị quỵt tiền

ANTD.VN -Đối với giao dịch thuê nhà, không chỉ người đi thuê mà ngay cả người cho thuê nếu không thận trọng cũng gặp khá nhiều rủi ro. Đó là tình trạng bên thuê “bùng” tiền thuê, cố tình trây ỳ không trả nhà khi hết hạn hợp đồng, thậm chí còn biến nhà thuê thành nơi kinh doanh dịch vụ, sản xuất buôn bán hàng cấm.

 

Những chuyện dở khóc, dở cười

Cách đây 4 năm, bố mẹ anh Đỗ Hoàng Nam ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội đã sang tên cho vợ chồng anh một căn nhà 3 tầng rộng khoảng 40 m2 ở một con ngõ khá rộng. Vì cần tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày nên anh Nam quyết định cho thuê căn nhà này, đồng thời đi thuê một căn khác nhỏ hơn trong ngách nhỏ. Theo hợp đồng đã ký, thời gian thuê là 2 năm, giá thuê 15 triệu đồng/tháng, hết hạn hai bên nếu có nhu cầu sẽ thỏa thuận lại về giá cả và ký tiếp hợp đồng.

Theo anh Nam, trong năm đầu, bên thuê nhà thanh toán tiền khá đúng hạn, đầy đủ nhưng sang năm thứ 2 họ bắt đầu tìm cách trây ỳ, chậm trả tiền nhà 3 tháng liên tục. Gọi điện nhiều lần nhưng không liên lạc được, anh Nam quay về nhà cho thuê tìm bên thuê nói chuyện thì họ tìm cách khất lần, thậm chí có lần còn khóa cửa vờ như đang đi vắng.

Sau chuyến công tác một tuần, anh Nam lại đến nhà cho thuê, đồng thời gọi  theo một thợ khóa đi cùng để nếu bên thuê không mở sẽ phá cửa. Tuy vậy, khi đến nơi, anh Nam phát hiện cửa chỉ khép hờ, hầu hết đồ đạc trong nhà đã được dọn sạch, người thuê cũng không còn, giữa nhà là đống rác thải bốc mùi khá nồng nặc. Hỏi những người xung quanh, anh Nam ngã ngửa người khi được biết bên thuê đã chuyển đi vào buổi tối trước đó ít ngày.

Nếu hợp đồng thuê nhà thiếu chặt chẽ, bên cho thuê có nguy cơ bị quỵt tiền thuê nhà

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, do có căn hộ chung cư không có nhu cầu ở nên ông Bùi Xuân Quang ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội đã đăng tin cho thuê nhà trên mạng. Theo thoả thuận ban đầu, hợp đồng có giá trị 1 năm, bên thuê thanh toán tiền nhà 3 tháng/lần vào ngày đầu tiên của tháng thứ nhất.

Tuy vậy, trong một lần đến “thăm nhà” đột xuất, ông Quang phát hiện trong căn hộ của mình có hàng chục người,  trong đó có cả người già, cháu nhỏ có dấu hiệu đau ốm, đang điều trị tại bệnh viện gần đó. Hỏi ra mới biết, từ lâu, căn hộ của ông Quang đã được bên thuê cho thuê lại theo ngày với giá cao gấp 3 lần!

Do số lượng người ở khá đông lại thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung nên chỉ trong thời gian ngắn, căn hộ của ông Quang đã xuống cấp khá nghiêm trọng, tường nhà bị đục phá, bôi bẩn, sàn nhà bong tróc, hầu hết các thiết bị vệ sinh, nhà bếp cũng bị hư hỏng nặng.

Trước tình trạng đó, ông Quang đã liên hệ với bên thuê nhà đề nghị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, song bên thuê kiên quyết không đồng ý. Đến nước này, ông Quang đành nhượng bộ, chấp nhận thanh toán cho bên thuê một khoản tiền gọi là phạt hợp đồng vì đã chấm dứt trước hạn mà không báo trước để họ dọn ra khỏi nhà càng sớm càng tốt.

Cần xem xét kỹ hợp đồng

Những trường hợp trên cho thấy, khi cho thuê nhà, không ít chủ nhà trọ chỉ đưa ra hợp đồng với quy định chung chung, không nói rõ để ở hay để kinh doanh, số lượng người được ở trong nhà cho thuê là bao nhiêu nên đã tự đẩy mình vào thế khó khi xảy ra tranh chấp.

Để tránh rủi ro khi cho thuê nhà, theo Luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Huy, chủ nhà cần giới hạn số người ở trong nhà hay trong phòng trọ, chú ý yêu cầu đặt cọc nhằm tránh việc bên thuê tự do, có thể chuyển đi bất cứ thời điểm nào. Khi giao nhà cần có biên bản bàn giao rõ ràng cơ sở của nhà cho thuê, đặc biệt là với căn hộ đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất.

Đặc biệt, việc thanh toán tiền cho thuê nhà cần được quy định rõ như thanh toán tháng một hay 3 tháng, 6 tháng/lần, phương thức và thời điểm thanh toán, phí phạt chậm trả tiền theo hợp đồng, trách nhiệm sửa chữa đối với trang thiết bị trong nhà khi bị hư hỏng…

Bên cạnh đó, bên cho thuê nhà cần kiểm tra giấy tờ tùy thân của người thuê nhà, lưu lại kèm theo hợp đồng thuê. Để có cơ sở khi giải quyết tranh chấp có thể phát sinh, hai bên nên công chứng hợp đồng thuê nhà dù đây không phải là quy định bắt buộc.

Bên cho thuê có quyền thế chấp nhà đã cho thuê?

Thời gian qua đã xảy ra không ít trường hợp bên cho thuê nhà thế chấp tài sản đang cho thuê để vay tiền từ ngân hàng khiến nhiều người thuê nhà lo lắng, bất an.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đào Tơ cho rằng,  Điều 146 Luật Nhà ở quy định, chủ sở hữu nhà ở có quyền thế chấp nhà ở đang cho thuê nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà ở biết trước về việc thế chấp. Bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng thuê nhà ở.

Trường hợp nhà ở đang thuê bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp nhà ở thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng, trừ trường hợp bên thuê nhà ở vi phạm các quy định tại khoản 2 Điều 132 của Luật này hoặc các bên có thỏa thuận khác.

“Như vậy, dù quyền sử dụng căn nhà của chủ nhà đang được chuyển giao cho người thuê nhà thì họ vẫn có quyền thế chấp căn nhà đang cho thuê nhưng phải thông báo cho bên thuê biết. Bên thuê sẽ được tiếp tục thuê theo hợp đồng hai bên ký kết” – Luật sư Nguyễn Đào Tơ nhấn mạnh.