Sau vụ bé trai Trường Gateway tử vong: Nhiều trường học ồ ạt dạy kỹ năng sống cho trẻ

ANTD.VN -Sau vụ cháu bé 6 tuổi tử vong trên xe đưa đón của trường Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội), lập tức nhiều trường học đã tổ chức tập huấn kỹ năng sống cho trẻ em, từ kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn đến phòng chống xâm hại tình dục. Bên cạnh đó, không ít phụ huynh do quá lo lắng đã ngừng sử dụng dịch vụ xe đưa đón của nhà trường để tự mình đưa đón con đến trường.

Đổ xô dạy kỹ năng sống

Trong thời điểm chuẩn bị khai giảng năm học mới, một số trường Tiểu học, mầm non đã tranh thủ dạy kỹ năng sống cho trẻ trong các tiết học hè. Những kỹ năng mà các trường thường dạy là cách đi thang máy an toàn, cách thoát hiểm khỏi xe ô tô khi bị bỏ quên, cách ứng phó với kẻ xấu, kỹ năng giao tiếp, thậm chí cả kỹ năng phòng chống cháy nổ…

Không thê phủ nhận, những tiết học này đã mang lại hiệu quả khá lớn, giúp trẻ hào hứng, tự tin đối phó với các tình huống bất ngờ, những tai nạn có thể xảy ra trong cuộc sống, được phụ huynh nhiệt tình ủng hộ.

Tuy vậy, ở một số nơi do giáo viên truyền đạt còn thiếu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn khiến những tiết học kỹ năng sống cho trẻ còn chung chung và mơ hồ, không thiết thực, gây mất thời gian, thậm chí còn gây tai nạn cho trẻ.

Mầm non Tuổi thơ - nơi xảy ra sự việc khiến 3 cháu nhỏ bị bỏng

 Cách đây ít ngày, tại một cơ sở trông trẻ mầm non tư thục ở xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, các cô giáo đã tổ chức cho khoảng 25 trẻ (từ 1-5 tuổi) học về kỹ năng phòng chống cháy nổ bằng cách đổ cồn vào mâm làm giáo cụ rồi châm lửa để dạy trẻ. Tuy nhiên, do gió lớn thổi từ cửa sổ, ngọn lửa đã bốc cháy và tạt vào 3 cháu nhỏ khiến các cháu bị bỏng nặng phải nhập viện cấp cứu.

Sự việc trên đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bức xúc. Anh Nguyễn Ngọc Nam ở khu đô thị Trung Hòa- Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, người xưa có câu “nhiệt tình cộng ngu dốt bằng phá hoại”. Chỉ khổ các cháu nhỏ bị biến thành chuột bạch của một giáo trình dạy kỹ năng sống thiếu cơ sở khoa học, để rồi chịu đau đớn về thể chất và tinh thần”.

 Còn theo chị Vũ Cẩm Thanh, nhân viên ngân hàng quận Thanh Xuân, Hà Nội, “ai cũng biết dạy kỹ năng sống cho trẻ làm vô cùng cần thiết nhưng không phải cách dạy ồ ạt, dạy lấy được. Bên cạnh đó, việc dạy cho trẻ kỹ năng gì phải phù hợp với từng độ tuổi. Giáo viên dạy phải có đủ kiến thức về chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy, nếu không lợi đâu chẳng thấy, chỉ thấy hại”– chị Thanh thở dài.

Sự việc trên cho thấy, hiện có không ít người đang hiểu sai về khái niệm “kỹ năng sống”, nhưng lại lạm dụng bừa bãi. Mỗi khi có một sự vụ gì đó xảy ra liên quan đến sự an toàn của trẻ là phụ huynh lại hốt hoảng đi tìm lớp kỹ năng sống, các trường đua nhau mở lớp tập huấn kỹ năng sống cho học sinh.

Thời gian qua, việc “loạn” dạy kỹ năng sống ở một số trường đã dẫn đến nhiều chuyện dở khóc, dở cười. Có nơi dạy học sinh tiểu học cách tránh thai và sử dụng bao cao su. Thậm chí, cách đây không lâu, dư luận xôn xao về cuốn sách rèn luyện kỹ năng sống dành cho học sinh cấp 1, trong đó dạy các em đi qua mảnh thủy tinh vỡ, tự đâm kim vào tay để vượt qua sợ hãi và thể hiện lòng dũng cảm.

Trong khi đó, kỹ năng sống đơn giản là những kỹ năng cần thiết giúp một người có thể sống tốt và sống an toàn trong môi trường của họ, giúp họ biết cách bảo vệ bản thân trong những tình huống nguy hiểm. Nó được hình thành từ những thói quen sinh hoạt hằng ngày, từ ý thức của bản thân về hành vi đó – Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho biết.

Tự đưa đón con đi học: Lợi hay hại?

Cũng liên quan đến vụ tai nạn xảy ra tại trường Gateway, sau khi xảy ra sự việc, do quá lo lắng cho sự an toàn của con em mình, nhiều gia đình đã ngừng sử dụng dịch vụ xe đưa đón tại các trường. Thay vào đó, các bậc phụ huynh tự đưa đón con đi học hàng ngày.

Bên cạnh đó, một số người còn gom một số học sinh trong cùng một khu vực thuê  dịch vụ taxi 7 chỗ, đưa đón hoặc cho con đi xe ôm, thuê người đưa đón với mức giá dao động từ vài chục nghìn đồng đến cả trăm nghìn đồng/chuyến.

“Đành rằng việc tự đưa, đón con đến trường sẽ giúp các phụ huynh yên tâm hơn song điều đó cũng khiến họ mất khá nhiều thời gian, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông tại khu vực các cổng trường. Bên cạnh đó, việc làm này cũng khiến trẻ  mất đi cơ hội rèn luyện tính tự lập” – Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú nhận định.

Thực tế cho thấy, việc để trẻ tự đi xe bus, xe của trường hay đi xe đạp tới trường không chỉ mang lại nhiều lợi ích về thể chất đối với trẻ mà còn giúp các em học được cách thích nghi và chủ động đối phó với các sự cố bất ngờ tốt hơn.

Tuy vậy, để hạn chế rủi ro, trước khi quyết định cho trẻ tự tới trường hoặc ra đi ra điểm chờ xe đón, phụ huynh cần xem xét quãng đường từ nhà tới trường xa hay gần, tình trạng giao thông và an ninh ra sao, dạy con phòng tránh các tình huống xảy ra như hỏng xe, các kỹ năng tham gia giao thông, khi gặp tai nạn phải xử trí ra sao, đồng thời có thể đi cùng con trong 1 tuần đầu để quan sát, hướng dẫn trẻ…