Sau "khủng hoảng" thừa lợn, ngành chăn nuôi vẫn loay hoay

ANTD.VN - Sau cuộc phát động cả nước chung tay “giải cứu” thịt lợn đến nay, người chăn nuôi đã thoát khỏi cảnh thua lỗ nhưng ngành chăn nuôi vẫn loay hoay tìm câu trả lời, phát triển chăn nuôi theo hướng nào cho bền vững?

Sau "khủng hoảng" thừa lợn, ngành chăn nuôi vẫn loay hoay ảnh 1Chăn nuôi lợn vẫn loay hoay tìm lối đi

Khoảng 1 tháng trở lại đây, khi giá lợn hơi trong dân bắt đầu nhích lên, xuất hiện nhiều tin đồn Trung Quốc mở cửa nhập khẩu lợn tiểu ngạch trở lại khiến người chăn nuôi lại băn khoăn có nên tái đàn, mở rộng chăn nuôi để “gỡ gạc” đợt thua lỗ vừa qua. 

Tốc độ tăng đàn bất thường

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT thông tin, tốc độ tăng trưởng đàn lợn năm 2015 và năm 2016 lần lượt là 3,7 - 4,7%/năm trong khi tốc độ tăng trung bình hàng năm chỉ ở mức 1,5-2,0%. Sản lượng lợn hơi cũng tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Thậm chí, theo Cục Chăn nuôi, mức tăng thực tế đàn lợn của năm 2016 có thể còn cao hơn so với thông số thống kê. Vì theo báo cáo của các Sở NN&PTNT, nhiều địa phương mức tăng đàn và tăng sản lượng hơi xuất chuồng năm 2016 vượt trên 20% như: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nam, Đồng Nai… 

Cũng bởi tốc độ tăng trưởng đàn lợn quá nhanh, cung vượt xa cầu nên giá lợn hơi trong nước giảm nhanh từ quý IV-2016 và kéo dài sang nửa đầu năm 2017.  “Đây là mức giảm bất thường và cá biệt so với thị trường thịt lợn trong khu vực và thế giới. Giá lợn giảm mạnh khiến hầu hết người chăn nuôi lợn thua lỗ. Giá lợn hơi trên thị trường xuống thấp nhất ở mức 15.000-25.000 đồng/kg”, ông Nguyễn Xuân Dương đánh giá.

Nếu so với giá lợn hơi của Thái Lan và Trung Quốc hoặc giá trung bình lợn hơi trong nước hàng năm, người chăn nuôi Việt Nam đã thiệt từ 15.000-25.000 đồng/kg trong giai đoạn từ tháng 10-2016 đến tháng 6-2017. “Đáng buồn là từ giữa năm 2016, khi giá lợn hơi trong nước ở thời điểm cao nhất, Cục Chăn nuôi đã cảnh báo các địa phương không nên tăng đàn bằng mọi giá vì giá cao là không bình thường và sẽ không duy trì được lâu nhưng vẫn không ngăn chặn được xu hướng tăng đàn do lúc đó người chăn nuôi đang thu lợi nhuận lớn”, ông Nguyễn Xuân Dương nói.

Khi giá lợn hơi xuống quá thấp, ở mức 15.000-18.000 đồng/kg, cùng với sự kêu gọi vào cuộc giải cứu của các bộ, ngành, địa phương thì giá lợn hơi mới từ từ nhích lên. Cùng với đó, các địa phương, trang trại chăn nuôi lớn giảm hoặc dừng tái đàn, loại thải đàn lợn nái… Kết quả đã loại thải được gần 500.000 con lợn nái, chiếm hơn 10% tổng đàn lợn cả nước. 

Hướng đi nào để không còn “giải cứu”?

Nhìn nhận về cuộc “giải cứu” thịt lợn vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đặt vấn đề: “Mọi người đặt câu hỏi giải cứu có đúng không? Giải cứu là đúng! Thực tế cho thấy các giải pháp đã hạn chế sự tăng đàn quá mức, từng bước đưa được giá trở về tiếp cận giá thành trung bình xã hội”.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cho rằng, dù là giải pháp tình thế nhưng việc “giải cứu” thời điểm đầu tháng 5 vừa qua đã giúp người chăn nuôi vượt qua “cơn bão giá”.

Cục Chăn nuôi nhận định, bài học kinh nghiệm qua đợt “giải cứu” vừa qua là nhờ giảm quy mô đàn nái, đồng thời kích cầu mặt hàng thịt lợn với sự tham gia của các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức và cá nhân, cũng như giảm chi phí sản xuất; hỗ trợ tài chính và hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn đã cơ bản góp phần ổn định thị trường thịt lợn. Sau 3 tháng triển khai, giá lợn hơi đã tăng lên từ 5.000-7.000 đồng/kg, mức tăng này giúp người chăn nuôi lợn giảm thua lỗ từ 1.500-2.000 tỷ đồng/tháng.

Dù giá lợn trong dân đã thoát “đáy”, người chăn nuôi thoát cảnh thua lỗ sau nhiều tháng ròng nhưng hiện, hàng triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại hoay hoay trong tin đồn và việc có nên tiếp tục tái đàn, mở rộng chăn nuôi cũng được đặt ra. Hơn nữa, dù đồng tình với nhận định của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, giải cứu thịt lợn trong bối cảnh thị trường hồi tháng 4, tháng 5 vừa qua là cần thiết, nhưng ngành chăn nuôi cũng cần hoạch định lại để không tái lặp những cuộc giải cứu tương tự. 

Về lâu dài, để ổn định thị trường và phát triển ngành chăn nuôi lợn, cần sản xuất theo tín hiệu thị trường. Trong đó cân đối cung cầu, giảm giá thành và nâng cao giá trị bằng công nghệ chế biến. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi phải thay đổi cách tiếp cận mới trước những tồn tại và hạn chế về tổ chức sản xuất và khai thông thị trường. 

“Phải nhận dạng lại ngành chăn nuôi trong bối cảnh mới. Cần cơ cấu lại ngành hàng chăn nuôi lợn theo 2 hướng: sản xuất công nghiệp tập trung hạ giá thành; thứ hai là đẩy nhanh chăn nuôi hữu cơ theo hướng các sản phẩm lợn đặc sản”, ông Nguyễn Xuân Cường nói.