Sau giọt nước mắt

ANTĐ - Chị là một người phụ nữ bất hạnh. Chồng bội phản, cờ bạc, rượu chè dẫn đến chia tay, một nách nuôi hai con và trong quãng đời cơ cực đó, chị đã sa ngã. Chấp nhận làm gái điếm, rồi còn đứng ra làm một người “má mì”. Vết trượt dài đó chỉ dừng lại khi đứa con gái chị hết mực yêu thương mắc bạo bệnh.

1. Sinh năm 1969 ở một vùng quê nghèo của Hưng Yên, Nguyễn Thị Hằng từng nghĩ mình sẽ hạnh phúc, khi lấy được người chồng mà ai cũng cho là tốt tính. Hằng càng vui hơn, khi đứa con trai cả chào đời kháu khỉnh, giống bố y đúc. Sự việc xảy ra khiến chị bị sốc, đó là khi mang bầu đứa con gái thứ hai, chị phát hiện chồng “tòm tem” với một người con gái đã có chồng cùng xóm. Rồi mọi chuyện trong gia đình chị cũng được họ hàng, làng trên xóm dưới biết. Khi đó chồng chị có vẻ ăn năn, nhưng ngấm ngầm ngược đãi chị. Dần dần, sự việc tiến triển xấu hơn, anh ta đánh đập chị thường xuyên và công khai cặp bồ. Các đoàn thể địa phương, gia đình đã nhiều lần đến gặp gỡ, động viên, nhắc nhở và làm hòa, nhưng không thể nào hàn gắn được tình cảm giữa hai người.

Vào một đêm cuối năm 1990, gã chồng bạo ngược  đánh vợ một trận thừa sống thiếu chết, rồi ném vào mặt chị tờ đơn ly dị. Độ đó, báo chí cũng đưa tin. Hằng bị cự tuyệt, phải mang con về nương nhờ bố mẹ đẻ. Sinh con gái trong tủi hận, thiếu thốn đủ mọi thứ. Cũng may, chị được mẹ tròn con vuông, bố mẹ đẻ hết mực chăm sóc, giúp đỡ nên cuộc sống cũng dễ thở hơn. Nhưng ba mẹ con không thể mãi nương nhờ vào hai ông bà già. Các anh chị em đều đã “kiến giả nhất phận”, nên lúc nào trong đầu chị cũng nung nấu một ý định phải kiếm một công việc làm để đỡ phiền ông bà. Chị gửi con đi làm công nhân, kiếm thêm tiền đóng góp cho bố mẹ đẻ. Cuộc sống ngày càng cần đến tiền, nhất là khi hai con đến tuổi đi học. Nghĩ tủi phận, lại thương con, thương bố mẹ già, Hằng nghĩ đến một công việc phải có nhiều tiền.

Sẵn có nhan sắc, chị đã dấn thân vào chốn nhuốc nhơ. Ban đầu, chị dạt về Hải Phòng làm nghề phục vụ khách. Ở đó, chị từng gặp một vài người quen trong làng. Phát hoảng, chị chạy về Hà Nội, tung hoành ở các nhà nghỉ ngoại thành. Có nụ cười tươi rói nên chị được nhiều đàn ông ưa. Lúc chị đã “cắm chốt” ở một nhà nghỉ, thì khách quen tìm đến chị nhiều hơn. Tiền boa cũng được nhiều. Có tiền, một phần chị gửi về cho mẹ đẻ nuôi các cháu, một phần gửi tiết kiệm.

2. Trong mấy năm hoạt động ở ngoại thành Hà Nội, đôi lần Hằng bị tóm, đưa vào trại phục hồi nhân phẩm một thời gian rồi được thả ra. Ngựa quen đường cũ, đơn giản, vì chị cần tiền. Đồng tiền kéo chị đi, bắt chị phải làm một ả điếm tinh ranh, nanh nọc. Hằng chấp nhận kiếm tiền bằng mọi giá, và chấp nhận bán tấm thân mình một ngày đến vài lần. Đến nỗi, có ông khách khó tính, một số nhân viên được điều lên bị bong (khách không đồng ý), thì Hằng xung phong lên tiếp. Và khách hài lòng.

Sau vài năm Hằng chuyển nơi làm việc và được chủ nhà nghỉ cho đứng lên làm quản lý chỉ cần trả tiền thuê nhà hàng tháng là được. Hằng nhận ngay, đó là một cơ hội tốt. Sẵn có vốn, Hằng đã dễ dàng tiếp quản được nhà nghỉ. Lúc này, Hằng bớt “đi khách” hơn và đến khi có của ăn của để thì thôi hẳn. Tuy nhiên, Hằng đã có vốn tích lũy và thuê thêm trụ sở để làm “nghề buôn son”, thu nạp một vài em út kinh doanh dịch vụ mại dâm. 

3. Tôi biết, trước khi đi vào con đường bán thân, Hằng đã khóc rất nhiều, và biết sẽ phải trả giá. Nhưng đồng tiền làm mờ mắt chị. Và một chút niềm kiêu hãnh với người chồng cũ, đang thất thế, đã khiến chị không thể dừng lại. Hằng làm tất cả một phần để kiếm tiền, biết là cái nghề ê chề nhục nhã, Hằng cũng chỉ định “buôn phấn bán hương” một thời gian rồi nghỉ về chăm sóc con cái.

Ấy thế rồi tai họa đổ lên đầu đứa con gái ngoan hiền. Cháu bị suy thận và thường xuyên phải chạy thận nhân tạo. Mấy lần vào viện thăm, tôi thấy hai mẹ con nhìn nhau rất lâu. Và lần nào cũng nhiều nước mắt. Tôi biết, chị đang nghĩ, rằng chính mình đã tạo nghiệp chướng, để con phải gánh hậu quả. Có  hôm, con gái chị nói với tôi: “Đêm qua mẹ cháu khóc, nói mẹ đã hại con. Chính mẹ đã hại con. Cháu chả hiểu mẹ nói gì. Cháu chỉ thương mẹ thôi. Hai mẹ con ôm nhau mà khóc”.

Đôn đáo chạy chữa cho con,  Hằng có điều kiện gần gũi con hơn thời gian trước cứ đi biền biệt và chỉ biết gửi tiền về. Gần con, Hằng càng thương con thì càng xót xa cho thân phận của mình. Đã đến lúc phải nghĩ lại. Thế rồi, Hằng quyết định chuyển nhượng để tìm một nghề khác. Và chị đã làm được. Chính biến cố của đứa con gái đã giúp chị có quyết tâm, mà nếu điều đó không xảy ra, chẳng biết bao giờ chị mới thức tỉnh.

Đến nay, đã 6 năm chị từ bỏ con đường cũ. Con gái chị vẫn phải chạy thận. Dù cuộc sống còn vất vả, lo lắng, nhưng tôi thấy chị sống thanh thản. Và dẫu muộn, thì chị cũng đã tìm lại được mình và biết cần phải sống làm sao để làm chỗ dựa cho một đứa con gái bệnh tật lúc nào cũng luôn nghĩ về những điều tốt đẹp cho người mẹ của nó. 

(Tên nhân vật đã được thay đổi)