“Sát thủ thầm lặng” mang tên rối loạn mỡ máu

ANTĐ -Nhiều người vẫn còn thờ ơ với những hệ lụy từ bệnh rối loạn mỡ máu mà không biết sức khỏe đang bị đe dọa. Trong khi đó giới chuyên gia coi bệnh này là “sát thủ thầm lặng” đe dọa cuộc sống hiện đại, cùng nhiều bệnh nguy hiểm như tiểu đường, ung thư...

Tuổi nào cũng mắc      

Mới 25 tuổi, chị Nguyễn Thị Nhã Uyên, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, cứ tưởng chẳng bao giờ lại bị rối loạn mỡ máu. Nhưng đợt khám sức khỏe mới đây, chị tá hỏa khi biết được kết quả xét nghiệm máu cho thấy mỡ máu cao gấp đôi bình thường.

"Tôi không ngờ mình còn trẻ mà đã bị mỡ máu cao như vậy. Mấy tháng nay tôi cứ thấy đau đầu, mệt mỏi và hay tức ngực"- chị Uyên nói.

Mỡ máu cao là căn bệnh khiến gia tăng các ca đột quỵ

Còn ông Nguyễn Hùng, 56 tuổi, ở Cao Bằng thừa nhận bị rối loạn mỡ máu đã 5 năm nay nhưng cứ nghĩ hạn chế ăn mỡ, bệnh sẽ thuyên giảm kèm uống thuốc. "Mới tháng trước tôi về thăm con ở Hà Nội, thấy xuất hiện những cơn đau ngực tôi đến BV Bạch Mai khám mới biết bị nhồi máu cơ tim thể nhẹ do rối loạn mỡ máu là nguyên nhân gây ra"- ông Hùng lo lắng.

Nhiều người mắc bệnh rối loạn mỡ máu nhưng triệu chứng không rõ ràng cộng với bệnh diễn biến âm thầm khiến họ luôn bỏ qua. Chị Nguyễn Thị Đào, 34 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội, cho biết thấy đầu hay đau, mặt mày xay xẩm, có lúc cơn đau thắt ngực nhói lên nhưng cứ nghỉ là công việc căng thẳng nên gây đau đầu.

"Khi đi khám tổng quát, bác sĩ nói mỡ trong máu của tôi vượt gấp nhiều lần chỉ số bình thường, gây nên các triệu chứng đau. Lúc này tôi mới phát hoảng"- chị Đào kể.

Chủ quan vì nghĩ bệnh này chỉ xảy ra với những người lớn tuổi, nên anh Trần Văn Hảo, 27 tuổi ở Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội, chẳng quan tâm. Khi đi khám sức khỏe cùng công ty anh bị mỡ máu với chỉ số 7.3, trong khi tiêu chuẩn bình thường là dưới 5.3.

GS-BS Đặng Vạn Phước - Chủ tịch Hội tim mạch TP.HCM cho rằng căn bệnh âm thầm này thậm chí còn tấn công cả những người có lối sống lành mạnh. Thậm chí nhiều người mắc bệnh dùng thuốc nhưng không thuyên giảm được bao nhiêu.

"Rối loạn mỡ máu diễn tiến âm thầm với các triệu chứng không rõ ràng khiến nhiều người chủ quan. Trong khi rối loạn mỡ máu tấn công ở tất cả độ tuổi gây nên vô số hệ lụy"- bác sĩ Phước cảnh báo.

Kiểm soát mỡ máu

Theo GS Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, rối loạn mỡ máu là một bệnh mạn tính không điều trị khỏi được. Bệnh được chia làm 3 loại, một loại làm tăng cholesterol toàn phần đồng thời tăng LDL - cholesterol, loại này nguy hiểm nhất vì làm tăng xơ vữa động mach. Loại thứ 2 là tăng triglyceride là chủ yếu và loại hỗn hợp tăng cả cholesterol toàn phần, LDL và triglyceride. Để giải quyết triglyceride bao giờ cũng là thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, giảm rượu bia. Nếu cách này không “ăn thua” thì mới áp dụng chữa bằng thuốc.

Trước đây tình trạng rối loạn mỡ máu chỉ xảy ra với những người ở lứa tuổi trung niên, nhưng hiện nay tình rạng này đang dần trẻ hóa vì rất nhiều nguyên nhân như yếu tố di truyền, lối sống thiếu lành mạnh rượu bia, thuốc lá, thức khuya....

Theo bác sĩ Phước rối loạn mỡ máu kèm cao huyết áp có liên quan đến ít nhất 45% các ca tử vong vì bệnh tim mạch và 51% các ca tử vong vì đột quỵ. Tại Việt Nam, rối loạn mỡ máu được nhắc đến ngày một nhiều bởi số lượng người bệnh ngày càng gia tăng, trở thành vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.

Công bố mới đây sau 3 năm khảo sát từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, khoảng 26% người Việt Nam ở lứa tuổi 25- 74 bị rối loạn mỡ máu, trong đó ở Hà Nội và TP.HCM, tỉ lệ này lên đến 45%.

Để điều trị bệnh rối loạn mỡ máu, Giáo sư Khải khuyên, bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đưa lượng mỡ máu trở về giới hạn bình thường, cần duy trì lối sống lành mạnh để hiệu quả điều trị tốt nhất. Bên cạnh đó, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn hợp lý và tập thể dục thể thao thường xuyên, phải tập thể lực 30-45 phút một ngày.
Những người có nguy cơ bị rối loạn mỡ máu nên làm xét nghiệm tầm soát bệnh mỗi 6 tháng một lần. Ngoài ra, các nhà khoa học đã tinh chiết thành công GDL-5 có nguồn gốc từ policosanol thiên nhiên, giúp cơ thể tự điều hòa cholesterol bằng cơ chế hoạt hóa receptor tế bào, thúc đẩy quá trình chuyển hóa cholesterol một cách tự nhiên. Qua đó, GDL-5 làm giảm đáng kể số lượng LDL, đồng thời tăng số lượng HDL trong máu nên giúp kiểm soát mỡ máu an toàn và ổn định huyết áp.