Sắp chấm dứt tình trạng giá khám chữa bệnh yêu cầu cao ngất ngưởng?

ANTD.VN - Bộ Y tế đang lấy ý kiến vào dự thảo Thông tư quy định tổ chức hoạt động và giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Dư luận kỳ vọng quy định mới sẽ chấm dứt được tình trạng loạn giá khám chữa bệnh yêu cầu và đảm bảo chất lượng loại hình dịch vụ này.

Cao nhất không quá 600.000 đồng/lần khám

Đại diện Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết khám dịch vụ, khám theo yêu cầu, đặt lịch hẹn trước... đã có ở hầu hết các BV công lập lớn.

Từ trước đến nay các BV công hoàn toàn tự chủ, tự “định giá” dịch vụ khám, điều trị và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. “Vì là BV công nên không thể muốn định giá thế nào thì định giá. Bộ sẽ đưa ra các điều kiện sát với tình hình thực tế, giá thực tế. Bộ đang xây dựng giá trần cho các dịch vụ này, nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ phải tương xứng với chất lượng”- ông Liên nhấn mạnh. 

Cụ thể, tại dự thảo Thông tư về giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu mới công bố, Bộ Y tế quy định mức giá của dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu, trong đó tại Hà Nội và TP. HCM giá thu tối đa 300.000 đồng/lần khám. Tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ giá tối đa 250.000 đồng/lần khám. Các các tỉnh, thành phố còn lại giá tối đa 200.000 đồng/lần khám. Ngoài ra, tại các cơ sở chất lượng cao tối đa không quá 2 lần mức nêu trên (400.000- 600.000 đồng/lần khám).

Với giá giường bệnh các phòng điều trị theo yêu cầu ở mức 3 triệu đồng – 1,5 triệu đồng – 800.000 đồng - 600.000 đồng/ngày (tương đương với loại phòng đặc biệt, 1 giường/phòng đến loại III, 4 giường/phòng); tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ giá khám tối đa 150.000 đồng/lần và giá giường ở mức 1,8 triệu đồng - 900.000 đồng – 600.000 đồng – 450.000 đồng/ngày. Với các tỉnh còn lại giá tối đa 100.000 đồng/lần khám và giá giường 1,2 triệu đồng - 600.000 đồng – 400.000 đồng – 300.000 đồng/ngày, tùy loại phòng. Khi khám dịch vụ, bệnh viện (BV) phải đảm bảo mỗi bác sĩ khám bệnh tối đa không quá 35 người bệnh/ngày làm việc.

Khu khám chữa bệnh theo yêu cầu phải tách riêng khỏi khu khám bệnh bình thường

Đi vào chi tiết từng dịch vụ, dự thảo cũng quy định, diện tích phòng dịch vụ phải rộng từ 12m2 (loại đặc biệt với 1 giường bệnh) đến 28m2 (loại III với 4 giường/phòng). Phòng phải có các thiết bị y tế như: Giường bệnh cấp cứu, tủ đầu giường, bàn đỡ trên giường bệnh, máy thở, monitor (màn hình), oxy đầu giường, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, hệ thống báo gọi y tế.

Phòng bệnh yêu cầu cũng phải kèm theo các thiết bị sinh hoạt như: Ti vi, tủ lạnh, điều hòa 2 chiều, bình đun nước uống và ấm chén, bàn ghế ngồi cho người nhà, điện thoại- internet, chăn ga đệm, quạt cây (quạt trần). Đặc biệt tại các phòng bệnh yêu cầu có 1 bác sĩ/4 giường bệnh và 1 điều dưỡng/giường bệnh phục vụ 24/24 giờ.      

Không cho phép “trộn lẫn”

Tại Hà Nội, hiện nay, tiền khám bệnh dịch vụ ở nhiều BV công có giá chênh lệch rất lớn, dao động từ 100.000 – 690.000 đồng/lượt khám. Cùng đó, dịch vụ mổ sớm tại các BV cũng từ 5-15 triệu đồng/ca. Đáng chú ý, tại một số bệnh viện công, người nhà bệnh nhân đã nhiều lần lên tiếng phàn nàn việc tiền công khám ngoài giờ quá cao, trong khi dịch vụ cung cấp lại không tương xứng.

Bệnh viện Nhi Trung ương cũng từng bị tố việc “biến” thành BV dịch vụ với mức giá khám chuyên khoa cao nhất cả nước, thậm chí đắt hơn cả bệnh viện tư nhân. Cụ thể, giá một lần khám chuyên khoa không hẹn trước tại BV Nhi Trung ương là 680.000 đồng; giá khám cấp cứu, khám đa khoa không hẹn trước, khám chuyên khoa có hẹn trước là 580.000 đồng, tái khám chuyên khoa giá 390.000 đồng…

Tại BV Bạch Mai, bệnh nhân từng phản ánh phòng dịch vụ 3 giường giá 1,2 triệu đồng/ngày tại Khoa Thần kinh (BV Bạch Mai) nhưng phòng mốc meo, điều hòa hỏng. Ngay sau đó, BV Bạch Mai đã xin lỗi bệnh nhân vì kiểm tra không sâu sát nên không kịp thời chấn chỉnh tình trạng phòng bệnh ẩm mốc và dừng thu phí ở phòng bệnh này.

Để tránh tình trạng “lẫn lộn” gây bức xúc nói trên, dự thảo thông tư quy định BV phải xây khu khám và điều trị dịch vụ tách riêng khỏi khu khám bệnh bình thường, khám BHYT, cũng không được lấy giường bệnh nằm trong chỉ tiêu của BV ra làm giường dịch vụ. Nếu BV có trên 10% số giường bệnh trở lên phải nằm ghép 2 người/giường thì không được tổ chức các phòng bệnh theo yêu cầu tại khoa điều trị.

Đơn cử, với dự án đầu tư cơ sở khám, chữa bệnh quy mô 300 giường bệnh, nếu ngân sách nhà nước cấp 30% tổng mức đầu tư thì phải dành tối thiểu 30% của 300 giường là 90 giường phục vụ KCB BHYT và các đối tượng không KCB theo yêu cầu, mức thu theo mức giá do cơ quan có thẩm quyền quy định, không được thu thêm. Còn lại 210 giường, tương ứng với 70% vốn vay, được thu theo mức giá tính đúng, tính đủ chi phí, có khấu hao để trả nợ...