Sản xuất, buôn bán thuốc kháng sinh, ung thư giả có thể lĩnh án tử hình

ANTD.VN -Những ngày qua dư luận xôn xao trước thông tin cơ quan chức năng phát hiện thuốc kháng sinh Zinnat 500 mg giả tại Hà Nội hay bột than tre tán mịn được cho vào các ruột vỏ thuốc con nhộng, đóng gói bán cho bệnh nhân ung thư. Tình trạng này khiến nhiều người dân cảm thấy bất an.

Giả từ kháng sinh đến thuốc ung thư

Zinnat 500 mg là loại thuốc kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm khuẩn và được sử dụng khá phổ biến trong lĩnh vực y tế, có giá từ 24.000-27.000 đồng/viên. Tuy vậy, mới đây Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã công bố thông tin, kết quả kiểm nghiệm cho thấy mẫu thuốc Zinnat 500 mg Film Tablet không có phản ứng định tính của Cefuroxime acetyl. Loại thuốc này trên nhãn in “Sefuroksim aksetil 20 film table”; số giấy phép 14209/QLD-KD ngày 30/3/2013; Parti no C763039. Sol kul. Ta 01-2019. Căn cứ vào kết quả này, Cục Quản lý Dược xác định thuốc trên là thuốc giả. Do vậy, Cục này đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán, sử dụng thuốc giả trên, đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Người dân cần thận trọng khi mua và sử dụng thuốc (ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 8-4, CAQ Kiến An, TP Hải Phòng đã phối hợp các ngành chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng và hóa mỹ phẩm ở phường Ngọc Sơn, quận Kiến An và phát hiện các công nhân tại đây đang đổ bột than tre tán mịn vào các ruột vỏ thuốc con nhộng, đóng gói bán cho bệnh nhân ung thư. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ, tài liệu và hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, hàng hóa tại cơ sở. Song, các sản phẩm của cơ sở này đã được phân phối rộng rãi tại nhiều địa phương. Hiện vụ việc đang được tiếp tục xác minh làm rõ.

Những thông tin trên khiến nhiều người dân lo lắng, bức xúc. Bà Nguyễn Thị Thục ở đường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ, bà tuổi cao sức yếu nên ốm đau khá thường xuyên, phải dùng nhiều loại thuốc. “Tôi hay mua thuốc ở cửa hàng thuốc ở gần nhà, khi mua chỉ đọc tên thuốc và trả tiền. Bản thân tôi nhiều khi còn mua phải thuốc quá hạn sử dụng nói gì đến việc phân biệt thuốc giả và thuốc thật. Nay tôi nghe nói đến thuốc kháng sinh còn bị làm giả thì nguy hiểm quá, người bệnh còn biết tin vào đâu nữa” – bà Thục than thở.

Về tác hại của thuốc giả, theo bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu – Bệnh viện E, nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong giới hạn từ 1/10.000 - 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lên tới 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là gây ngộ độc và dị ứng thuốc. Các kim loại nặng và chất độc trong thuốc giả có thể khiến người dùng bị nhiễm độc, khó thở, làm thay đổi chức năng tim và các cơ quan khác, thậm chí có thể gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong.

Việc dùng thuốc giả khiến bác sĩ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng tình trạng kháng thuốc. Điều đáng nói là thuốc giả, kém chất lượng rất đa dạng về chủng loại từ kháng sinh, thuốc đặc trị, thuốc bổ vitamin cho tới các thuốc có nguồn gốc từ đông dược, thực phẩm chức năng.

Sản xuất, buôn bán thuốc giả có thể bị phạt tới 20 tỷ đồng

 Liên quan đến trách nhiệm pháp lý đối với đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi ích người tiêu dùng, hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng; Hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng bị phạt tiền từ 40-60 triệu đồng; Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa mức phạt tiền từ 20-30 triệu đồng; Hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa mức phạt tiền từ 35-45 triệu đồng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh theo Điều 194 BLHS 2015. Theo đó, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 2-7 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Hàng giả trị giá từ 100-dưới 200 triệu đồng…thì bị phạt tù từ 5-12 năm. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thu lợi bất chính 2 tỷ đồng trở lên… thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Pháp nhân thương mại phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 1-20 tỷ đồng, thậm chí bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

“Về trách nhiệm dân sự, người mua thuốc có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc giả phải chịu trách nhiệm trong việc bán hàng giả. Trường hợp nếu thuốc giả gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người sử dụng thì đơn vị sản xuất, buôn bán phải bồi thường theo quy định tại BLDS 2015” – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho biết.