Săn trái cây "độc" đón Tết

ANTĐ - Thời gian gần đây, thị trường xuất hiện nhiều loại trái cây được quảng cáo là “độc” với giá không hề rẻ. Đáng nói, nhiều người đã tin tưởng đặt mua trong khi còn chưa biết đó là loại trái cây gì, công dụng ra sao. Tất cả chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ cũng như... thể hiện đẳng cấp.

Săn trái cây "độc" đón Tết ảnh 1Các loại trái cây lạ mắt được người tiêu dùng tìm mua để chơi dịp Tết

“Thổi” giá lên gấp 10 lần

Khi Tết Nguyên đán Bính Thân đang đến gần, những loại trái cây “độc” lại được quảng cáo rầm rộ và một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đổ xô săn lùng những thứ “kỳ hoa dị thảo” này. Từ những loại quả có giá hàng triệu đồng/kg như nho “chuỗi ngọc” đến vài chục nghìn đồng/kg như dưa lê thần tài đều rất hút khách. Tuy nhiên, nguồn gốc và chất lượng của các loại quả lạ này vẫn đang khiến người tiêu dùng nghi ngại. Gây “sốt” trên thị trường thời điểm này phải kể đến một số loại quả có hình dáng lạ như dưa lê thần tài có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Để mua được loại quả này, hầu hết khách hàng phải đặt cọc tiền, sau đó, chủ hàng căn cứ vào số lượng đặt mới nhập hàng về. Trên các trang mạng xã hội, các shop bán hàng online, loại dưa này được quảng cáo rầm rộ. Giá bán ở thời điểm mới xuất hiện lên tới 90.000 - 100.000 đồng/quả nhưng hiện tại do lượng người bán tăng cao nên giá chỉ còn 22.000 - 30.000 đồng quả. Một quả dưa lê chỉ cao 8-10cm nhưng với kỹ thuật trồng tạo hình bằng cách bọc quả non trong những khuôn nhựa định hình sẵn nên khi phát triển, chúng sẽ có hình ông thần tài, phía trước có chữ nổi.

Để thêm phần hút khách, nhiều người đã tìm cách nhập thêm dưa lê thần tài với nhiều mẫu mã như ôm cá chép trước bụng với ý nghĩa chúc cho gia chủ may mắn, giàu có. Đặc biệt, dưa lê thần tài có thể bày 2-3 tháng không thối hỏng nên được ưa chuộng.

Nho “chuỗi ngọc” được giới thiệu là loại quả nhập khẩu từ châu Âu với nhiều màu (đỏ tươi, đen, hồng, trắng) và được bán với giá rất đắt, 2 triệu đồng/kg dù khi ăn có vị chua. Loại nho này khá bắt mắt về hình thức, vỏ nhẵn bóng, trong suốt như ngọc. Song thực tế, nho “chuỗi ngọc” là một loài cây dại mọc ở một số nước như Pháp, Australia… và thường được dùng để trang trí bánh kem, làm mứt hoặc xay sinh tố. Giá bán loại quả này tại các nước bản địa cũng chỉ dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/kg nhưng về đến Việt Nam, chúng được gọi bằng cái tên hoa mỹ và giá cũng bị “thổi” lên  tới cả chục lần. 

Hầu hết là sản phẩm đột biến gen

Một loại quả khác cũng đang được người tiêu dùng đua nhau săn tìm và dự báo giá sẽ tăng vọt trong dịp Tết năm nay là cà chua đen. Giá của loại cà chua này khá cao, dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg và được các chủ hàng giới thiệu là được chuyển từ Đà Lạt ra. Do mới được trồng thử nghiệm trên diện tích hẹp ở Đà Lạt nên người có nhu cầu phải đặt hàng và chờ đợi từ 1 - 2 tuần. Không chỉ săn lùng quả, nhiều người còn tìm mua hạt cà chua đen từ TP.HCM đưa ra Hà Nội trồng làm cảnh.

Giá hạt cà chua đen được bán tới 17.000 đồng/hạt. Trước băn khoăn của người tiêu dùng về nguồn gốc của cà chua đen, các nhà vườn đều khẳng định, đây là loại giống cây nhập khẩu, không phải sản phẩm biến đổi gen. Song, đến thời điểm này, đại diện Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, chưa có thông tin gì về loại cây trồng này và sẽ xác minh trong thời gian sớm nhất.

Theo TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, hầu hết loại rau củ có màu sắc “lạ”, sặc sỡ đều là sản phẩm của công nghệ đột biến gen chứ không phải là sản phẩm biến đổi gen. Người ta đã mang hạt giống, cây giống đi chiếu xạ, sắp xếp lại gen để thay đổi một số đặc tính truyền thống, tạo ra đột biến di truyền. 

Sản phẩm nội ghi điểm

Nếu như các loại trái cây “độc” ngoại nhập đã làm mưa, làm gió trên thị trường nhiều năm qua thì khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều nhà vườn Việt Nam đã nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng và tạo ra những loại trái cây lạ phục vụ dịp Tết Nguyên đán. “Sốt” nhất trong số hàng nội năm nay phải kể đến dưa hấu Bính Thân, tức quả dưa hấu được dập nổi hình dáng con khỉ ngoài vỏ. Đặc biệt, tay con khỉ còn cầm đồng tiền, dưới chân là những nén vàng mang theo ý nghĩa năm Bính Thân sẽ đem lại nhiều tài, lộc.

Mỗi quả dưa nặng khoảng 5kg, người trồng dưa không dùng chất bảo quản nên khách mua về có thể để được 30 ngày trưng Tết và ăn bình thường chứ không phải bỏ đi như những thứ quả khác. Tuy nhiên, mức giá bán loại dưa này lại khá “chát”, dao động từ 400.000-450.000 đồng/quả. Dù vậy, một số cửa hàng bày bán loại dưa này khá đắt hàng. Chị Nguyễn Thị Hồng Nguyên, một chủ cửa hàng kinh doanh trái cây trên phố Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, số lượng khách đặt dưa có “in” hình con khỉ đến thời điểm này đã lên tới gần 400 người (mỗi khách đặt 1 cặp), số còn lại là đặt dưa có hình Phúc - Lộc - Thọ. Các loại dưa “in” hình con khỉ hay Phúc - Lộc - Thọ, dưa hình thỏi vàng... đều xuất xứ từ các nhà vườn ở vùng Nam bộ. 

Thị trường trái cây miền Tây Nam bộ Tết năm nay còn có sự xuất hiện của quả dừa tươi được dập chữ cách điệu một cách mềm mại, bắt mắt. Những quả dừa tươi được “in chìm” những chữ thư pháp: Tài, Lộc, Thọ, Phúc, 2016, Bính Thân… Người có sáng kiến này là nông dân Huỳnh Thanh Tâm (29 tuổi, trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Sản phẩm được ép khuôn từ trái dừa xiêm xanh, chủ nhân đặt tên gọi là “Dừa Phú quý Bến Tre”; có giá bán lên tới 300.000 đồng/quả, trong khi giá dừa xiêm tươi bình thường bán tại vườn chỉ khoảng 5.000 đồng/quả.

Mặc dù thị trường trái cây trong nước đã có những cải tiến để đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán nhưng hầu hết các loại trái cây “độc”, lạ đều đắt đỏ. Theo các nhà vườn ở đồng bằng sông Cửu Long, sở dĩ một số loại trái cây “độc” như dưa hấu, dừa, bưởi... có giá quá cao là do việc tạo hình rất tốn kém thời gian và công sức. Ngoài ra, yếu tố thời tiết cũng là nguyên nhân chi phối tới giá các loại trái cây “độc” này.

TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, những năm gầy đây, nhiều nhà vườn ở đồng bằng sông Cửu Long đã nhạy bén khi sản xuất được những loại trái cây có tạo hình lạ, “độc” để phục vụ nhu cầu của người dân. Đây là việc làm rất đáng khen ngợi và cần phát huy. Tuy nhiên, cũng vì muốn có lợi nhuận cao nên nhiều nhà vườn đã đẩy giá bán của các loại trái cây này lên quá cao khiến người tiêu dùng bình dân không dám chọn mua.

Đó là lý do dẫn đến việc càng cận Tết, bưởi và dưa hấu tạo hình càng rớt giá thê thảm. Các nhà vườn nên trả lại giá trị thực cho các sản phẩm “độc” của mình. Có như thế, người dân mới sẵn sàng đón nhận. Ngoài ra, nếu giá các loại trái cây “độc” còn bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực như vậy, sẽ tạo cơ hội để các loại trái cây lạ của Trung Quốc xâm nhập, chiếm lĩnh thị trường. Bởi, hầu hết trái cây Trung Quốc rất bắt mắt, có màu sắc, chủng loại đa dạng và cốt yếu là giá “mềm”, phù hợp với số đông người tiêu dùng trong nước.

Độc đáo chứ không độc hại

Theo ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), các loại quả lạ có được không phải do sử dụng hóa chất mà do giống. Người ta đã sử dụng công nghệ lai tạo giống để tạo ra sự đột biến về màu sắc ở cây con so với cây bố mẹ. Các sản phẩm này không gây độc hại gì cho người tiêu dùng nếu như nhà sản xuất tuân thủ đúng quy trình gieo trồng, bảo quản. “Trước đây, Việt Nam chỉ có thanh long ruột trắng nhưng giờ có cả thanh long ruột đỏ, đó chính là sản phẩm của công nghệ lai tạo giống”, ông Hoàng Trung thông tin.