Sân chơi khu tập thể bị "xẻ thịt", trẻ không có chỗ chơi, người lớn kêu không thấu

ANTD.VN - Thực trạng sân chơi khu tập thể cũ bị chiếm dụng và sử dụng sai mục đích tồn tại hàng chục năm nay trên địa bàn Hà Nội gây bức xúc trong dân cư, song dù được phản ánh nhiều nhưng vẫn không chuyển biến. 

Trình trạng lộn xộn tại sân K7-K8 tập thể Thành Công, quận Ba Đình

Hà Nội hiện có trên 1.000 khu nhà tập thể cũ và tương ứng từng đó khoảng sân chơi, sinh hoạt chung nhưng hầu hết đều bị chiếm dụng, thu hẹp, sử dụng sai mục đích làm bãi để xe, chợ cóc, hàng quán... Tình trạng trên diễn ra nhiều năm, gây nhức nhối ở các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự, quận Đống Đa, khu tập thể Thanh Xuân, quận Thanh Xuân, khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, tập thể Thành Công, quận Ba Đình.

Muôn vàn kiểu lấn chiếm

Chúng tôi tìm đến khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, nơi được phản ánh là nhiều năm tồn tại tình trạng lấn chiếm sân chung gây bao nỗi thống khổ cho cư dân nơi đây. Một ví dụ điển hình là khoảng sân chung giữa tòa nhà K7 và K8 không khác gì một khu chợ nhếch nhác.

Ở “cái chợ” này không thiếu hạng mục nào, từ dịch vụ trông xe, quán nước, cơm bình dân, cửa hàng bánh ngọt, hiệu sửa xe, quán cháo lươn, cháo ngao và đặc biệt còn có cả nhà hàng phục vụ hải sản tươi. Bàn ghế lổn nhổn, ô che, bạt căng bừa phứa. Không khí nồng nặc hơi than lẫn mùi thức ăn.

Dưới chân lép nhép nước, vài cọng rau lập lờ miệng cống. Xô chậu xếp hàng trên bậc cầu thang lối đi chung tòa nhà. Tất cả như thách thức nội dung băng rôn đỏ thắm treo ngay ngắn phía trên: Toàn thể nhân dân địa bàn dân cư 14 đoàn kết thi đua, quyết tâm thực hiện tốt “Năm trật tự văn minh đô thị”.

Ông Phạm Quốc Hạnh, tổ trưởng tổ dân phố 38, phường Thành Công cho biết: Thực trạng chiếm dụng sân chung K8, K7 làm nơi buôn bán tồn tại nhiều năm nay. Ban đầu chỉ có dịch vụ trông xe, sau này xã hội có nhiều nhu cầu hơn, khu tập thể cũng nảy sinh nhiều loại hàng quán. Việc kinh doanh chủ yếu của các hộ tầng 1, một số hộ cho thuê mặt bằng để người nơi khác đến mở quán, kéo theo đó là bao nhiêu thứ ảnh hưởng đến môi sinh nghiêm trọng, trẻ em không còn chỗ chơi.

Tổ dân phố đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp theo đúng chức trách được chính quyền phân công, từ vận động, kêu gọi, yêu cầu cam kết, chấm dứt các sai phạm nhưng đâu lại vào đó. Năm 2011, tổ dân phố phối hợp với các ban ngành của phường mở đợt ra quân dẹp bỏ hàng quán ở sân K8, khi đó đã dẹp bỏ sạch sẽ quán hàng ăn, nhưng do không duy trì được việc kiểm tra, các hộ dân tái lấn chiếm sau một thời gian ngắn.

“Giải quyết tình trạng này giống như “cuộc chiến” dai dẳng, khó khăn, mệt mỏi. Nhiều hộ dân cố tình chây ỳ, tổ dân phố chỉ có thể vận động. Nếu chính quyền, cơ quan chức năng không vào cuộc thì tình trạng này còn tiếp diễn”, ông Hạnh bức xúc.

Một trường hợp khác, tập thể XNK TH 1 tại ngõ 230 Lạc Trung, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng lại rơi vào tình trạng khó giải quyết. Năm 2009, các hộ dân sống tại nhà B4 và B5 cùng ký nội quy sử dụng trong đó xác định: Sân B4 và sân B5 là nơi vui chơi của trẻ nhỏ, người già, nơi sinh hoạt chung của cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay nhiều hộ tầng 1 vẫn lấn chiếm trông giữ xe máy, ô tô tràn lan. 

Ông Tâm, sống tại nhà B5 trao đổi: Sân B5 đang rơi vào tình trạng không xác định được quyền sử dụng thuộc Công ty cổ phần XNK TH 1 hay của tập thể. Năm 2005, Công ty XNK TH 1 có biên bản bàn giao cho Xí nghiệp quản lý nhà quận Hai Bà Trưng phần diện tích của hai nhà B4 và B5, không bàn giao khoảng sân trước mặt nhà B5.

Đến tháng 5-2006, Công ty XNK TH 1 cổ phần hoá và đổi tên thành Công ty cổ phần XNK TH 1 nhưng không rõ có kê khai phần tài sản gồm một số gara ô tô và sân B5 theo quy định của luật cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước và Luật Đất đai năm 2003 hay không. Hơn 20 năm nay, Công ty cổ phần XNK TH 1 không có cán bộ nào làm việc tại khu B5 nhưng công ty thông báo với UBND phường Thanh Lương vẫn sử dụng quỹ đất trên làm “trụ sở cơ quan”. Thực tế, công ty chỉ còn lại 9  gara cũ nát cho một số hộ thuê trông giữ xe máy. Sự mập mờ này gây nên tình trạng lấn chiếm vô tội vạ. 

Trẻ em bị “giam lỏng”

Các khu tập thể tại Hà Nội phần lớn xây trước năm 1990, diện tích nhỏ hẹp, các căn hộ thông thường chỉ từ 40-45m2, đa phần đã xuống cấp. Không gian căn hộ như vậy chỉ đủ dành cho các sinh hoạt tối thiểu, trẻ em không có điều kiện phát triển thể chất và trí tuệ. Chính vì thế, sân chơi trong khu tập thể cũ trở nên vô cùng quý giá, chúng giúp trẻ giải phóng năng lượng, rèn luyện thân thể. Thế nhưng, nhìn vào thực trạng sân chơi hiện nay thì trẻ em lấy đâu chỗ chơi.

Chị Mai, cư dân sống tại nhà K7, khu tập thể Thành Công bức xúc: “Nhà có hai trẻ nhỏ đều tuổi ăn, tuổi lớn. Các cháu ngoài thời gian học thì chỉ biết nhìn vào máy tính, đọc truyện hoặc xem tivi, cả hai đứa đều cận thị. Bác sĩ chuyên khoa mắt khuyên tăng cường hoạt động ngoài trời để phục hồi sức khỏe đôi mắt. Nhưng nào còn chỗ mà chơi, những khoảng sân kia đáng ra thuộc quyền sử dụng của mình thì nay bị “xẻ thịt” bán hàng. Nhiều hộ ở đây có con nhỏ muốn bán nhà đi nơi khác ở cũng không bán được vì nhếch nhác thế ai dám mua, đành phải bỏ nhà đi thuê nơi khác”.

Đáng nói là việc các hộ dân bị ảnh hưởng đã kiến nghị nhiều lần, nhưng không khác gì ném đá ao bèo. Anh Tuấn khu B5, tập thể XNK TH 1 cho biết: “Tôi đã kiến nghị với tổ dân phố từ 10 năm trước về tình trạng trông giữ xe lấn hết khoảng sân chơi của trẻ nhỏ. Khi ấy cháu nhỏ con tôi mới tập đi, bây giờ cháu đã là học sinh cuối cấp tiểu học, mà hiện trạng vẫn y nguyên. Từng ấy năm, cứ khi nào cháu bước ra sân khu tập thể là tôi phải theo sát, lơ là chút thôi tai nạn xảy đến bất cứ lúc nào”.

Thực trạng sân chơi khu tập thể và chủ trương dẹp nạn lấn chiếm đã được phản ánh trong rất nhiều văn bản của HĐND và UBND thành phố Hà Nội. Cơ sở pháp lý xác định trẻ em có quyền được vui chơi cũng ghi nhận trong nhiều văn bản luật như: Công ước quốc tế về quyền trẻ em; Quyết định số 37/2010/QĐ-Tgg ngày 22/4/2010 về việc ban hành quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em; Pháp lệnh Nhà nước về quyền trẻ em... Tất cả các nội dung đều thể hiện một tinh thần: Trẻ em là đối tượng ưu tiên hàng đầu trong giải quyết tình trạng chiếm dụng đất tập thể.

Thế nhưng trẻ em sống ở các khu tập thể cũ Hà Nội vẫn tiếp tục không có chỗ chơi trong khi khoảng không gian chung bị “xẻ thịt” công nhiên.