Sai lầm thường gặp ở bệnh tay - chân - miệng

ANTD.VN - Gần đây, số ca bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng, đúng dịp học sinh tựu trường. Mặc dù đây là bệnh nhẹ, các triệu chứng sẽ tự khỏi song vẫn có thể tiến triển nặng với các biến chứng nguy hiểm nếu chăm sóc không đúng cách.

Nhầm lẫn bệnh loét miệng với tay chân miệng

Để phân biệt bệnh loét miệng với tay chân miệng, chỉ cần xem xét những bọng nước đó có xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối của trẻ hay không. Nếu là viêm loét miệng bình thường thì vết loét thường nhỏ, xuất hiện ở niêm mạc má, môi, nướu hoặc dưới lưỡi. Nếu thấy có bọng nước, lại xuất hiện các triệu chứng nặng như co giật, đi loạng choạng, nôn ói liên tục, sốt cao khó hạ, phải đưa trẻ vào bệnh viện ngay.

Vệ sinh răng miệng sai cách

Khi bị tay chân miệng, các nốt phỏng mọc trong miệng là vấn đề đáng ngại nhất khiến trẻ đau không ăn được, không cho cha mẹ vệ sinh răng miệng dẫn đến nguy cơ bị bội nhiễm. Nhiều bố mẹ đã dùng khăn sữa, bông gạc thấm nước muối rửa răng miệng cho trẻ, tăng nguy cơ chạm, vỡ các nốt phỏng, làm vết loét thêm nặng. Cách vệ sinh miệng tốt nhất là uống nhiều nước, sử dụng nước muối sinh lý súc miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn, trước khi đi ngủ, ngủ dậy. 

Kiêng cữ quá mức

Trẻ bị bệnh tay chân miệng không cần kiêng cữ, các mụn nước bên ngoài da cũng không cần bôi thuốc, việc vệ sinh mụn nước chỉ cần 1 lần/ngày, chú ý không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da trẻ bệnh. Cũng không cần ép trẻ ăn quá nhiều, cho trẻ ăn uống đủ chất để bổ sung protein, kẽm, vitamin A và C nhằm tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, chỉ nên cho trẻ uống hạ sốt khi bé sốt trên 38,5 độ C, cho trẻ ở nơi thông thoáng, mặc đồ rộng rãi. Nhiều người ủ ấm quá mức khiến trẻ ra mồ hôi càng làm tình trạng nặng hơn. 

Chỉ trẻ nhỏ mới mắc tay chân miệng

Bệnh xảy ra cho mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là nhóm dưới 3 tuổi. Tuy vậy, tỷ lệ mắc bệnh tay chân miệng ở người lớn vẫn chiếm khoảng 1% trong số trường hợp mắc.

Không cách ly

Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Do đó, khả năng lây nhiễm rất lớn. Bởi vậy, trẻ bị bệnh tay chân miệng phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Bệnh chỉ xảy ra vào thời điểm chuyển mùa

Bệnh xảy ra cả năm. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, hàng năm bệnh thường bùng phát vào 2 thời điểm, từ tháng 4 đến tháng 6 và từ tháng 10 đến tháng 12.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài từ 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như loét miệng, phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; sốt nhẹ, nôn.