Rượu "3 không" xuất hiện khắp mọi nơi

ANTD.VN - Rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ (rượu 3 không) được bày bán tràn lan một phần do nhận thức của người dân còn thấp, nhu cầu tiêu dùng cao.

Ngày càng có nhiều nạn nhân bị ngộ độc rượu

Trước tình hình ngộ độc rượu xảy ra liên tiếp, Bộ Công Thương vừa có Chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý về an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu. Liệu các biện pháp đưa ra có đủ mạnh để hạn chế “rượu độc”?

Hàng nghìn lít rượu “3 không” bị thu giữ

Gần đây, cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Có thể kể đến là vụ ngộ độc nghiêm trọng tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu ngày 13-2-2017 đã làm 69 người bị ngộ độc, trong đó có 9 người tử vong. Tại Hà Nội, nhiều ca ngộ độc rượu cũng được ghi nhận. Đáng chú ý, nạn nhân của các vụ ngộ độc này phần lớn là người lao động phổ thông, sinh viên, người có thu nhập thấp… vì giá “rượu độc” hợp với túi tiền của họ. 

Theo một cán bộ của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, rượu “3 không” hiện có mặt ở khắp nơi. “Ngay cả hàng ăn nhỏ hay quán trà đá cũng có rượu tự nấu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn. Khách hàng của những điểm bán này đa số là người có thu nhập thấp. Hiện nay, lực lượng quản lý thị trường mới tập trung kiểm tra các điểm bán nhỏ lẻ này, nếu thấy “rượu 3 không” bày bán công khai là tịch thu ngay. Các cơ sở cất giấu rượu không rõ nguồn gốc cũng bị xử lý” - vị cán bộ này nói.

Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6 cho hay, chỉ trong 2 tuần, từ ngày 4 đến 20-3, Đội Quản lý thị trường số 6 đã kiểm tra, kiểm soát, xử lý 52 cơ sở kinh doanh, bán lẻ rượu tiêu dùng tại chỗ; tịch thu 2.203 lít rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; xử phạt hành chính 31,35 triệu đồng… 

Phải thay đổi nhận thức

Trước tình hình diễn biến phức tạp nêu trên, Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu các Sở Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhanh chóng nắm bắt tình hình, tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu nhằm ngăn ngừa những vụ việc đáng tiếc tương tự xảy ra. 

Trong lĩnh vực dân sự, rượu là mặt hàng tự do lưu thông nên mọi người dân có thể mua bán rượu dễ dàng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, các doanh nghiệp nếu muốn kinh doanh, buôn bán rượu nhằm mục đích sinh lợi nhuận thì sẽ phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định pháp luật hiện hành.

Không nên cho các hộ kinh doanh cá thể, hộ buôn bán nhỏ lẻ bán rượu, bởi chất lượng hàng hóa ở đây rất khó kiểm soát

Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6

Từ năm 2014 đến nay, những người bán lẻ rượu phục vụ tiêu dùng tại chỗ không cần giấy phép. Quy định này một mặt tạo thuận lợi cho người kinh doanh, bớt được các giấy tờ hành chính nhưng mặt khác lại dẫn đến nhiều hệ lụy, mà nguy hiểm nhất là vì lợi nhuận, người sản xuất, kinh doanh đưa ra tiêu thụ sản phẩm không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, việc kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng rượu gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là do các điểm có quy mô nhỏ nhưng phân tán trên phạm vi rộng, trong khi đó, lực lượng chức năng lại thiếu cả về nhân lực và trang thiết bị phục vụ công tác.

“Tốt nhất là không nên cho các hộ kinh doanh cá thể, hộ buôn bán nhỏ lẻ bán rượu, bởi chất lượng hàng hóa ở đây rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, cần giới hạn độ tuổi người mua rượu, chẳng hạn không nên bán rượu cho người mua dưới 18 tuổi. Lực lượng chức năng sẽ kiểm tra đột xuất để buộc các cơ sở bán rượu như vậy tuân thủ pháp luật” - ông Hoàng Đại Nghĩa nói.

Đồng quan điểm, một chuyên gia về thị trường cho rằng: “Nấu rượu, uống rượu từ lâu được coi là văn hóa của người Việt Nam. Giờ muốn bỏ rượu không nhãn mác thì cần tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân. Nếu người dân còn thói quen phải uống rượu mới làm được việc, chúc nhau đến cạn ly thì khó ngăn “rượu độc”.