Rơi giàn giáo ở Lê Văn Lương: Vi phạm an toàn lao động trong thi công xây dựng bị xử phạt thế nào?

ANTD.VN - Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên đường Lê Văn Lương ngày 27-9  khiến 1 phụ nữ đi đường thiệt mạng tại chỗ đã ngay lập tức gây xôn xao trong dư luận. Sự việc làm tăng thêm nỗi lo của người dân về tình trạng mất an toàn lao động trong thi công các công trình xây dựng cao tầng ở các thành phố lớn.

Như ANTĐ đã đưa tin, chiều tối ngày 27-9, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên đường Lê Văn Lương (đoạn thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Cụ thể, một thanh sắt cỡ lớn từ giàn giáo của công trình xây dựng bất ngờ văng xuống đường, khiến 1 phụ nữ đi đường thiệt mạng tại chỗ; 1 người đàn ông bị thương nặng.

Vụ tai nạn khiến 1 phụ nữ đi đường thiệt mạng tại chỗ, 1 người đàn ông bị thương nặng

Qua xác định ban đầu, cơ quan chức năng xác định người bị thương là ông Nguyễn Hùng Cường (SN 1956, trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Nạn nhân tử vong là chị Dương Thị Hằng (SN 1987, quê quán Bắc Ninh).

Theo quan sát của PV, thanh sắt cỡ lớn trên thuộc giàn giáo của 1 công trình xây dựng nhà ở và trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê; công trình gồm 2 tầng hầm, 16 tầng nổi, hiện đã cất nóc, hoàn thành phần khung và đang hoàn thiện.

Một thông tin trên báo Vietnamnet cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định, theo tiến độ thi công, công nhân lắp kính mặt ngoài tầng 5-7 của tòa nhà và sử dụng hệ thống Gondola (sàn làm việc chuyên dụng trên cao) từ tầng 16 để di chuyển phía ngoài tòa nhà.

Cần trục bên trái của Gondola tuột ra khỏi bộ phận đối trọng rơi từ tầng 16 xuống đường Lê Văn Lương

Khi lắp kính đến tầng 7, công nhân thấy đến giờ nghỉ nên điều khiển để sàn thao tác xuống tầng 6 cho mọi người xuống, thì bất ngờ cần trục bên trái của Gondola tuột ra khỏi bộ phận đối trọng rơi từ tầng 16 xuống đường Lê Văn Lương và gây ra tai nạn chết người.

Đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng như vậy tại các công trình xây dựng cao tầng, gây nên những thiệt hại lớn về người và của.

Theo Dân trí, số người chết do tai nạn lao động là 928 người trong năm 2017, bằng 11% số nạn nhân tai nạn giao thông. Số vụ có từ 2 nạn nhân trở lên là 101 vụ. Trong khu vực có quan hệ lao động, hơn 45% vụ tai nạn lao động xuất phát từ lỗi của người sử dụng lao động.

Qua phân tích các tai nạn có nguyên nhân từ người sử dụng lao động, ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết có 3 nhóm chính: “Không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 14,6% tổng số vụ; không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 12,31%; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 10%…”.

Đặc biệt, tình trạng không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động là nguyên nhân chính của các tai nạn chết người.

Qua thực tế khảo sát, Cục An toàn lao động đã phát hiện nhiều doanh nghiệp chủ động yêu cầu đơn vị đào tạo cung cấp dịch vụ huấn luyện với thời gian, mức chi phí thấp hơn quy định.

Trường hợp vi phạm quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01-01-2018), được sửa đổi bởi Khoản 97 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 thì:

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: 

a) Làm chết người; 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: 

a) Làm chết 02 người; 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; 

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; 

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người. 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm: 

a) Làm chết 03 người trở lên; 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; 

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Dấu hiệu pháp lý của tội danh này là:

Thứ nhất, khách thể: Tội phạm này xâm phạm đến sự an toàn trong lao động sản xuất, xâm phạm đến sức khoẻ, tài sản, tính mạng của công dân.

Thứ hai, chủ thể: Là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt tuổi luật định.

Thứ ba, mặt khách quan: Người thực hiện hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, biểu hiện của hành vi vi phạm này có thể là việc:

- Đưa vào sử dụng các trang thiết bị lao động sản xuất không đảm bảo an toàn.

- Không cấp hoặc cấp không đúng tiêu chuẩn, chủng loại các phương tiện bảo hộ lao động, vệ sinh lao động.

Căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này là phải có hậu quả về tài sản, sức khỏe, tín mạng con người.

Thứ tư, mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả). Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

Hình phạt áp dụng đối với tội danh này là:

Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm (Khoản 2); phạt tù từ 06 năm đến 12 năm (Khoản 3).

Trường hợp, vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung được nêu tại Khoản 5.