Rào cản phải vượt qua

ANTD.VN - Trong cuộc cạnh tranh giữa 3 loại hình giao thông vận tải: đường thủy, đường sắt, hàng không, ngành đường sắt có ưu thế vượt trội về sự an toàn, lưu lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa và giá cả phù hợp với túi tiền của mọi người dân. 

Nhất là với chiều dài gần 1.800km từ Bắc vào Nam đi qua hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, đường sắt Việt Nam có cả một tiềm năng, lợi thế chiếm lĩnh thị phần, nếu như biết khai thác, đầu tư, nâng cấp.

Chạy đua tốc độ và sự tiện lợi của vận tải hàng không, đương nhiên không phải “đích ngắm” của ngành đường sắt. Song, trong khi các hãng hàng không trong nước đang rục rịch tăng giá, kể cả hàng không giá rẻ, thì được đi tàu bay đối với nhiều người dân thu nhập trung bình hoặc thấp ngày càng trở nên xa xỉ.

Họ chỉ còn lựa chọn đi tàu hỏa, vừa an toàn, vừa túi tiền, không lo chậm giờ, hủy chuyến như máy bay. Đây chính là cơ hội vàng cho ngành đường sắt thu hút hành khách, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo dựng hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân. 

Trong những năm gần đây, ngành đường sắt đã có nhiều nỗ lực không chỉ tăng tốc, rút ngắn thời gian chạy tàu mà quan trọng hơn, đáng ghi nhận hơn là thay đổi hẳn tình trạng ì ạch, nhếch nhác đã tồn tại quá lâu. Thay đổi từ chăn, ga, gối đệm, điều hòa nhiệt độ trong các toa khách cho tới thái độ phục vụ ân cần, niềm nở, chu đáo, tận tình với hành khách. Hệ thống bán vé qua mạng trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách, đồng thời góp phần đáng kể xóa bỏ nạn “cò” vé, lậu vé. Bộ mặt các nhà ga ngày càng trở nên sạch đẹp, trật tự, an toàn. 

Ngành đường sắt còn chạy thí điểm một số tuyến đường “chất lượng cao”, nhưng kết quả không được như mong muốn bởi thua lỗ, doanh thu không đủ chi. Bản thân những người trong ngành cũng như giới chuyên gia giao thông trong và ngoài nước, đặc biệt là các nước có ngành đường sắt phát triển hiện đại đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với ngành hàng không như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã chỉ ra một thực tế.

Đó là, chừng nào Việt Nam không “phá bỏ” được khuôn khổ đường ray chật hẹp, lạc hậu tồn tại từ trăm năm nay thì dù có đổ vào hàng trăm triệu USD cũng không thể tăng tốc tạo sự đột phá, kéo “con tàu” Việt Nam vượt khỏi “vùng trũng” giao thông trong ASEAN. Điều đó có nghĩa, kỳ vọng ngành đường sắt có đủ sức để chạy đua trên bộ, trên không ngày càng trở nên xa vời.

Như vậy, rào cản mà ngành đường sắt phải vượt qua nằm ngay chính trên con đường của mình. Nếu không nhanh chóng, quyết tâm vượt qua thì không thể kinh doanh, khai thác đường sắt quốc gia có hiệu quả.