Rao bán động vật hoang dã trên Internet, phạm tội gì?

ANTĐ - Ngày 9-1, kiểm lâm và Công an huyện Quỳnh Lưu đã kiểm tra nhà riêng của Hồ Minh Chinh (SN 1991), ở xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, Nghệ An; chủ nhân Facebook cá nhân có tên Minh Chinh. Trên trang chủ của Facebook Minh Chinh xuất hiện rất nhiều hình ảnh động vật như hổ, gấu bị giết thịt để nấu cao kèm theo những lời giới thiệu bán hổ, gấu, cao hổ, tay gấu, mật gấu… 

Rao bán động vật hoang dã trên Internet, phạm tội gì? ảnh 1 Rao bán động vật hoang dã trên Internet, phạm tội gì? ảnh 2

Chủ Facebook Minh Chinh cho biết cao hổ cốt có giá từ 25-27 triệu đồng/lượng, mua số lượng bao nhiêu cũng có. Ngoài cao hổ, nam thanh niên này còn thông tin luôn có sẵn nguồn hàng là tay gấu, mật gấu rừng cùng nhiều động vật quý hiếm khác. Ngoài ra trên Facebook, chủ nhân tên Chinh khẳng định là gia đình buôn bán động vật từ lâu, có rất nhiều mối quan hệ…

Vấn đề cần trao đổi là, chưa khẳng định được chủ nhân Facebook Minh Chinh giết và bán gấu, hổ, thì Hồ Minh Chinh có phạm tội không, nếu phạm tội thì phạm tội gì?

 Ý kiến bạn đọc:

Buôn bán động vật hoang dã trái phép

Hổ, gấu đều là những động vật hoang dã thuộc loài quý hiếm nằm trong danh sách bảo vệ của pháp luật. Việc Hồ Minh Chinh giới thiệu trên Facebook cá nhân của mình bán hổ, gấu, cao hổ, tay gấu, mật gấu đã vi phạm những quy định của pháp luật.

Cụ thể, hành vi của Chinh đã vi phạm Điều 190, Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Theo đó, người nào săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Vũ Văn Hà(Quỳnh Phụ, Thái Bình)

Chưa đủ căn cứ để buộc tội

Nếu căn cứ vào nội dung thông tin như trên thì chưa đủ yếu tố để buộc tội Chinh vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Việc trên Facebook Minh Chinh xuất hiện rất nhiều hình ảnh hổ, gấu bị giết thịt để nấu cao kèm theo những lời giới thiệu bán hổ, gấu, cao hổ, tay gấu, mật gấu… với giá từ 25-27 triệu đồng/lượng, mua số lượng bao nhiêu cũng được chỉ là những lời nói có phần quảng cáo của Chinh.

Để khẳng định Chinh có vi phạm hay không cần phải căn cứ vào kết quả kiểm tra trực tiếp. Nếu tại nhà riêng của Hồ Minh Chinh có những động vật hay những sản phẩm động vật như Chinh đã quảng cáo trên Facebook thì khi đó mới có đủ cơ sở để xử lý theo pháp luật. Còn nếu Chinh chỉ đăng tải những quảng cáo và những hình ảnh đó trên Facebook với mục đích quảng cáo cho vui thì cũng cần phải có những biện pháp để cảnh cáo, răn đe.

Trần Đức Tuấn (TP Vinh, Nghệ An)

Cần phải xử phạt nghiêm 

Cơ quan chức năng cần phải làm rõ nguồn gốc những hình ảnh hổ, gấu bị giết thịt để nấu cao trên Facebook của Hồ Minh Chinh. Đây là những động vật nằm trong danh mục hoang dã quý hiếm được Nhà nước bảo vệ nghiêm ngặt. Việc ngang nhiên đăng tải hình ảnh sát hại những động vật này trên mạng xã hội chắc chắn sẽ gây ra bức xúc trong dư luận.

Do đó cơ quan chức năng cần phải làm rõ nguồn gốc của những hình ảnh này. Nếu hình ảnh đó đúng là do Hồ Minh Chinh tự chụp và đăng lên thì cần phải có những biện pháp xử phạt nghiêm. Ngoài ra, việc Hồ Minh Chinh còn rao bán những sản phẩm được làm từ những loại động vật hoang dã này là một hành vi trái pháp luật. Việc giao dịch mua bán có xảy ra hay không cũng cần phải được xác minh làm rõ vì rõ ràng đây là một hành vi có đầy đủ yếu tố phạm pháp. Nếu chứng minh được có giao dịch mua bán thì cần phải xử lý cả người mua lẫn người bán.

 Nguyễn Thị Hà (Cẩm Giàng, Hải Dương)

 Bình luận của luật sư:

Nếu chỉ căn cứ trên Facebook của Hồ Minh Chinh xuất hiện nhiều ảnh (hoặc video) hổ, gấu bị giết thịt nấu cao kèm theo lời giới thiệu bán hổ gấu, cao hổ, tay gấu, mật gấu... thì không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hồ Minh Chinh theo quy định của pháp luật.

Để xử lý về hình sự đối với Hồ Minh Chinh về hành vi giết trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Điều 190, Bộ luật Hình sự thì cơ quan điều tra bằng mọi biện pháp nghiệp vụ phải thu giữ được vật chứng là các cá thể bị giết, các loại sản phẩm còn lại như thịt, xương, sừng, da, lông, ngà, móng vẩy, răng hoặc chế phẩm như cao hổ, mật gấu... để làm căn cứ giám định các cá thể bị giết thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm.

Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ quy định trong Điều 190, Bộ luật Hình sự thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/ NĐ- CP ngày 12-11-2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Điều 25, Luật Giám định tư pháp năm 2012 quy định trưng cầu giám định tư pháp: “Người trưng cầu giám định quyết định trưng cầu giám định tư pháp bằng văn bản và gửi quyết định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định”.

Để trưng cầu giám định các cá thể bị Hồ Minh Chinh làm thịt thì cơ quan giám định cần phải có đối tượng giám định (các các thể bị giết hoặc các sản phẩm còn lại như xương, thịt, lông, chân, tay...). Nếu không thu giữ được các vật chứng thì không có căn cứ giám định. Cơ quan chuyên môn không thể giám định qua hình ảnh (hoặc video) Hồ Minh Chinh làm thịt các cá thể hổ, gấu để xác định đó là loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Hành vi của Hồ Minh Chinh chưa đủ căn cứ xử lý hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11-11-2013 quy định xử phạt hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản nên cũng sẽ không bị xử phạt (Phải có tang vật vi phạm).

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)