Rắc rối chuyện nuôi chó

ANTĐ - Trước đây, người dân nuôi chó chủ yếu với mục đích để giữ nhà. Khi đời sống cao, đa phần dân thành thị có thú nuôi chó cảnh và thường được chủ cưng chiều. Sáng sáng, dạo quanh phố phường Hà Nội, chúng ta có thể dễ nhận thấy chó được thả rông trên đường, phóng uế bừa bãi khắp nơi.

Chó là bạn tốt và là con vật trung thành của con người, nhưng với bản năng hoang dã, chó lại không thân thiện với người lạ. Và dĩ nhiên, sau nhiều giờ bị nhốt trong nhà, khi được thả rông, chó rất hung hăng, sẵn sàng cắn bất cứ ai và cũng vô tư phóng uế ở bất cứ chỗ nào. Nhiều người nuôi chó có ý thức luôn xích và rọ mõm khi dắt ra đường và cho đi vệ sinh đúng nơi quy định. Nhưng cũng không ít người để chó chạy rông, phóng uế khắp ngõ xóm, vỉa hè, đường phố, vườn hoa, công viên…Hàng xóm mất đoàn kết với nhau cũng chỉ vì sự thiếu ý thức của người nuôi chó. Nhiều gia đình không chỉ nuôi một con chó mà nuôi đến 4, 5 con, thậm chí nuôi cả đàn. Mỗi khi về đêm thấy tiếng động hoặc bóng người, chó đua nhau sủa và chó nhà bên cạnh cũng đồng thanh sủa theo gây mất trật tự chung. Mất ngủ vì chó, cãi chửi nhau cũng vì chó, nhiều người không chịu nổi phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp… Thậm chí nhiều tai nạn giao thông xảy ra khi bất ngờ chó chạy qua đường, đuổi theo người đi xe máy cắn khiến họ xử trí không kịp. 

Người Hà Nội xưa rất văn hoá và có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Chả thế mà trong tác phẩm “Số đỏ” của mình, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã phản ánh được ý thức đó của người dân. Hồi đó, Sở Cẩm có nhiệm vụ trông coi 16 phố, có phố dài 5 cây số, phố nào cũng thái bình. Thành thử mỗi khi bắt phạt được một đám thì nhân viên Sở Cẩm sướng như trúng độc đắc…Sở Cảnh sát Trung ương giao chỉ tiêu cho cảnh sát chi nhánh phải phạt dân đủ số tiền quy định. Ông Cẩm bù cả đầu, rứt xoăn cả râu để làm thế nào phạt đủ 5 ngàn bạc nộp vào sổ dự toán của công quỹ. Ông Cẩm nghĩ ra kế gọi nhân viên trong Sở họp một phiên bí mật và thống nhất cho các gia đình dọn cả về khu 16 phố. Thế rồi, trước nhất, chính ông Cẩm tây bị phạt về tội để chó sổng ra đường. Lần lượt đến nhà ông thông ngôn, ông quản, 4 thầy lính… cố ý vi phạm trật tự vệ sinh công cộng… để nhân viên Sở Cẩm cứ thế mà phạt lẫn nhau văng tê cho đủ chỉ tiêu trên giao. 

Ở nước láng giềng, nhà chức trách chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) áp dụng bộ luật về quy định mỗi gia đình chỉ được phép nuôi một con chó. Nếu chó sinh thêm con, chủ sở hữu phải cho con chó mới sinh cho những gia đình chưa nuôi chó, hoặc phải đưa chúng đến bàn giao cho trung tâm chăm sóc vật nuôi. Lý do của việc áp dụng luật này là không gian sống của người dân tại đô thị ngày càng thu hẹp và đảm bảo vệ sinh môi trường. Bộ NN&PTNT Trung Quốc còn quy định các cấp chính quyền phải thành lập các đội chuyên bắt chó thả rông để khống chế và loại trừ bệnh dại.

Theo Thông tư 48/2009 và Quyết định 2810/2012 của Bộ NN&PTNT, người dân nuôi chó phải cam kết “5 không”: Không nuôi chó mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó mèo chưa tiêm phòng bệnh dại; không nuôi chó mèo thả rông; không để chó, méo cắn người; không nuôi  chó, mèo gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hầu như rất ít hộ dân khi nuôi chó, mèo tự giác đăng ký với chính quyền địa phương. Nhiều cán bộ phường, xã cho rằng việc đăng ký nuôi chó, mèo chủ yếu dựa vào ý thức của người dân nên ít khi áp dụng xử phạt, do đó tình trạng vi phạm vẫn thường xuyên diễn ra.