Quyền thừa kế thế vị

(ANTĐ) - Hỏi: Anh trai tôi đã kết hôn nhưng không có con. Năm 1965, anh ấy đi bộ đội. Đến năm 1967, anh hy sinh nhưng mãi tới năm 1975 mới có giấy báo tử. Năm 1972, chị dâu tôi bỏ gia đình tôi và chuyển khẩu về quê ngoại sinh sống và có 2 con với người khác. Tôi xin hỏi: Chị dâu tôi và các con của chị ấy có được hưởng tài sản thừa kế của bố mẹ tôi để lại hay không ?

Quyền thừa kế thế vị

(ANTĐ) - Hỏi: Anh trai tôi đã kết hôn nhưng không có con. Năm 1965, anh ấy đi bộ đội. Đến năm 1967, anh hy sinh nhưng mãi tới năm 1975 mới có giấy báo tử. Năm 1972, chị dâu tôi bỏ gia đình tôi và chuyển khẩu về quê ngoại sinh sống và có 2 con với người khác. Tôi xin hỏi: Chị dâu tôi và các con của chị ấy có được hưởng tài sản thừa kế của bố mẹ tôi để lại hay không ?

Đinh Văn Lân (Việt Trì, Phú Thọ)

Trả lời: Để khẳng định con của chị dâu bạn có được hưởng tài sản thừa kế của bố mẹ bạn hay không thì phải xác định rõ 2 người con này có phải là con của anh trai bạn hay không?

Anh trai bạn hy sinh năm 1967, theo đó quan hệ hôn nhân giữa anh trai và chị dâu bạn chấm dứt. Tới năm 1972, chị dâu bạn chuyển về quê ngoại sinh sống và có 2 con với người khác. Khoản 1 và 2 Điều 21 Nghị định 70/2001/NĐ-CP quy định việc xác định con chung của vợ chồng như sau:

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại khoản 1, Điều 63 của Luật Hôn nhân và Gia đình được xác định là con chung của vợ chồng…

2. Con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của toà án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật thì được xác định là con chung của hai người.

Căn cứ theo điều luật trên có thể khẳng định 2 người con của chị dâu bạn không phải là con chung của anh trai và chị dâu bạn. Hơn nữa anh trai bạn chết trước khi 2 người con này ra đời nên anh bạn cũng không thể làm giấy nhận 2 người này là con được.

Tại Điều 677 - Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

Vì 2 người con của chị dâu bạn không phải là con của anh trai bạn, do đó 2 người con này không được hưởng quyền thừa kế thế vị. Nếu bố mẹ bạn qua đời, di chúc lại tài sản của mình cho 2 người cháu này thì họ vẫn có quyền được hưởng tài sản thừa kế của bố mẹ bạn. Nếu bố mẹ bạn qua đời không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì 2 người con của chị dâu bạn không được hưởng tài sản thừa kế của bố mẹ bạn để lại.

Luật sư Bùi Sinh Quyền

(Trưởng VPLS Phúc Thọ -23 Hồ Đắc Di, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội)